Tại một trạm xăng ở vùng ngoại ô Neuilly-sur-Marne chỉ cách trung tâm Paris 20 phút đi tàu, bà Helene Bakker, 69 tuổi, đi dọc theo dòng xe dài vô tận đang bấm còi inh ỏi.
Các tài xế lớn tiếng cãi vã và nhích từng chút một về phía trạm xăng, trong khi cảnh sát mang theo súng trường cố gắng ổn định tình hình. Mỗi khi cảnh sát đuổi theo những người cố cắt hàng, tiếng lốp xe lại rít lên.
“Đây không phải một khu vực giàu có”, bà Bakker nói. “Bối cảnh khá phức tạp và có thể dẫn đến (tình trạng tồi tệ hơn)”.
Pháp đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu khi các công nhân nhà máy lọc dầu đình công đòi tăng lương, một phần vì các tập đoàn dầu khí đang kiếm được lợi nhuận lớn nhờ giá năng lượng tăng cao ở châu Âu.
Phát ngôn viên chính phủ Pháp ngày 7/10 đã thừa nhận nhiều trạm xăng ở nước này đang gặp vấn đề nguồn cung, song ông khẳng định trên tổng thể, Pháp vẫn có đủ nhiên liệu và khuyến cáo người tiêu dùng không nên lo ngại, theo Reuters.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở sự gián đoạn tạm thời. Những khó khăn hiện tại đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ, khơi dậy tâm lý bất an về một mùa đông khó khăn với những người không đủ khả năng chi trả.
“Người giàu luôn có cách để vượt qua”, bà Madame Chauvette, một người nghỉ hưu ở độ tuổi ngoài 60, cho biết.
"(Cuộc khủng hoảng này) sẽ đánh vào tầng lớp trung lưu và lao động", bà nhấn mạnh.
Nghịch cảnh
Bà Chauvette đã hy vọng đổ được xăng cho chiếc xe của con gái, nhưng chỉ có thể trở về tay không. Đứng gần bà Chauvette là một nhân viên giao hàng Uber. Anh đã không thể nhận bất kỳ chuyến hàng nào kể từ ngày 8/10.
Hôm 16/10, truyền thông Pháp đưa tin 30% trạm nhiên liệu đã cạn kiệt một số loại xăng hoặc dầu diesel, theo Washington Post.
Một số người bắt đầu so sánh sự bất mãn hiện nay với phong trào "áo khoác vàng" năm 2018 - xuất phát từ đề xuất tăng thuế nhiên liệu và nhanh chóng kéo theo những lo ngại rộng rãi về bất bình đẳng xã hội. Sự bùng nổ bạo lực trong những cuộc biểu tình đó đã cản trở chương trình nghị sự của Tổng thống Emmanuel Macron.
Ôtô xếp hàng chờ đổ nhiên liệu tại một trạm xăng ở Nice, Pháp, vào ngày 10/10. Ảnh: Reuters. |
Với kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng trước, Pháp vẫn giữ mức giới hạn tăng giá năng lượng 4%. Giá xăng dầu cũng được trợ giá mạnh. Do đó, lạm phát ở nước này thấp hơn nhiều nước khác và dự kiến thấp hơn hầu hết quốc gia châu Âu trong năm 2023.
Tuy nhiên, tình hình ở Pháp cũng cho thấy một nghịch lý: Mức giới hạn này có lợi cho những người ít cần chúng nhất và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.
Pháp áp dụng giới hạn tăng giá năng lượng cho tất cả hộ gia đình theo cùng một cách. Tuy nhiên, “chúng ta cần có (các tiêu chí) để những hộ gia đình sử dụng nhiều năng lượng không được hưởng lợi tương đương”, trừ khi họ có lý do chính đáng cho việc tiêu thụ quá mức, Ray Galvin, nhà khoa học môi trường, cho biết.
Mặc dù người dân ở các quận nghèo hơn đã cắt giảm tiêu thụ năng lượng để tiết kiệm chi phí từ rất lâu trước cuộc khủng hoảng, những khu vực này vẫn chịu tác động nặng nề nhất do lạm phát và giá khí đốt tăng.
Ngược lại, cuộc khủng hoảng có thể chỉ ảnh hưởng nhẹ đến những khu vực giàu có hơn, trên các đại lộ gần Tháp Eiffel hoặc đại lộ Champs-Élysées, dù cư dân tại đây có xu hướng sử dụng hệ thống sưởi, tiêu thụ điện và khí đốt trên đầu người nhiều gấp 5 lần khu vực nghèo hơn.
Và khi giới thượng lưu Paris tổ chức Tuần lễ thời trang vào tháng 10, các thị trưởng đã hạ nhiệt độ tại trường học, đóng cửa bể bơi và giảm giờ hoạt động của bảo tàng.
Công ty vận hành Vert Marine đã quyết định đóng cửa khoảng 30 bể bơi công cộng mà họ quản lý ở Montauban, Versailles và Limoges từ ngày 5/9, đồng thời đưa "nhân viên vào tình trạng thất nghiệp một phần". Trong thông cáo báo chí, Vert Marine nói rằng hóa đơn năng lượng của họ đã tăng từ 15 triệu lên 100 triệu euro, tương đương "toàn bộ doanh thu hàng năm", theo AFP.
Trong khi đó, ở các khu vực nông thôn - nơi phản ứng tiêu cực của người dân ngày càng rõ rệt - các hiệp hội y tế cảnh báo tài xế xe cứu thương, y tá và bác sĩ đang dần hết nhiên liệu sử dụng.
Không đủ bù đắp
Tại Neuilly-sur-Marne, người dân và quan chức địa phương đang bày tỏ lo ngại về các vấn đề xã hội tiềm ẩn.
Với tỷ lệ nghèo đói khoảng 20%, nhiều người trong số 36.000 cư dân Neuilly-sur-Marne dường như đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác với khu vực Neuilly-sur-Seine, nơi có những dinh thự trải dài dọc các đại lộ.
Công nhân đình công đốt lửa trước nhà máy lọc dầu ExxonMobil ở Port-Jerome-sur-Seine, Pháp, vào ngày 5/10. Ảnh: Reuters. |
Thị trưởng Neuilly-sur-Marne Zartoshte Bakhtiari đã yêu cầu hạ nhiệt lớp học - mặc dù ông thừa nhận điều đó sẽ khiến việc học khó khăn hơn - đồng thời cắt giảm kế hoạch trang trí đèn Giáng sinh mà một số cư dân mong đợi suốt nhiều tháng.
Song điều đó có lẽ sẽ không đủ. Neuilly-sur-Marne phải đối mặt với mức chi tiêu năng lượng tăng gấp 6 lần trong những tháng tới.
“Ngay cả khi tắt hết đèn”, chúng tôi sẽ chỉ giảm được khoảng 1/10 mức tăng chi tiêu, ông Bakhtiari nói.
Ông đã đưa ra một bản kiến nghị, kêu gọi chính phủ giúp đỡ. “Các thị trấn có ít nguồn lực hơn hoặc cư dân phụ thuộc nhiều hơn vào các dịch vụ công sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, ông nói với tờ Post.
Chính phủ Pháp đang cung cấp các khoản hỗ trợ tới 195 USD cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, một số quan chức nhận định nỗ lực này không đủ để bù đắp cho tác động của lạm phát tại các khu vực như Neuilly-sur-Marne.
“Chúng ta đang đối phó với một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng thấy ở Pháp, kể từ cú sốc dầu mỏ năm 1973. Và theo một cách nào đó, chúng ta sẽ cần đến các biện pháp (cứng rắn hơn)”, Hạ nghị sĩ Sébastien Jumel cho biết.
Theo một cuộc khảo sát gần đây, khoảng 58% người Pháp nói rằng họ "không hài lòng" với tình hình đất nước hiện nay, và 1/3 tỏ ra "rất tức giận".