Đầu thế kỷ 20, nhiều làng xã ở nông thôn Việt Nam đã đặt ra những quy tắc về vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh truyền nhiễm lây lan… Những quy tắc này được ghi cố định trong các bản hương ước tục lệ của làng xã (hương ước, khoán ước, điều lệ…) rất tỉ mỉ, chặt chẽ.
Hương ước cải lương và việc ấn định quy tắc vệ sinh và phòng chống dịch bệnh
Theo sách Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập hương ước tục lệ, PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (chủ trì), NXB Hà Nội, 2010, hương ước tục lệ là những quy tắc (điều lệ) có tính chất ràng buộc, được đặt ra trong đời sống cộng đồng làng xã, nhằm điều hòa các mối quan hệ và khuyến khích, động viên làm việc.
Ban đầu, các quy ước này chỉ là truyền miệng, sau đó mới cố định thành các văn bản. Các văn bản hương ước tục lệ sớm nhất được xác định là vào thời Hồng Đức (1470-1496). Trải qua các thời Mạc, Lê, Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn hương ước không ngừng phát triển và ngày càng chặt chẽ, hợp lý hơn.
Hình ảnh một đám tang thời xưa. Ảnh tư liệu. |
Đầu thế kỷ 20, chính quyền thuộc địa Pháp đã can thiệp trực tiếp vào bộ máy làng xã, tạo nên các bản hương ước cải lương viết theo mẫu từ trên xuống dưới (trước đó các hương ước tục lệ chủ yếu làm lẻ tẻ theo từng giai đoạn, sau này mới xâu chuỗi lại thành 1 bản hoàn chỉnh).
Những bản hương ước mới này ngoài việc đề những quy tắc sống do cộng đồng làng xã xây dựng trước đó (thờ phụng, cúng tế, vị thứ, việc làng, hình mục, hương ẩm, khao vọng, cưới xin, tang ma...), nó còn quy ước những vấn đề mới như phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo Tây y hiện đại, đề cao vấn đề vệ sinh, phòng bệnh, hơn chữa bệnh…
Việc quy định này có lẽ xuất phát từ tình hình dịch bệnh tại Bắc kỳ vào cuối thế kỷ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Theo các tài liệu lưu trữ xứ Bắc kỳ thường xảy ra bệnh dịch. Thí dụ như bệnh dịch tả xảy ra năm 1888 làm chết khoảng 1.800 người ở Hà Nội chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ 18/4 đến 9/5 (trong số này có Paul Bert, Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ).
Ngoài bệnh tả, dân xứ Bắc kỳ cũng hay bị bệnh đậu mùa và bệnh dịch hạch. Vào năm 1903, bệnh dịch hạch lại bùng phát ở Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám còn bất đắc dĩ trở thành một nơi “cách ly” người bệnh của chính quyền thành phố.
Quy định cụ thể về vệ sinh, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong các bản hương ước cải lương
Theo một số bản hương ước tục lệ được tuyển dịch và giới thiệu trong sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội Tuyển tập hương ước tục lệ”, những quy tắc về vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh truyền nhiễm lây lan được quy định rất chặt chẽ, cụ thể:
Bản khoán ước xã Duyên Trường, huyện Thanh Trì, nay thuộc xã Duyên Thái, huyện Thanh Trì điều 24 ghi việc phòng bị chứng truyền nhiễm như sau: Trong làng chẳng may phát ra chứng truyền nhiễm thì người bị bệnh phải ở riêng một chỗ, để khỏi truyền nhiễm cho người khác. Lý dịch phải làm giấy trình quan ngay. Như súc vật bị bệnh ấy thì phải tường ngay lý dịch để trình quan. Con nào chết phải xin phép quan chôn. Khi chôn phải xa chỗ hồ ao, cuốc sâu đổ than lên trên. Con nào ốm thì xin thuốc chữa. Ai không tuân, hội đồng trình quan.
Bản điều lệ xã Đông Mai, nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội điều 2, 3, khoản 9 ghi như sau: Những người ốm nặng ở chỗ khác về làng, nếu là người trong làng thì phải có giấy thầy thuốc tây nhận thực rằng không phải bệnh truyền nhiễm thì mới được vào trong làng. Nếu người ngoài thì cấm hẳn. Người nào đưa ôn [bệnh ôn, một loại dịch sốt rất dễ lây truyền sang người khác], những người ốm nặng về làng mà không trình với lý dịch, nếu xét ra là phải bệnh truyền nhiễm thì phải phạt từ 2 đồng đến 20 đồng.
Những nhà nào có người chết vì bệnh truyền nhiễm thì lý dịch phải đến khám và bảo nhà chủ phải theo các thể thức nhà nước đã sức mà liệm táng.
Vệ sinh chung kém dễ dẫn đến ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Ảnh tư liệu. |
Cũng đề cập đến vấn đề này, điều 44, Hương ước thôn Liễu Nội, xã Khánh Hà, huyện Thanh Trì, nay thuộc xã Khánh Hà, huyện Thường Tín ghi: Khi trong làng có thấy phát truyền nhiễm thì lý dịch phải trình quan ngay xin thầy thuốc về chữa. Khi nào có một người ốm nặng ở chỗ nào muốn mang về làng thì làm giấy chứng để quan thầy thuốc chiếu thực là không phải bệnh truyền nhiễm trình giấy ấy ở chánh hội hay lý trưởng. Nếu không có sức thì thầy không được đem vào làng, ai không tuân, phạt từ 5 hào đến 1 đồng bạc và phải đem đến nhà thương ngay. Trong làng ai có bệnh hủi, lý trưởng phải trình quan khám thực, phải ra dưỡng tế, không được nể để ở trong làng, còn như đồ dùng của người ốm hay người chết hoặc xác súc vật chết cấm không được vứt ngoài hồ ao. Lại cấm không được làm chuồng lợn, chuồng tiêu ngay ở cạnh bờ ao. Ai phạm phạt 3 hào.
Tương tự, các bản Hương ước thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, lập năm Duy Tân thứ 10 (1914); Hương ước xã Giang Xá, tổng Cao Xá, huyện Đan Phượng, nay thuộc thị trấn Trôi, Hoài Đức, lập ngày 8 tháng 10 năm Khải Định 5 (1920); Hương ước làng Xa Mạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc xã Xa Mạc huyện Mê Linh, lập vào năm 1921; Hương ước thôn Trung xã Cao Xá huyện Đan Phượng, nay thuộc xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, lập ngày 8 tháng 12 năm Khải Định 9 (1924 … đều quy ước cụ thể việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, các bản hương ước này cũng đề cao việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, đặc biệt chú trọng việc giữ gìn vệ sinh chung. Các bản hương ước này ghi:
Muốn cho người làng khỏe mạnh cần phải theo phép vệ sinh, một là phòng bệnh, hai là chữa bệnh. Hội đồng nên thường hiểu bảo người làng giữ nhà riêng và đường chung cho rất sạch sẽ.
Cấm không ai được vứt uế vật ra đường và làm nhà xí bên đường, cạnh ao…
Các giếng nước ăn phải tìm cách giữ gìn cho được trong sạch, những tổn phí về sự sửa giếng làng trích tiền công hoặc khuyến giáo để chi.
Những đồ dùng của người yếu hay người chết cấm không được vứt xuống hồ ao, lại cấm được làm chuồng lợn hay chuồng tiêu ở cạnh ao hồ hay những chỗ dơ cạn có thể chảy xuống ao hồ được.
Như vậy, qua một số hương ước cải lương đầu thế kỷ 20, chúng ta không chỉ biết đến các hoạt động (thờ phụng, cúng tế, vị thứ, việc làng, hình mục, hương ẩm, khao vọng, cưới xin, tang ma...) của xã hội nông thôn Việt Nam xưa, mà còn biết thêm tình hình dịch bệnh và cách phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong thời kỳ này ra sao.