Sáu tháng sau, họ kéo đến trụ sở SpaceX vào rạng sáng chủ nhật, sẵn sàng tiệc tùng tiếp, ăn mừng một mốc quan trọng khác.
Họ quy tụ một vài người quanh phòng điều khiển sứ mệnh cho chuyến bay của tên lửa Falcon 9 dự định diễn ra sau 7h giờ Thái Bình Dương ngày 28/6/2015.
Chuẩn bị cho lần phóng tên lửa quan trọng
Đó là một buổi sáng đẹp trời ở Florida, trời có gió nhẹ và khả năng phải hủy chuyến bay vì thời tiết chỉ là 1%.
Cái khó của chuyến bay không phải việc cất cánh, mà là hạ cánh. Nói đúng hơn, nỗ lực hạ cánh. Trong suốt nhiều tháng, SpaceX tập luyện cho một cuộc diễn tập chưa từng có, hạ cánh các tầng đầu tiên của tên lửa trở lại mặt đất trên “tàu sân bay cảng hàng không vũ trụ tự động”.
Dù cả hai nỗ lực trước đó đều kết thúc bằng những vụ nổ - “những lần tháo máy nhanh không định trước” - nhưng công ty đang tiến rất gần đến đích.
Trong cả hai lần thử nghiệm, tên lửa đã thực sự chạm vào tàu sân bay, một thành tựu đáng kinh ngạc khi mà động cơ đẩy phải bay trở lại Trái Đất sau khi di chuyển mạnh mẽ lên không gian. Nhưng, mỗi lần lại có sai sót vào phút chót, trao cho công ty đủ nguyên liệu làm nên một chuỗi sai lầm nghiêm trọng.
Giờ đây, Musk cảm thấy rằng SpaceX cuối cùng đã tìm ra cách làm việc đó và tự tin về các cơ hội thành công của mình. Ông mời một đoàn đến từ kênh National Geographic để quay phim ở trụ sở SpaceX, nhằm ghi lại thứ sẽ trở thành một thời khắc trọng đại trong lịch sử của hàng không vũ trụ.
Nếu SpaceX có thể hạ cánh thành công tầng đầu tiên, đó sẽ là lần đầu có người từng làm việc đó, một bước nhảy khổng lồ đối với công ty và ngành công nghiệp nói chung.
Nó cũng sẽ gửi đi một thông điệp thách thức tới Alliance và Blue Origin. Đó cũng là sinh nhật lần thứ 43 của Musk. Còn có cách nào để ăn mừng tốt hơn là làm nên lịch sử, đồng thời chống lại những người chỉ trích? Cả cuộc phóng cũng vô cùng quan trọng.
Bảy tháng sau khi tên lửa của Orbital Sciences nổ tung trên đường vận chuyển hàng hóa lên trạm không gian, một tàu không gian Nga, được chất hàng tấn hàng hóa, đồ dùng và thực phẩm, bắt đầu quay một cách điên cuồng, như thể nó là chuyến tàu lượn ở công viên trò chơi bị mất kiểm soát trong môi trường không trọng lượng.
Lại một chuyến bay nữa lên trạm không gian. Lại một thất bại nữa. Giờ thì, đã đến lượt của SpaceX.
Sau các thất bại nối tiếp nhau, sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Alliance và Blue Origin. Những kỳ vọng ngày càng cao xuất phát từ việc giành được một hợp đồng đưa các phi hành gia lên trạm không gian, SpaceX đang phải đối mặt áp lực lớn.
Một thảm họa nữa sẽ làm hỏng trải nghiệm táo bạo của chính quyền Obama trong việc muốn thuê ngoài các sứ mệnh lên trạm không gian để NASA có thể theo đuổi sứ mệnh vĩ đại hơn là bay lên Hỏa tinh.
Nó sẽ làm dấy lên những câu hỏi về một ngành công nghiệp vẫn còn sơ khai nơi mà thất bại là chuyện thường, đắt đỏ, và được tính bằng những chùm khói hình cây nấm [...].
Ảnh chụp tên lửa Falcon 9 ngày 28/6/2015. Ảnh: Alex Polimeni. |
Không gian không phải chuyện dễ dàng
Mười ba phút trước cuộc phóng, viên chỉ huy đã tiến hành trưng cầu ý kiến sẵn sàng/không sẵn sàng của 13 thành viên của nhóm phóng, một đợt kiểm tra cuối cùng tất cả hệ thống và bộ phận để đảm bảo rằng tên lửa đã sẵn sàng.
Đó là một nghi lễ hô - ứng được truyền xuống từ NASA, và hiện nay ở SpaceX, họ làm việc đó một cách dễ dàng và tự tin.
“Tất cả bộ phận đều xác nhận sẵn sàng cho cuộc phóng”, chỉ huy nói vào loa tai nghe khi ông ấy bắt đầu cuộc trưng cầu ý kiến, kiểm tra tất cả nhóm theo kiểu hô - ứng, mỗi nhóm đều kết thúc với một từ chắc nịch “Sẵn sàng!”
Động cơ đẩy đã sẵn sàng. Hệ thống bay điện tử cũng vậy. Xác nhận sẵn sàng cũng đến từ bộ phận chỉ huy, dẫn đường và điều khiển và từ kỹ sư trưởng, rồi xuống đến tất cả bộ phận cho đến khi viên chỉ huy nói “Tôi sẵn sàng!” và viên chỉ huy chốt lại: “Giám đốc cuộc phóng sẵn sàng bắt đầu đếm ngược".
Việc đếm ngược diễn ra thuận lợi và sau đó: “Chúng ta đã cất cánh tên lửa Falcon 9. Falcon 9 đã rời khỏi tháp".
Các nhân viên tại trụ sở SpaceX hò reo rộn rã như thể đang ở trong một trận bóng đá, giơ nắm đấm lên ăn mừng một cuộc cất cánh thành công nữa. Họ đã sẵn sàng tiệc tùng ngay khi tên lửa hạ cánh.
Khi bay lên, tên lửa trông thật xuất sắc - hoặc là “nominal” - thuật ngữ trong khoa học tên lửa mang ý nghĩa mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. “Động cơ đẩy tầng một bình thường”, kỹ sư phụ trách động cơ đẩy nói ngay sau khi cất cánh.
“Lực và đo khoảng cách từ xa bình thường”, kỹ sư phụ trách điện tử hàng không nói.
Một phút 30 giây sau khi phóng, Falcon 9 vượt qua Max-Q, hay là áp lực động lực tối đa, thời điểm mà tên lửa chịu áp lực lớn nhất khi đang bay lên. Tuy nhiên, tình hình vẫn rất khả quan: “Động cơ đẩy tầng một vẫn bình thường".
Hai phút sau khi phóng, Falcon 9 đạt độ cao xấp xỉ 20 dặm, vận tốc 0,6 dặm mỗi giây. Chùm khói lửa dữ dội phía sau nó đã lan rộng ra và đó là điều bình thường trong điều kiện áp lực không khí ở độ cao đã giảm. Mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ cho đến khi tình hình không được suôn sẻ nữa.
Chỉ hơn 2 phút một chút sau khi cất cánh, tên lửa nổ tung, bị nhấn chìm bởi một đám mây mỏng màu trắng. Sau một lúc, khói tan ra và xác tên lửa bắn tung tóe trên nền trời xanh nhạt như thể một nhà ảo thuật vung tay khiến tên lửa và khoảng 1,3 tấn hàng hóa nó đang mang theo biến mất.
Trên trạm không gian, phi hành gia NASA Scott Kelly đã tweet rằng ông ấy theo dõi chuyến bay từ trạm. “Thất bại đáng buồn. Không gian thật sự rất khó khăn".
Đám đông tại trụ sở SpaceX đột nhiên im bặt, một số người đưa tay lên bịt miệng. Nhóm National Geographic tiếp tục giữ các máy quay di chuyển, ghi lại sự yên ắng đến ghê người trong cái được xem là một lễ ăn mừng chiến thắng và tiệc sinh nhật nhưng giờ lại có cảm giác giống một đám tang hơn.