"Việt Nam đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ 3" là nhận định của GS Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, trong bài tham luận "Việt Nam đang trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 3, bao giờ kết thúc?" vừa được ông công bố mới đây.
Với kinh nghiệm tham gia chỉ đạo TP.HCM chống dịch thành công năm 2020 khi còn giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng nhiều số liệu khoa học nhằm dự báo về thời điểm kết thúc làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 ở Việt Nam.
GS Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: Việt Linh. |
Số người điều trị Covid-19 ở Việt Nam thấp hơn ngưỡng an toàn dịch
Nhắc lại giai đoạn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020, GS Nhân phân tích ngưỡng an toàn dịch là 10 người đang điều trị Covid-19/triệu dân. Đây cũng là ngưỡng phân biệt giữa nơi có lây nhiễm nhưng chưa có dịch và nơi có dịch. Do đó, các quốc gia, vùng lãnh thổ có thể vận dụng chỉ số này để đánh giá tình hình lây nhiễm.
Với dân số 97 triệu người, GS Nhân nhận định ngưỡng an toàn dịch của Việt Nam là 970 người nhiễm đang được điều trị ở các cơ sở y tế. Sau làn sóng thứ nhất vào tháng 3-4/2020, làn sóng thứ 2 vào tháng 7-9/2020, Việt Nam đang bước vào làn sóng thứ 3, khả năng kéo dài từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2021.
3 làn sóng dịch Covid-19 tại Việt Nam. Đồ họa: GS Nguyễn Thiện Nhân cung cấp. |
Theo ông Nhân, hơn một năm qua, từ 23/1/2020 đến nay, số người đang được điều trị Covid-19 ở Việt Nam luôn thấp hơn ngưỡng an toàn dịch.
"Do đó, Việt Nam là nước có lây nhiễm, đã qua hai làn sóng lây nhiễm, và đang bước vào làn sóng thứ 3, song là nước không có dịch Covid-19", ông Nhân nhận định.
Tuy nhiên, GS Nhân cho rằng nếu áp dụng tiêu chí ngưỡng an toàn dịch 10 người được điều trị/triệu dân cho một số tỉnh, thành phố của Việt Nam trong làn sóng lây nhiễm thứ 2 và thứ 3, thì một số địa phương là nơi có dịch thực sự. Với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của Việt Nam, Hải Dương là địa phương có mức độ lây nhiễm rất cao.
Dịch ở Hải Dương sẽ kết thúc sau tháng 3/2021
Với dân số 1,9 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Hải Dương là 19 người đang được điều trị ở các bệnh viện.
Trong khi đó, chỉ sau một ngày kể từ khi ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được phát hiện (27/1), Hải Dương đã có thêm 72 ca lây nhiễm cộng đồng, tổng cộng có 77 người nhiễm phải được điều trị, gấp 4 lần ngưỡng an toàn dịch. Như vậy, ngay từ khi đó, Hải Dương đã là tỉnh có dịch Covid-19.
Đến ngày 14/2, số người được điều trị là 418 người, gấp 22 lần ngưỡng an toàn dịch của tỉnh và chưa biết được khi nào thì dịch ở Hải Dương đạt đỉnh.
Dịch bệnh tại Hải Dương bắt nguồn từ nhóm công nhân. Ảnh: Thạch Thảo. |
Với số người phải điều trị ở các bệnh viện từ ngày 10/2 đến 14/2 là 120 người, ông Nhân dự đoán nhiều khả năng đến 18/2, số người cần được điều trị sẽ tăng ít nhất 60 người. Như vậy, tổng số người đang điều trị sẽ khoảng 480 người, gấp 25 lần ngưỡng an toàn dịch.
"Tức là Hải Dương có nguy cơ trở thành địa phương có dịch Covid-19 nặng hơn Đà Nẵng với mức độ lây nhiễm gấp 24 lần ngưỡng an toàn dịch", ông Nhân so sánh.
GS Nhân phân tích thời gian dịch kết thúc ở Đà Nẵng (làn sóng Covid-19 thứ 2) là 59 ngày, tính từ thời điểm bùng phát dịch đến khi số người điều trị ở bệnh viện thấp hơn ngưỡng an toàn dịch của tỉnh (11 người điều trị Covid-19/1,1 triệu dân).
Từ thực tế đó, ông Nhân dự đoán dịch Covid-19 ở Hải Dương sẽ kết thúc sau ít nhất 60 ngày tính từ ngày 27/1/2021 (thời điểm bùng phát dịch). Tức là, cuối tháng 3/2021, số người nhiễm đang được điều trị ở các bệnh viện sẽ không quá 19 người (ngưỡng an toàn dịch của Hải Dương). Tuy nhiên, ông Nhân lưu ý đây chỉ là dự báo sơ bộ để tham khảo.
Khi Đà Nẵng bắt đầu xảy ra lây nhiễm mạnh ở cộng đồng, lãnh đạo TP Đã Nẵng đã nhanh chóng công bố đây là nơi có dịch và tiến hành các biện pháp phong tỏa, cách ly rất quyết liệt. Do đó, sau 34 ngày, địa phương không còn phát sinh lây nhiễm trong cộng đồng.
Tuy nhiên, ông Nhân nhận định với các chỉ số nêu trên, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã chậm trễ trong việc công bố "tỉnh có dịch", dẫn đến sự chủ quan của một bộ phận người dân trong việc phòng, chống dịch và các biện pháp triển khai chưa tương xứng với tình hình.
Tình hình dịch bệnh tại Hải Dương (ảnh trái) và Đà Nẵng (ảnh phải). Đồ họa: GS Nguyễn Thiện Nhân cung cấp. |
Ngoài Hải Dương và Quảng Ninh, từ 27/1 đến nay, 11 tỉnh, thành phố đã có các ca lây nhiễm trong cộng đồng với mức độ khác nhau, song nhìn chung là thấp. Hà Nội, TP.HCM có lây nhiễm song không có dịch, vì số người đang điều trị Covid-19 ở các bệnh viện của Hà Nội và TP.HCM đều là 4 người/triệu dân, thấp hơn nhiều ngưỡng an toàn dịch 10 người/triệu dân.
Trong khi đó, mức độ lây nhiễm ở Hải Dương hiện nay (220 người đang điều trị/triệu dân) cao gấp 55 lần mức lây nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM.
"Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và các tỉnh khác đang quyết liệt phòng chống dịch. Vì vậy, thời điểm kết thúc của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 ở Việt Nam hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào dịch Covid-19 ở Hải Dương bao giờ kết thúc", GS Nguyễn Thiện Nhân đưa ra dự báo.