Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch TP.HCM: Không làm khéo sẽ khó kiểm soát dịch Covid-19

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đang ở mức nguy cơ rất cao. Ngành y tế toàn địa bàn cần sẵn sàng kịch bản cho những tình huống khẩn cấp.

Chiều 9/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố. "Phức tạp", "nguy cơ lây nhiễm rất cao" là những từ được ông Nguyễn Thành Phong nhắc lại nhiều lần tại buổi họp.

"Cả hội nghị và các điểm cầu đều thấy tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Có những ca tiếp xúc F2, sau khi xét nghiệm lại trở thành F0 rồi", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý.

Bí thư, chủ tịch các quận, huyện không được vắng mặt

Ông Nguyễn Thành Phong nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đang ở mức nguy cơ rất cao. Lãnh đạo các cấp và ngành y tế toàn địa bàn cần sẵn sàng kịch bản cho những tình huống khẩn cấp.

"Là người đứng đầu, bí thư, chủ tịch cấp quận, huyện không được phép vắng mặt thời gian này. Nguy cơ lây nhiễm ở từng địa phương rất cao, nên mong mọi người thông cảm, chia sẻ", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và cho biết hiện tại, tất cả lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành cần tuân thủ.

tinh hinh Covid19 tai HCM anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Quang Huy.

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị lãnh đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức phải nắm chặt tình hình dịch trên địa bàn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và các đơn vị khác cần phối hợp để rà soát, điều tra dịch tễ đối với từng ca mắc Covid-19.

"Đối với những trường hợp F1, tôi yêu cầu bắt buộc phải cách ly tập trung, không áp dụng cách ly tại nhà. Chúng ta còn chưa rõ nguồn lây virus, nếu không phối hợp tốt, không khéo léo sẽ dẫn đến không thể kiểm soát", lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo.

Đối với những ca tiếp xúc gần với người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 là nhân viên hãng hàng không Vietnam Airlines được HCDC công bố sáng nay, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị HCDC lấy mẫu, điều tra y tế toàn bộ người liên quan. Khi có kết quả xét nghiệm, ngành y tế cần lên kế hoạch khoanh vùng, mở rộng lấy mẫu phù hợp.

Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu các địa bàn có bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 sinh sống tại chung cư áp dụng nguyên tắc "giám sát rộng, phong tỏa hẹp". Khi có ca nhiễm, toàn bộ cư dân tại chung cư cần được lấy mẫu theo phương án lấy mẫu gộp hoặc lấy mẫu đơn khi cần thiết, lực lượng y tế, cơ quan chức năng chỉ thực hiện phong tỏa tầng mà người bệnh sinh sống.

"Dịch bệnh hiện nay đã rất phức tạp, chúng ta cần thần tốc hơn trong công tác truy vết, xét nghiệm. Nếu chỉ 1-2 người mắc trong cộng đồng thì tốc độ lây lan rất nhanh", người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhắc nhở.

BN1979 không phải ca bệnh đầu tiên của ổ dịch

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá dịch bệnh được phát hiện bùng phát tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, tình huống rất bất ngờ xảy ra là những ca tiếp xúc F1 âm tính nhưng F2 lại dương tính.

"Qua đánh giá tình hình, chúng ta có thể nhận định BN1979 không phải ca bệnh đầu tiên của ổ dịch. Chúng tôi chưa thể khẳng định nguồn gốc đợt bùng phát này nhưng đang tiếp tục làm rõ", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay.

tinh hinh Covid19 tai HCM anh 2

Lực lượng y tế lấy mẫu cho nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Chí Hùng.

Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM đã yêu cầu Viện Pasteur đẩy nhanh phân tích trình tự gen các ca bệnh để làm rõ chủng virus tại TP có liên quan đến chủng tại Vân Đồn, Chí Linh và các chủng đột biến tại Anh, Nam Phi, Brazil hay không.

Ngoài ra, sân bay Tân Sơn Nhất cần tăng cường xét nghiệm rà soát, xét nghiệm người nhà của nhân viên điều phối, bốc xếp hàng hóa trong sân bay bằng phương pháp xét nghiệm kháng thể. Bằng phương pháp này, lực lượng y tế có thể xác định được cả trường hợp mắc Covid-19 và đã khỏi, từ đó có thể mở rộng truy vết trong cộng đồng để tìm nguồn gốc ổ dịch.

"Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả đơn vị thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn và khu vực lân cận sẵn sàng nguồn lực để hỗ trợ TP.HCM trong truy vết, giám sát, xét nghiệm. Tất cả mẫu xét nghiệm khi chuyển tới đơn vị cần được thực hiện ngay và luôn, không có khái niệm chờ đợi nữa", ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Chuẩn bị phương án mở lại khu cách ly Đại học Quốc gia

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin ngành y thành phố đã chuẩn bị năng lực để ứng phó trong trường hợp địa bàn có 50-100 ca mắc Covid-19.

Cụ thể, ngành y thành phố đã chuẩn bị 840 giường bệnh, 30 giường hồi sức cùng hàng chục máy thở chức năng cao, máy thở không xâm nhập, máy thở ECMO để sẵn sàng phục vụ người bệnh.

Đối với cơ sở cách ly tập trung, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết sau Tết Tân Sửu, thành phố thực hiện phương án mở lại khu cách ly tập trung tại Đại học Quốc gia với quy mô 10.000 giường.

Thời gian tới, ngành y tế phối hợp các đơn vị chức năng trong sân bay rà soát, củng cố lại các quy trình vận hành, hoạt động trong sân bay để tăng cường, bổ sung các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; tái tập huấn và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 đối với nhân viên sân bay.

Tính đến ngày 9/2, sân bay Tân Sơn Nhất đã có 7 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 cùng chung nhóm làm việc bốc dỡ, sắp xếp, giám sát hành lý, hàng hóa ở sân đỗ máy bay.

Ngoài 7 trường hợp này, HCDC ghi nhận 25 người nhiễm có liên quan nhân viên sân bay đã được Bộ Y tế công bố với mã số BN2014-2038 vào chiều 8/2.

tinh hinh Covid19 tai HCM anh 3

Đóng cửa phố ông đồ TP.HCM vì dịch Covid-19

Tối 8/2, nhiều "ông đồ" vội vã dọn dẹp đồ đạc, đóng quầy sau khi Nhà văn hóa Thanh Niên đưa ra thông báo dừng hoạt động phố ông đồ.

Quang Huy

Bạn có thể quan tâm