Ảnh: Min An. |
Cho dù chúng ta có “nhịn” hết những thức ăn cảm giác, cắt đứt hết những tiếng động bên ngoài và những thông tin đưa vào ta, ta vẫn đang tiếp tục tiêu thụ một nguồn thực phẩm tiềm tàng. Đó chính là tâm thức của ta. Tâm thức này, cùng với tâm thức tập thể, là nguồn thực phẩm thứ tư.
Khi chúng ta hướng sự chú tâm vào những yếu tố tâm thức nào đó thì có nghĩa là chúng ta cũng đang “tiêu thụ” chúng. Giống như đối với những bữa ăn, những gì chúng ta tiêu thụ từ tâm thức mình có thể lành mạnh hay độc hại.
Ví dụ, khi chúng ta đang có một suy nghĩ giận dữ, độc ác và chúng ta cứ lặp đi lặp lại suy nghĩ đó trong tâm là chúng ta đang tiêu thụ thức ăn độc hại. Ngược lại, nếu chúng ta ghi nhận những cái đẹp trong ngày, cảm giác biết ơn về sức khỏe của ta và tình thương ta dành cho những người chung quanh, thì chúng ta đang tiêu thụ thức ăn lành mạnh.
Tâm thức cá nhân
Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng hiểu biết, thương yêu, từ bi và tha thứ. Nếu ta biết cách gieo trồng những yếu tố này trong tâm thức thì tâm thức có thể nuôi dưỡng ta với loại thức ăn lành mạnh này, làm cho ta cảm thấy rất sung sướng và mang lại lợi lạc cho những người chung quanh.
Tuy nhiên, trong tâm thức mỗi người cũng có những hạt giống của ám ảnh, lo lắng, tuyệt vọng, cô đơn và hờn tủi. Nếu ta tiêu thụ những thức ăn Xúc Thực mà làm tăng trưởng những yếu tố tiêu cực này trong tâm thức, như đọc chuyện giật gân, chơi trò chơi điện tử bạo động, dành hết thời gian lên mạng để so đo ganh tị với những gì người khác đã làm, hay tham gia vào những cuộc chuyện trò vô bổ, thì sự giận dữ, tuyệt vọng, ganh tị sẽ trở thành những năng lượng lớn mạnh hơn trong tâm thức ta.
Như vậy là ta đang gieo trồng loại thức ăn không lành mạnh này vào chính tâm ta. Cho dù sau đó ta có tránh xa những quyển sách hoặc trò chơi điện tử trên máy vi tính, tâm ta vẫn tiếp tục lui tới và tiêu thụ lại những yếu tố độc hại đó từng giờ, từng ngày và từng tuần sau đó, bởi vì ta đã tưới tẩm những hạt giống tiêu cực đó vào trong tâm thức ta.
Có những loài cây có thể làm ta lâm bệnh, như cây độc cần (hemlock) hoặc cây cà độc dược (belladonna). Nếu ăn chúng, ta sẽ bị ngộ độc. Thường thường, người ta không chủ ý trồng những cây này trong vườn. Tương tự như vậy, ta có thể chọn lựa gieo trồng những điều lành mạnh để nuôi dưỡng tâm thức ta, thay vì những thứ độc hại sẽ làm ta tàn hại và khổ đau.
Dù có ý thức hay không thì ta cũng vẫn tiếp tục tưới tẩm cái này hay cái kia trong tâm mình, và chắc chắn chúng ta sẽ tiêu thụ lại sau đó. Những gì ta tưới tẩm và tiêu thụ một cách vô thức có thể hiện lên trong những giấc mơ của ta, biểu hiện qua những điều mà ta buột miệng nói ra trong những cuộc chuyện trò. Và rồi sau đó, ta tự hỏi: “Điều này đến từ đâu trong thế giới này?” Nếu không chú tâm vào những gì ta đang đưa vào trong mình và nuôi dưỡng tâm mình, ta có thể gây ra rất nhiều tổn hại cho chính bản thân và cho các mối liên hệ.
(*) Tựa đề và tiêu đề phụ do người biên tập đặt.
Bình luận