Lâm Thanh Hà là cái tên không còn xa lạ với khán giả yêu mến phim hành động, võ thuật Hong Kong. Bà nổi tiếng với vai Đông Phương Bất Bại trong Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại (1992).
Theo South China Morning Post, Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại đánh dấu giai đoạn thăng hoa ngắn ngủi trong đoạn cuối sự nghiệp điện ảnh của Lâm Thanh Hà.
Nữ diễn viên cầm bút
Minh tinh giã từ sự nghiệp diễn xuất vào năm 1994. Tới 2004, Lâm Thanh Hà bắt đầu nghiệp viết lách. Ngày 3/11, nhân dịp sinh nhật lần thứ 66, bà ra mắt cuốn tự truyện Kính tiền kính hậu.
Sau khi từ bỏ nghiệp diễn, Lâm Thanh Hà bắt đầu công việc viết lách. Ảnh: SCMP. |
Kính tiền kính hậu là tập cuối trong bộ ba tác phẩm kể lại cuộc đời và sự nghiệp lừng lẫy của Lâm Thanh Hà. Tác phẩm gồm 22 bài luận do minh tinh chấp bút và sáu bài viết về bà do những người bạn thực hiện.
Cuốn sách mang đến cho khán giả bức tranh về đời tư của Lâm Thanh Hà, kèm theo trăn trở xung quanh nghiệp diễn và suy tư về cuộc đời. Kính tiền kính hậu cũng kể lại nhiều giai thoại về cuộc đời minh tinh.
Tình bạn với Trương Thúc Bình và ngày cuối của Lý Tinh
Trương Thúc Bình là nhà thiết kế trang phục cho Lâm Thanh Hà trong rất nhiều dự án, bao gồm cả Gián điệp Dạ Lý Hương (1983) và Đông Tà Tây Độc (1994). Bà coi ông là người bạn khác giới thân thiết nhất.
“Tài tử, minh tinh đều yêu mến anh ấy. Nhưng tôi mới là người được anh yêu quý nhất… 90% trang phục tôi khoác lên mình trong phim Hong Kong đều do một tay anh thiết kế.
Anh đồng thời là người đảm nhận công việc chế bản cho cả ba cuốn sách của tôi… Năm 39 tuổi, tôi lấy chồng, cũng anh là người đã sửa sang căn hộ của tôi tại Hong Kong”, Lâm Thanh Hà viết.
Bà hồi tưởng lại một “tai nạn” khi còn trẻ từng khiến Trương Thúc Bình bối rối: “Anh ấy tới thăm khi tôi còn sống trong căn hộ nhỏ tại Cửu Long. Khi ấy, tôi đột ngột nhớ tới ba bức ảnh mình vừa chụp và đem khoe anh…
Tôi vào trong phòng ngủ để thay sang chiếc áo choàng tắm. Rồi khi tôi trở ra, Trương Thúc Bình nói anh ấy phải về. Sự việc khiến tôi không khỏi bối rối… 30 năm sau, khi tôi hỏi tại sao ngày đó lại đột ngột bỏ về, anh nói những bức ảnh tôi đưa anh xem ngày đó đều là ảnh khỏa thân”.
Thi Nam Sinh và Lâm Thanh Hà tại Hong Kong thập niên 1980. Ảnh: SCMP. |
Lâm Thanh Hà gặp gỡ nhà làm phim Thi Nam Sinh trên phim trường Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại (1992) do Từ Khắc sản xuất. Sau đó, bà tiếp tục theo đuổi dòng phim võ thuật Hong Kong và gặp chồng tương lai - doanh nhân Hình Lý Nguyên.
“Khi tôi cưới anh Hình Lý Nguyên, Từ Khắc và Thi Nam Sinh là những người chứng hôn… Tôi biết mình đã trở thành bạn của Thi Nam Sinh khi chị gọi điện cho tôi lúc hay tin Mai Diễm Phương đã qua đời.
Chị đã khóc rất nhiều. Đêm đó, tôi mơ thấy Thi Nam Sinh và Mai Diễm Phương và đau đầu vô cùng vào sáng hôm sau. Cơn đau kịch phát hành hạ tôi nhiều ngày”, bà viết.
Trong sách, Lâm Thanh Hà cũng kể lại chuyện bà đã giúp đỡ tài chính cho nữ diễn viên kỳ cựu Lý Tinh trong những ngày cuối đời. “Lý Tinh nói với tôi điều hạnh phúc lớn nhất của chị là được ăn lẩu ở Café De Coral vào ban đêm.
Tôi nhìn tay trái của chị. Bàn tay sưng tấy khiến cổ áo thít vào rất chặt. Chị nói, cuộc phẫu thuật căn bệnh ung thư vú đã khiến tay mình bị tấy lên”, bà viết.
Lâm Thanh Hà chia sẻ: “Tôi muốn chụp cùng chị một bức ảnh cuối, nhưng chị từ chối. Sau đó, khi vừa xem xong chương trình biểu diễn mừng năm mới tại Las Vegas, tôi nhận được cuộc gọi thông báo Lý Tinh đã qua đời trong cô độc tại nhà riêng. Chị ra đi chỉ 10 ngày sau lần cuối chúng tôi gặp nhau.
Từ đỉnh cao vinh quang tới đáy sâu khổ ải, cuộc đời chị ấy giống như một ngôi sao băng vụt sáng rồi tan biến trên bầu trời. Tôi tiếc thương chị vô cùng”.
Đại học không phải con đường duy nhất
Trên hành trình nghệ thuật, từng có lúc Lâm Thanh Hà phân vân về con đường tương lai. Năm 1973, bà chào sân màn ảnh rộng bằng vai diễn trong Song ngoại.
Bộ phim ra mắt trong thời điểm nữ diễn viên đang vô cùng hoang mang: “Con đường học vấn ngắn ngủi, nhưng niềm đam mê lớn nhất của tôi là làm phim. Rồi tôi phải tới Hong Kong để quảng bá cho Song ngoại. Tôi thấy trống vắng vô cùng và không biết phải đi con đường nào tiếp theo… Trước chuyến đi tới Hong Kong, tôi hoang mang tới mức suýt đổ bệnh. Tới đó, cũng có nghĩa là tôi chọn điện ảnh”.
Hình ảnh Lâm Thanh Hà năm 19 tuổi khi còn ở Đài Loan. Ảnh: SCMP. |
“Tại Hong Kong, tôi nổi lên nhanh chóng. Từ đó trở đi, tôi đã không còn đường lui. Tới nay, tôi vẫn ít nhiều nuối tiếc vì đã không theo đuổi con đường đại học. Dù kết quả học tập ngày trước không xuất sắc, tôi vẫn có thể tìm niềm vui trong việc viết và đọc.
Tôi không bao giờ nghĩ những gì mình viết ra lại được nhiều cây bút nổi danh tán dương đến thế. Điều này giống như một sự chứng nhận năng lực vậy. Nhà văn Bạch Tiên Dũng nói giờ tôi đã là tác giả văn học được rồi”, Lâm Thanh Hà chia sẻ.