Ngày 30/12, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã có văn bản chỉ đạo làm rõ vụ giá đỗ ngâm chất độc hại rồi tuồn ra thị trường.
Cơ sở sản xuất giá đỗ Lâm Đạo không có bảng tên. Ảnh: HT |
Nội dung công văn ghi rõ, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND TP Buôn Ma Thuột cùng các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung việc ngâm giá đỗ bằng chất độc hại.
UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu báo cáo hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm (ngoài danh mục được phép sử dụng); công tác điều tra, truy xuất, triệu hồi và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay.
Báo cáo thống kê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cấp được bao nhiêu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh giá đỗ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu phải đưa ra giải pháp để quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ trong thời gian tới.
Lâm Văn Đạo tại cơ quan công an. Ảnh: SĐ |
Trước đó, sáng 26/12, Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã khởi tố, bắt tạm giam Lâm Văn Đạo (SN 1990); Vũ Duy Tư (SN 1991), Nguyễn Văn Quynh (SN 1973) và Nguyễn Văn Hảo (SN 1988), cùng trú tại TP Buôn Ma Thuột.
Những đối tượng này bị khởi tố, bắt giam vì có hành vi sử dụng hóa chất 6 - Benzylaminopurine vào sản xuất giá đỗ.
Hóa chất 6 - Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.