Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát - của Mỹ tăng 7,9% trong tháng 2, mức cao nhất kể từ tháng 1/1982, Bộ Lao động Mỹ cho biết ngày 10/3, AFP đưa tin.
Con số trên vượt xa mức mục tiêu 2% do Ngân hàng Dữ trữ trung ương Mỹ (FED) đề ra. Dự kiến, ngày 16/3 tới, FED lần đầu tiên tăng lãi suất cơ bản kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo một cú sốc nữa sẽ xảy ra do tác động từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn bậc nhất thế giới.
Các nhà kinh tế dự đoán FED sẽ có 7 lần tăng lãi suất trong năm nay.
Lạm phát Mỹ tăng cao nhất trong 40 năm, nhưng được dự báo vẫn chưa đạt đỉnh. Ảnh: Bloomberg. |
“Xung đột Nga - Ukraine thêm phần khiến tỷ lệ lạm phát tăng nhanh do giá năng lượng, thực phẩm và các hàng hóa cốt lõi bị đẩy lên cao hơn vì vấn đề chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng hơn”, chuyên gia Kathy Bostjancic thuộc công ty Oxford Economics nhận định.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/3 đã nói rằng việc chi phí gia tăng do các phản ứng của phương Tây với cuộc tấn công của Nga là cái giá của việc bảo vệ Ukraine.
Chuyên gia Rubeela Farooqi của công ty nghiên cứu High Frequency Economics cảnh báo rằng sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn từ FED và giá cả gia tăng do cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dẫn tới sự hạn chế tiêu dùng.