Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Làm mới 'Ông Kẹ'

Dù kịch bản không quá mới lạ, tác phẩm là một bộ phim chỉn chu với lối tiếp cận sáng tạo thay vì lạm dụng những màn hù doạ thông thường.

Genre: Kinh dị, Kỳ bí, Giật gân
Director: Rob Savage
Cast: Sophie Thatcher, Chris Messina, Vivien Lyra Blair...
Rating: 6,5/10

*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim

Được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của "ông hoàng kinh dị" Stephen King, Ông Kẹ (tiêu đề gốc: The Boogeyman) là bộ phim đánh dấu sự hợp tác của nhiều cái tên đã khẳng định tên tuổi trong thể loại giật gân kinh dị. Bộ đôi biên kịch, Scott Beck và Bryan Woods, tác giả chấp bút cho tác phẩm đình đám, A Quiet Place(2018). Cùng với sự đóng góp của biên kịch Mark Heyman, người tạo ra nội dung đặc sắc của Black Swan (2010), và nhà sản xuất Shawn Levy, cá nhân đứng sau sự thành công của series nổi tiếng toàn cầu The Stranger Things.

Dẫu tuyến truyện của Ông Kẹ không thực sự mới lạ với khán giả đại chúng, song, việc sáng tạo trong cách sử dụng các chất liệu kinh dị kèm theo diễn xuất thuyết phục đã mở ra một trải nghiệm điện ảnh chất lượng từ những trang giấy của Stephen King. Đạo diễn Rob Savage đã không sa vào việc lạm dụng kỹ thuật jump-scare để khiến câu chuyện trở nên nhàm chán.

Biến tấu từ bối cảnh hiện đại

Bộ phim xoay quanh câu chuyện của nữ sinh trung học Sadie Harper (Sophoe Thatcher) và người em gái Sawyer (Vivien Lyra Blair) trong hành trình vượt qua nỗi đau mất đi người mẹ của mình. Người cha của hai cô gái, Will Harper (Chris Messina) vốn là một nhà điều trị tâm lý nhưng lại không thể cùng các con sẻ chia những tổn thương về mặt tinh thần.

Bị nuốt trọn bởi sự đau khổ vì mất đi người thân, gia đình Harper dần trở thành mục tiêu của một thực thể siêu nhiên tà ác. Từ đây, bản thân Sadie phải học cách vượt qua nỗi thương nhớ người mẹ đã khuất để kết nối và bảo vệ những thành viên còn lại trong gia đình.

Ong Ke anh 1

Hình tượng con quái vật Ông Kẹ rình rập trong bóng tối trực chờ cơ hội. Ảnh: 20th Century Studio.

Về hình tượng Ông Kẹ, tuy có sự miêu tả khác nhau giữa các nền văn hoá, nhưng điểm chung lớn nhất về nhân vật này là một thực thể hư cấu thường được cha mẹ lấy ra doạ nạt trẻ nhỏ khi chúng có hành vi không đúng đắn. Ông Kẹ thường được miêu tả sẽ xuất hiện sau cửa tủ quần áo, chờ đợi đến khi phụ huynh của những đứa trẻ ngỗ nghịch rời khỏi phòng, rình mò trong màn đêm u tối và chực chờ cơ hội thích hợp để tấn công con mồi.

Trong phiên bản điện ảnh lần này, đạo diễn Rob Savage đã quyết định khắc hoạ Ông Kẹ dưới hình dạng một con quái vật đáng sợ, tận hưởng sự đau khổ của nạn nhân để truy đuổi và săn lùng họ, đặc biệt lúc con mồi của nó chỉ ở một mình.

Chính từ đây, khán giả có thể nhận thấy Ông Kẹ không đơn thuần là một bộ phim kinh dị mà là thông điệp về sự mất mát và thiếu gắn kết của những người thân trong gia đình. Tác phẩm là sự phản ánh rõ nét của việc phụ huynh và con cái thường hiếm khi có dịp trao đổi để thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ và vấn đề của nhau mà thường chỉ tìm cớ lảng tránh.

Việc khai thác cốt truyện nhân văn về gia đình bên cạnh yếu tố kinh dị là một việc không mới đối với khán giả đại chúng. Bằng việc mở đầu với sự xuất hiện của con quái vật và nạn nhân đầu tiên, người xem lập tức bị cuốn vào nhịp phim cũng như hiểu rõ được mối nguy hại đang rình rập gia đình nhà Harper.

Một điểm cộng cho Ông Kẹ, tuy bắt đầu với yếu tố đặc trưng của thể loại kinh dị là bạo lực, những diễn biến tiếp theo trong hồi đầu của phim lại mang thiên hướng thể loại tâm lý kinh dị nhiều hơn, giúp khán giả có đủ thời gian làm quen với bối cảnh và nhân vật nhưng vẫn duy trì cảm giác hồi hộp, căng thẳng xuyên suốt thời lượng 98 phút.

Ong Ke anh 2

Chất liệu ánh sáng được sử dụng một cách sáng tạo. Ảnh: 20th Century Studio.

Mặc dù vậy, cốt truyện vẫn chưa thật sự trọn vẹn khi nút thắt về gắn kết giữa các thành viên trong gia đình được tháo gỡ một cách quá vội vàng, khiến người xem dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Sadie và hội bạn được xây dựng tương đối mờ nhạt.

Trái ngược với những khuyết điểm trên, diễn xuất của hai nữ diễn viên Sophie Thatcher và Vivien Lyra Blair thực sự thuyết phục được người xem bằng sự nhập tâm vào nhân vật của họ. Một lời khen đến với đội ngũ biên kịch của phim khi xây dựng nhân vật của Sophie thoát khỏi khuôn mẫu của một nữ chính trải qua mất mát chờ đợi sự giúp đỡ.

Chính nhân vật Sadie mà Sophie đảm nhận đã chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Diễn viên nhí Vivien thể hiện sinh động nhân vật Sawyer, một cô bé dũng cảm dám đương đầu với nỗi sợ để giúp đỡ chị gái và cha của mình.

Chất liệu kinh dị dễ đoán nhưng không rập khuôn

Việc sử dụng yếu tố jump-scare là điều khán giả có thể đoán trước được thông qua trailer mà nhà sản xuất 20th Century Studio tung ra từ trước. Thế nhưng, Ông Kẹ đã không lạm dụng kỹ thuật này mà thay bằng cái kết bất ngờ hơn, làm cho khán giả không bị nhàm chán khi theo dõi tác phẩm.

Góp phần vào việc truyền tải được sự căng thẳng tăng dần theo thời lượng của bộ phim là phần âm thanh được hoàn thiện xuất sắc với các tiếng động được trau chuốt cẩn thận, âm lượng không bị đẩy lên mức quá lớn, được sắp đặt có ý đồ. Âm nhạc của bộ phim thay đổi nhịp nhàng xen kẽ giữa những phân đoạn căng thẳng và lắng đọng của các thành viên trong gia đình với nhau, với điểm nổi bật nhất là sự kết hợp của giai điệu rùng rợn ngay cả trong những thời điểm bình yên.

Ong Ke anh 3

Ông Kẹ còn là thông điệp về sự thiếu kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Ảnh: CNN.

Về mặt hình ảnh, bộ phim đã tận dụng những góc khuất tối tăm nhất trong căn nhà của gia đình Harper để tạo nên một không gian rùng rợn. Kết hợp với sự sáng tạo trong cách sử dụng nguồn sáng đơn lẻ từ quả bóng mặt trăng của Sawyer hay bật lửa từ người mẹ quá cố mà Saide sử dụng, tạo nên một bức tranh u tối. Tuy nhiên, nó phần nào làm ảnh hưởng tiêu cực tới người xem trong việc nhận dạng diễn biến trên màn ảnh.

Thêm vào đó, các góc máy và chuyển cảnh trong phim được xử lý rất có ý đồ và mượt mà, không tạo sự ngắt quãng cho trải nghiệm thưởng thức tác phẩm.

Chung quy, Ông Kẹ là một bộ phim kinh dị có chất lượng khá ổn. Với cốt truyện mạch lạc kèm với phần diễn xuất chất lượng, người xem dễ dàng nắm bắt được những diễn biến xảy ra với dàn nhân vật.

Mặc dù vậy, phim vẫn không tránh được việc xử lý các nút thắt một cách vội vàng và tuyến nhân vật phụ chưa có nhiều đất diễn, khiến nội dung chưa tạo được nhiều điểm nhấn như những tác phẩm đi trước, tiêu biểu là IT (2017), Hereditary (2018) hay US (2019).

Tuy nhiên, Ông Kẹ vẫn là một trải nghiệm điện ảnh rất đáng thử với những người hâm hộ của nhà văn Stephen King nói riêng và khán giả đại chúng nói chung.

Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.

Phim Việt mất tích ngoài rạp sau cơn sốt ‘Lật mặt 6’

Sau khi bộ phim của Lý Hải rút rạp, phòng vé Việt bị xâu xé bởi hàng loạt dự án nước ngoài. Nhiều khả năng, tình trạng này còn kéo dài cho tới khi "Đất rừng phương Nam" ra mắt.

'Người Nhện' - bữa tiệc giải trí nhưng thách thức khán giả nhí

Viết tiếp câu chuyện phần trước, phim xoay quanh Miles Morales cùng hành trình chiến đấu với lũ tội phạm. Tuy nhiên, anh phải đối diện với nhiều quyết định khó khăn trong đời.

'Kẻ hủy diệt' hóa bố già láu cá

“FUBAR” là bộ phim truyền hình đầu tiên Arnold Schwarzenegger đảm nhiệm vai chính. Kịch bản vay mượn, cũ kỹ nhưng diễn xuất của Arnold vẫn chinh phục được khán giả.

Tiec cho Kaity Nguyen hinh anh

Tiếc cho Kaity Nguyễn

0

Bên cạnh năng lực diễn xuất, Kaity Nguyễn còn nổi tiếng là người kỹ lưỡng trong khâu chọn kịch bản. Song với "Công tử Bạc Liêu", nữ diễn viên không còn giữ vững được điều đó.

Danh Trần

Bạn có thể quan tâm