Nhân sự kiện Nhà văn Han Kang của Hàn Quốc đoạt Nobel Văn học 2024, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books - Nhà Sáng lập Omega+, có loạt 3 bài viết phân tích những bài học kinh nghiệm từ nền xuất bản Hàn Quốc để góp phần tìm ra những giải pháp đột phá đưa xuất bản Việt Nam phát triển cùng Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tri Thức - Znews trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết thứ ba về những ý tưởng để phát triển xuất bản Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tòa soạn giữ quyền biên tập
Mục tiêu này từng được đặt ra, và cũng như mục tiêu dự World Cup thế giới với đội tuyển bóng đá, đều là mục tiêu xa vời trong khi chưa có những hành động đột phá, cả về thiết chế và đầu tư, con người, bao gồm cả từ phía chính phủ, người viết, ngành xuất bản và cộng đồng độc giả.
“Kỷ nguyên vươn mình” và “Hội nhập với văn minh nhân loại” là gì nếu chúng ta không bắt nhịp với dòng chảy của thời đại, của văn minh nhân loại và cùng với dòng chảy kinh tế, đầu tư, thương mại thì đó là những dòng chảy văn hóa, văn minh, tư duy… Đổi mới thể chế, thiết chế là gì nếu không đổi mới về thiết chế trong ngành xuất bản, trong hội nhà văn?
Những thuận lợi
Quá khứ đau thương - Mảnh đất cho văn học đâm chồi. Tính từ khi người Pháp đặt chế độ thuộc địa lên mảnh đất Đông Dương (1884 ở Đà Nẵng) kéo dài đến hết Chiến tranh Biên giới (1984 ở Hà Giang), người Việt đã trải qua cả thế kỷ chiến tranh với nhiều biến cố tạo ra những nỗi đau và vết thương sâu sắc trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, từ những khổ đau đó, từ những quá khứ đó, một nền văn học mạnh mẽ, đầy cảm xúc và giàu tính nhân văn có thể được xây dựng.
Với quá khứ chiến tranh kéo dài cùng nhiều cuộc chia ly Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú để các nhà văn khai thác. Những câu chuyện về sự mất mát, hy sinh và niềm tin vào tương lai luôn mang lại sức mạnh trong các tác phẩm văn học. Người Việt đã trải qua và hiểu sâu sắc những biến cố lớn của lịch sử, tạo ra một nguồn cảm hứng và chất liêu cho sự sáng tạo văn chương.
Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một ví dụ như thế. Những cuộc chia ly năm 1945, 1954... rồi sự tan vỡ của cấu trúc làng xã nông thôn truyền thống, quá trình đô thị hóa, xung đột giữa các thế hệ, những dằn vặt từ quá khứ đau thương, sự nghèo đói và cả những bi kịch của một xã hội hiện đại... Tất cả điều đó làm nên chất liệu cho các tác phẩm, đó chính là cuộc đời của con người, cuộc đời của nhà văn và cuộc đời của dân tộc..
Tri thức hiện đại từng bước tràn vào Việt Nam. Sau nhiều thế kỷ lạc hậu và chiến tranh, sau lạc hậu và cô lập thì tri thức và văn minh nhân loại ùa vào Việt Nam. Bắt đầu với những dòng chảy tri thức đi cùng người Pháp, cùng nền giáo dục hiện đại (bất chấp người Pháp dựng nên quá chật chội và nhỏ bé), cùng với ngôn ngữ (chữ Quốc ngữ) và đặc biệt là trong vài thập kỷ qua, kể từ Mở cửa và Cải cách đã giúp cho tri thức hiện đại được đưa về Việt Nam một cách mạnh mẽ qua các ngành xuất bản, giáo dục (qua hàng trăm nghìn sinh viên du học), công nghệ Internet và mạng xã hội…
Mở cửa và Cải cách đã giúp cho tri thức hiện đại được đưa về Việt Nam một cách mạnh mẽ qua các ngành xuất bản, giáo dục, công nghệ Internet và mạng xã hội...
Ngành xuất bản đã không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc mang tri thức hiện đại đến gần hơn với công chúng mà còn giúp nâng cao tầm nhìn về những gì văn học Việt có thể đạt được khi nhìn ra thế giới, khi đọc gần như tất cả tác giả được giải Nobel văn học và những tên tuổi hàng đầu thế giới. Không chỉ vậy, các tri thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa và cả kinh tế, chính trị... đã được “nhập khẩu” về Việt Nam gần như không có biên giới.
Mong đợi lớn lao. Sự bế tắc hiện nay (dường như) đối với văn học Việt Nam trong vài thập kỷ qua, sau Nguyễn Huy Thiệp và lứa nhà văn của thời Mở cửa cũng là động lực cho sự xuất hiện của thế hệ nhà văn mới. Trong vài thập kỷ qua, giới xuất bản và công chúng mong đợi những khuôn mặt mới, nhà văn mới gắn với hơi thở của thời đại. Đâu đó tôi thấy nhiều gương mặt như thế, Phan Thúy Hà chẳng hạn, hay như Nguyễn Phan Quế Mai… nhưng cần nhiều người viết hơn thế, mạnh mẽ, mãnh liệt, và cả chân thành hơn, nhân văn hơn.
5 giải pháp
Trên hết và đầu tiên, cần không gian học thuật rộng mở hơn. Để văn học phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần một không gian học thuật rộng mở hơn. Những talkshow, tọa đàm, hội thảo như của Quốc Khánh, Phan Đăng hay trên các nền tảng như VietCetera, Spiderum và bản thân tôi đã tổ chức hơn 100 cuộc Midnight Talks đã tạo ra các diễn đàn trao đổi văn hóa và tri thức. Các nhà xuất bản và công ty sách cũng đang góp phần tạo dựng không gian này, nhưng chúng ta cần nhiều hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, rộng mở hơn nữa.
Nhiều năm qua, hàng nghìn hội thảo, buổi ra mắt sách, tọa đàm đã được tổ chức trên khắp Việt Nam. Dù không lớn như Book City ở Seoul thì TP.HCM cũng đã có đường sách gần 10 năm nay và ngập kín sự kiện. Phố sách tại Hà nội chậm hơn và yếu hơn nhưng không khó tìm những sự kiện văn hóa cuối tuần, dù rằng vẫn cần chất lượng hơn, sâu sắc hơn.
Sau gần 10 năm đường sách TP.HCM, ngành xuất bản và văn hóa lại phải đi tiếp hành trình này: Tạo ra các không gian tri thức mới mẻ, lớn lao, hiện đại, không chỉ thành lập những phố sách mà cần phát triển các Không gian tri thức mới. Với tôi, đó chính là các thư viện tỉnh/thành phố hiện nay, nhưng phải đưa những thư viện truyền thống và có phần lạc hậu đó trở thành không gian tri thức mới, với cơ chế mới hơn, rộng mở hơn.
Thay đổi cơ chế trong các viện nghiên cứu. Hình thành cơ chế mới về tài chính và công-tư để cho phép xuất hiện những không gian mới cho tri thức, cho nhà văn…
Cơ chế của các viện nghiên cứu, như Viện Hán Nôm hay Thư viện quốc gia, cần thay đổi để phù hợp với thời đại. Tại sao không để tư nhân vận hành những tổ chức này? Tài sản vẫn là của Nhà nước, nhưng việc đấu thầu vận hành hoặc “cho thuê” hệ thống thư viện công sẽ giúp hệ thống trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn. Tôi cũng từng đề nghị Thành phố Hà Nội giao cho chúng tôi vận hành phố sách Hà Nội, và cũng nghĩ đến việc vận hành các thư viện một hình thức kiểu như CBRE hay Savills với các khu đô thị vậy.
Việt Nam cần học hỏi từ Singapore, nơi mà các hoạt động văn hóa và tri thức được giảm thuế, và các công ty có thể khấu trừ thuế hàng năm từ các hóa đơn mua sách. Các cơ chế này cần được áp dụng tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa, tri thức trong thời kỳ mới. Những nhà lãnh đạo văn hóa cần dám làm và dám tạo ra các không gian văn hóa mới, như Luật Xuất bản 2004 mở đường cho giới làm sách liên kết xuất hiện (nhưng từ đó đến nay, không gian xuất bản vẫn khá chật chội).
Chỉ 1% thuế từ các mặt hàng xa xỉ như bia rượu đủ bù đắp toàn bộ thuế của ngành xuất bản. Chuyển một phần nghìn đầu tư vào gạch, xi măng sắt thép sang đầu tư vào chất xám, con người, chữ nghĩa, tri thức…
Chỉ 1% thuế từ các mặt hàng xa xỉ như bia rượu đủ bù đắp toàn bộ thuế của ngành xuất bản. Chuyển một phần nghìn đầu tư vào gạch, xi măng sắt thép sang đầu tư vào chất xám, con người, chữ nghĩa, tri thức… là bước đầu tư hiệu quả cho tri thức.
Tương tự vậy, một hình hài, cơ chế và tổ chức của Hội Nhà văn dường như đã cũ kỹ và lạc hậu với thời đại. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vào đổi mới thể chế và với tôi, đổi mới thể chế phải bắt đầu từ việc đổi mới và hình thành những thể chế mới bên dưới. Cơ chế khoán 10 với ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc những năm 1980s chắc hẳn bắt đầu với thực tiễn ở xóm làng, rồi lan lên huyện và tỉnh, rồi mới hình thành những thay đổi lớn lao trong thể chế và cơ chế nhà nước. Vì thế, tôi thấy những đổi mới và thể chế mới phải xuất hiện từ bên dưới, từ những nhóm người, tầng lớp tiên tiến nhất, hiện đại nhất, đó là tri thức, là doanh nhân, là nhà văn, là những người làm nghệ thuật.
Một thiết chế mới của Hội Nhà văn, dưới hình hài một cơ chế thoáng hơn như Nghị định mới của Chính phủ, rộng mở hơn, không chỉ gồm những nhà văn có tên tuổi mà cần những khuôn mặt mới, những nhà quản lý, những người viết tiên phong, trẻ trung, có kiến thức hiện đại, thạo ngoại ngữ, trải nghiệm cuộc sống giữa văn minh phương Tây và dân tộc, trải nghiệm lịch sử và quá khứ dân tộc. Thế hệ những nhà văn đang đứng đầu Hội hiện nay chỉ nên là bước chuyển, thế hệ trung gian chuyển tiếp giữa hai nền văn học, giữa hai thiết chế cũ và mới…
Phát triển nền tảng tri thức nhanh hơn sâu sắc hơn. Nền tảng tri thức hiện đại của Việt Nam cần được phát triển nhanh chóng hơn, từ việc cải tiến sách giáo khoa, giáo trình đại học, đến việc phát triển hệ thống thư viện rộng khắp. Đây là những yếu tố cơ bản để nuôi dưỡng một thế hệ độc giả và nhà văn mới. Nhà văn không chỉ còn sáng tác nhờ kinh nghiệm, nhờ việc chơi chữ hay sử dụng ngôn từ mà trên hết, quan trọng hơn hết, họ phải có nền tảng kiến thức vững chắc, kiến thức khoa học, triết học, lịch sử, quốc tế và hiện đại, họ phải sống trong dòng chảy của nền văn minh hiện đại.
Muốn như vậy, cần tiếp tục đưa tri thức chiều sâu vào Việt Nam, vào nền giáo dục Việt Nam thông qua những bộ sách giáo khoa hiện đại và sâu sắc, qua giáo trình đại học tiên tiến, qua triết học, tôn giáo, nghệ thuật. Khi tiếp xúc với nền xuất bản Hàn Quốc, tôi không chỉ tham khảo sách văn học, nghệ thuật của họ. Tôi đã tìm đến bảo tàng xuất bản của Hàn Quốc, đến thăm bảo tàng Sách giáo khoa, chứng kiến sự phát triển qua nhiều thập kỷ sách giáo khoa từ những năm 1945 đến nay, để thấy sự chuyển mình lớn lao, để hình dung các thế hệ học sinh, người trẻ Hàn Quốc suy nghĩ gì về thế giới và về chính họ. Sách giáo khoa của Việt Nam, và cả giáo trình đại học còn khoảng cách với văn minh thế giới, với những nền xuất bản Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hình thành các giải thưởng văn học.Các giải thưởng văn học sẽ là động lực quan trọng để khuyến khích sự phát triển của các tác phẩm văn chương và những nhà văn. Những giải thưởng như Bùi Xuân Phái cho sách về Hà Nội, hay cuộc thi Đại sứ đọc mà tôi sáng kiến với Hà Nội năm 2014 là những ví dụ tiêu biểu. Chúng ta cần hình thành thêm các giải thưởng và danh mục sách lịch sử, văn hóa để cổ vũ sáng tạo trong văn học. Quỹ xuất bản và các liên minh xuất bản cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Tương tự việc các công ty/doanh nghiệp mua sách có thể được khấu trừ thuế, việc này sẽ thúc đẩy hoạt động xuất bản và đọc sách tại Việt Nam, giúp hình thành một văn hóa tri thức bền vững.
Nhiều năm nay, chúng ta chứng kiến Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Sách Hay, sách được độc giả và các tổ chức, tờ báo trao tặng như Doanh nhân Sài Gòn… Và mấy năm gần đây, các giải thưởng đang ngày càng phong phú và được quan tâm của xã hội, đó chính là hướng đi đúng đắn cho việc tôn vinh, ca ngợi người Viết, cho những nhà xuất bản, cho người làm sách… Nhưng các giải thưởng phải mạnh mẽ hơn nữa, lớn lao hơn nữa..
Đằng sau Giải thưởng, dù là giải thưởng nhỏ bé, không chỉ là người viết, mà là nhà xuất bản, là gia đình, là cộng đồng độc giả, là những nhà phê bình và cả những môi trường sống thúc đẩy nhà văn dấn thân và mạnh mẽ viết…
Nuôi dưỡng tài năng văn học dấn thân, mạnh mẽ, quả cảm.Quan trọng không kém là việc nuôi dưỡng các nhà văn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc đào tạo, khuyến khích sáng tác và tạo không gian cho họ phát triển là yếu tố quyết định trong việc đưa văn học Việt Nam vươn tầm quốc tế. Đầu tiên, nên văn học Việt Nam nên tiến ra châu Á, ASEAN thành công rồi mới có thể nghĩ tới giải Nobel văn học.
Chỉ có những “nhà môi giới” chuyên nghiệp, những nhà xuất bản mạnh mẽ làm cầu nối đưa văn học và tri thức Việt Nam ra thế giới, rồi 20 năm sau mới có thể đạt được thành tựu. Ngành xuất bản nên mở các diễn đàn văn học, văn hóa song ngữ Anh-Việt, để không chỉ hạn chế vào tiếng Việt mà có thể thu hút giới Việt kiều thế hệ 2-3, điều mà Đài Loan và Singapore đã làm nhiều năm nay.
Chỉ có cách kết hợp mạnh mẽ Đông-Tây trong thế hệ trẻ, kết hợp và pha trộn giữa văn hóa truyền thống phương Đông và những ảnh hưởng hiện đại từ phương Tây mới mang đến cho thế hệ trẻ Gen Z Việt Nam những công cụ và ý tưởng mới. Thế hệ này không chỉ nắm bắt được tinh hoa của văn hóa Việt, mà còn có khả năng hòa mình vào dòng chảy hiện đại của thế giới, từ đó tạo ra những tác phẩm văn học độc đáo, mang tầm quốc tế.
Nhưng trên hết, các nhà văn, các học giả cần nghiêm khắc với chính mình hơn, bớt đổ lỗi cho cơ chế, cho nhà nước, điều mà chúng ta thấy ở mọi nơi. Cần những cá nhân nghị lực lớn lao hơn, như Tiếng chim hót trong bụi mận gai vậy, chỉ có thể vươn lên và có tác phẩm lớn lao nhờ quá khứ, nhờ tính cách, nhờ những khó khăn và ràng buộc. Chỉ có những con người quả cảm và dấn thân mới làm nên những tác phẩm có giá trị. Quá nhiều sự dễ dãi, quá nhiều sự viện dẫn và bào chữa cho sự thiếu vắng. Chỉ có một sự viện dẫn duy nhất: Đó là sự cảnh tỉnh, tự nhận thức, từ trăn trở của chính mình - với tư cách của một con người, một nhà văn, một học giả..
Là một người viết, một người làm xuất bản, cũng là một độc giả, tôi tin rằng chúng ta có thể đi xa hơn nữa, lớn lao hơn nữa trên hành trình này.