Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Ba nguyên nhân làm xuất bản Việt Nam chưa vươn mình

Để tìm ra giải pháp đột phá đưa xuất bản Việt Nam phát triển cùng Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần phân tích những nguyên nhân đang hạn chế sự phát triển của xuất bản Việt Nam.

Nhân sự kiện Nhà văn Han Kang của Hàn Quốc đoạt Nobel Văn học 2024, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books - Nhà Sáng lập Omega+, có loạt 3 bài viết phân tích những bài học kinh nghiệm từ nền xuất bản Hàn Quốc để góp phần tìm ra những giải pháp đột phá đưa xuất bản Việt Nam phát triển cùng Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tri Thức - Znews trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết thứ hai phân tích những điểm yếu của xuất bản Việt Nam.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tòa soạn giữ quyền biên tập.

Nếu nhìn về nền xuất bản Hàn Quốc hay xa hơn là Nhật Bản, thì Việt Nam có chậm hơn, mờ nhạt hơn trong lĩnh vực xuất bản. Nếu năm nay Hàn Quốc lần đầu tiên có giải Nobel Văn học thì Nhật Bản đã có 2 nhà văn đoạt giải Nobel Văn học: Yasunari Kawabata (1968) - ông là nhà văn Nhật Bản đầu tiên được trao giải Nobel Văn học. Tác phẩm của ông nổi bật với sự tinh tế trong phong cách viết và mô tả cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống Nhật Bản. Kenzaburo Oe (1994) - tác phẩm của ông thường đề cập đến các vấn đề chính trị, xã hội, và nhân quyền. Ông nổi tiếng với lối viết mang tính triết học, đầy sức mạnh và lòng trắc ẩn.

Và mới đây nhất Zazuo Ishiguro (2017), nhà văn quốc tịch Anh, sinh ra tại Nhật Bản, tác phẩm của ông thường khám phá những ký ức, sự quên lãng, và những lựa chọn trong quá khứ của con người. Như thế để thấy chúng ta chậm hơn, mờ nhạt hơn trong văn học, hay xa hơn là tri thức của dân tộc. Và tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ của tôi về những điểm yếu này và nguyên nhân của nó.

Nguyên nhân thứ 1: Tri thức tích lũy chậm do sự lan tỏa chữ viết muộn

Đầu thế kỷ 20, người Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận chữ Quốc ngữ, tức là một hệ thống chữ viết phổ cập cho đại chúng. Trước đó, chữ Hán và chữ Nôm là những hệ thống chữ viết phổ biến nhưng khó tiếp cận, chỉ dành cho tầng lớp trí thức nhỏ bé trong xã hội. Việc có chữ viết chính thức phổ biến muộn đã làm chậm quá trình tích lũy tri thức của người Việt Nam. Trong khi đó, Hàn Quốc đã phát minh ra chữ Hangeul từ thế kỷ 15, dưới thời vua Sejong mang lại lợi ích to lớn trong việc truyền bá và phổ cập tri thức cho toàn bộ dân tộc. Điều này giúp Hàn Quốc sớm hình thành văn hóa đọc và nền xuất bản mạnh mẽ.

Vào thế kỷ 15, vua Sejong Đại Đế (1418-1450) của triều đại Joseon đã chỉ đạo việc tạo ra một hệ thống chữ viết mới gọi là Hangul. Hangul ra đời vào năm 1443 và được công bố chính thức vào năm 1446. Đây là một hệ thống chữ viết đơn giản và dễ học hơn nhiều so với Hanja, được thiết kế để giúp dân thường có thể học viết và đọc một cách dễ dàng. Với Nhật Bản, chữ viết riêng (dù vẫn dựa trên chữ Hán) được phát minh từ thế kỷ thứ 8 và phát triển dần theo thời gian.

Tích lũy tri thức bị giới hạn bởi chữ viết. Theo tôi, hệ thống chữ viết của Hàn Quốc và Nhật Bản đã có từ rất sớm đã tạo điều kiện cho tri thức phát triển, văn hóa phát triển, và sự tích tụ qua thời gian của nền văn học. Còn ở Việt Nam, chúng ta đi chậm hơn vì sự phổ biến chữ viết khá trễ. Dù chữ quốc ngữ do các linh mục dòng Tên sáng tạo từ thế kỷ 17 nhưng thực sự mãi đến đầu thế kỷ 20 mới được phổ cập trong xã hội chính thức.

Hệ thống chữ Hán cổ và chữ Nôm ở Việt Nam không thể mang lại sự thuận tiện và đại chúng hóa như chữ Quốc ngữ hoặc chữ Hangeul của Hàn Quốc. Dù cả hai quốc gia đều sử dụng chữ Hán cho các văn bản quan trọng, Hàn Quốc nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng chữ Hangeul cho cuộc sống thường nhật. Sự dễ dàng trong việc sử dụng chữ viết mẹ đẻ đã giúp người Hàn Quốc tiếp cận tri thức và tích lũy kinh nghiệm nhanh hơn. Điều này dẫn đến sự phát triển vượt bậc trong văn học và xuất bản, tạo nền tảng cho các tác phẩm xuất sắc, cho sự tư duy của con người và tiếp nhận tri thức, văn hóa của thế giới.

Không những quá trình tích lũy tri thức của người Việt Nam chậm do chữ Quốc ngữ được phổ biến chậm mà các yếu tố khác như các cuộc chiến tranh liên miên, sự can thiệp sâu của ngoại xâm, làm cho chúng ta chưa có điều kiện phát triển một nền xuất bản mạnh.

Nguyên nhân thứ hai: Sự dễ dãi, thiếu kỷ luật, dễ hài lòng, thiếu khát vọng lớn trong văn hóa Việt Nam

Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến sự khác biệt giữa nền xuất bản Việt Nam và Hàn Quốc (hay Nhật Bản) chính là đặc điểm tính cách và sự kỷ luật của con người. Điều này phần lớn bắt nguồn từ yếu tố địa chính trị và điều kiện tự nhiên mà mỗi quốc gia phải đối mặt.

Kỷ luật và sự nghiêm khắc của người Hàn Quốc và Triều Tiên: Khi quan sát Hàn Quốc, nhất là qua những lần đến thăm trực tiếp, điều đầu tiên gây ấn tượng mạnh là tính kỷ luật trong lối sống của người dân nơi đây. Điều này không chỉ thể hiện ở Hàn Quốc mà còn phổ biến ở Triều Tiên, do họ đều chịu tác động lớn từ khí hậu khắc nghiệt và môi trường sống khắt khe.

Ở những vùng lạnh giá như vậy, mọi người phải sống quần tụ với nhau, tạo ra sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ và tuân thủ những quy định nghiêm ngặt để tồn tại. Mùa đông khắc nghiệt buộc họ phải nỗ lực xây dựng các kế hoạch cụ thể, từ việc tích trữ thực phẩm, quản lý tài nguyên nước cho đến việc tuân thủ giờ giấc và tổ chức xã hội.

Đây là nền tảng để hình thành một lối sống có kỷ luật, bền vững và phát triển mọi thứ chuyên nghiệp, nghiêm túc. Tại Nhật Bản cũng tương tự, tôi thấy sự lao động rất nghiêm túc, sự đúng giờ và tính kỷ luật của người Nhật đến mức đáng sợ hãi.

Xuat ban Han Quoc anh 1

Hình ảnh trong phim Xuất bản tình yêu (Romance Is a Bonus Book) - một phim truyền hình quảng bá cho xuất bản Hàn Quốc.

So với Hàn Quốc và Nhật Bản, dễ thấy chúng ta dễ dãi và lỏng lẻo hơn. Sự dễ dãi trong lối sống và công việc của người Việt Nam không chỉ là hệ quả của điều kiện tự nhiên thuận lợi, mà còn thấm sâu vào từng khía cạnh khác của đời sống, từ lao động đến văn hóa, từ sáng tác văn học đến các hoạt động chuyên môn. Tính kỷ luật thấp, sự thiếu kiên định đã trở thành những đặc điểm chung của nhiều người trong chúng ta.

Chúng ta thiếu kỷ luật và kiên định trong lao động: Người lao động Việt Nam thường có xu hướng làm việc một cách dễ dãi, thiếu đi tính kỷ luật cần thiết để đạt được hiệu quả cao nhất. Điều này phản ánh rất rõ trong việc thiếu sự cam kết, không kiên trì theo đuổi mục tiêu dài hạn và dễ dàng bị cuốn vào những hoạt động mang tính cộng đồng như trò chuyện, đùa vui, hay tán gẫu. Chính môi trường làm việc không khắc nghiệt đã nuôi dưỡng thói quen thoải mái và thiếu đi sự ép buộc để phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.

Ảnh hưởng đến giới văn chương và báo chí: Cũng như trong lao động, sự dễ dãi này cũng ảnh hưởng đến các nhà văn, nhà thơ và nhà báo ở Việt Nam. Những tác phẩm ra đời trong một môi trường thiếu tính kỷ luật và sự kiên định thường khó mang đến giá trị văn học cao, thiếu đi tầm nhìn xa. Việc sáng tác, thay vì được xem là một công việc đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực và kiên trì, lại trở thành một hoạt động dễ dãi, không mang lại những tác phẩm xuất sắc có khả năng vươn xa trên thế giới.

Nếu nhìn vào bóng đá Hàn Quốc, Nhật Bản, hay các môn thể thao khác như bắn cung, trượt băng nghệ thuật, đánh đàn, ta sẽ thấy một điểm chung nổi bật là tính kỷ luật và tinh thần vượt khó. Người Hàn Quốc không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc trong mọi lĩnh vực mà họ còn thể hiện ý chí vươn lên mạnh mẽ để chinh phục đỉnh cao. Trong khi chúng ta dành nhiều thời gian cho các hoạt động tán gẫu và thiếu đi sự tập trung vào mục tiêu chính của mình.

Tác động đến doanh nghiệp và văn hóa tổ chức: Điều này cũng phản ánh trong môi trường doanh nghiệp Việt Nam. Nhân viên tại nhiều công ty thường có xu hướng thiếu kỷ luật, không có sự kiên định trong công việc và dễ bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài. Thay vì tập trung vào công việc và cải thiện bản thân, nhiều người chọn cách tán gẫu, chia sẻ những câu chuyện không liên quan đến công việc. Sự thiếu tính kỷ luật này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc mà còn tạo ra một môi trường làm việc kém năng động và thiếu sự tiến bộ.

Nguyên nhân thứ ba: Thói quen đổ lỗi và thiếu tự phản tỉnh của người Việt Nam

Một trong những yếu tố quan trọng khác góp phần làm hạn chế sự phát triển của nền văn học và xuất bản Việt Nam là thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh, cơ chế, nhà nước, hoặc người khác, thay vì tự soi rọi, đánh giá bản thân một cách thẳng thắn và chân thật. Thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà văn, nhà báo, mà còn phản ánh rộng rãi trong cả xã hội.

Tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh và hệ thống: Người Việt Nam thường có xu hướng quy trách nhiệm cho các yếu tố bên ngoài khi đối diện với khó khăn hoặc thất bại. Ví dụ, thay vì nhìn nhận rằng tác phẩm của mình chưa đủ sâu sắc, chưa đủ hay để có thể cạnh tranh, nhiều người thường đổ lỗi cho nhà xuất bản, cho cơ chế hay chính phủ đã không tạo điều kiện. Việc này khiến cho quá trình tự cải thiện và nỗ lực phát triển cá nhân bị chững lại, bởi vì không có sự nhìn nhận trách nhiệm cá nhân trong việc nâng cao chất lượng công việc và sáng tạo.

Thiếu tự phản tỉnh và đánh giá bản thân: Một phần của việc thiếu tiến bộ trong văn học và xuất bản Việt Nam cũng nằm ở chỗ người viết, thay vì thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của mình để học hỏi và cải thiện, lại có xu hướng né tránh những sự thật đó. Thay vì đặt câu hỏi rằng mình đã thực sự giỏi và sâu sắc hay chưa, nhiều người chọn cách đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài. Điều này khiến cho nền xuất bản và văn hóa đọc của Việt Nam không có cơ hội phát triển vượt bậc, bởi vì không có sự tự phản tỉnh cần thiết để tạo ra những tác phẩm xuất sắc.

Hậu quả đối với văn hóa xuất bản: Sự thiếu tự phản tỉnh và việc đổ lỗi liên tục này khiến nhiều nhà văn, nhà báo không đạt được mức độ sáng tạo và chất lượng mong muốn. Thay vì đối diện với sự thật rằng mình cần học hỏi nhiều hơn, cần làm việc chăm chỉ hơn, hoặc cần phát triển kỹ năng viết sâu sắc hơn, người viết (và xã hội) thường cho rằng lỗi là do hệ thống, do hoàn cảnh, do kinh tế... Không khác gì câu chuyện "Giá mà không có ruồi" vậy. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân mà còn làm chậm lại sự tiến bộ của toàn bộ ngành xuất bản và văn hóa đọc tại Việt Nam.

Kết luận: Thói quen đọc sách và tư duy độc lập không chỉ là kết quả của điều kiện cá nhân mà còn phản ánh môi trường xã hội và tính kỷ luật của một quốc gia. Để cải thiện thói quen đọc sách, Việt Nam cần xây dựng một môi trường khuyến khích tính kỷ luật và sự nỗ lực cá nhân, đồng thời tạo ra các cơ hội cho mọi người nhận ra giá trị của tri thức và việc đọc sách. Những bài học từ Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy rằng, trong những giai đoạn khó khăn, kỷ luật và tri thức luôn là chìa khóa để vươn lên, và việc đọc sách chính là nền tảng để tạo nên một lợi thế, một sự trưởng thành về nhận thức, hiểu biết, kỹ năng và tư duy của con người.

Để thay đổi và thúc đẩy sự phát triển, người Việt Nam cần thẳng thắn nhìn vào bản thân, nhận ra những điểm yếu và sẵn sàng học hỏi, cải thiện. Thay vì đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài, việc tự soi rọi và nâng cao năng lực cá nhân sẽ giúp tạo ra những tác phẩm chất lượng, góp phần vào sự phát triển của nền văn học và xuất bản Việt Nam.

Bài 1: Hàn Quốc đã làm gì để đoạt Nobel Văn học?

Văn sĩ Hàn Quốc Han Kang đoạt giải Nobel Văn chương 2024

Han Kang được vinh danh vì những áng văn chương mãnh liệt, đậm chất thơ, đã chất vấn những sang chấn gắn liền với lịch sử và phơi bày bản chất mong manh của đời người.

Fan đổ xô đến hiệu sách của người Hàn đầu tiên đoạt Nobel Văn chương

Onulbooks, hiệu sách của Han Kang ở Seoul (Hàn Quốc), nhanh chóng trở thành điểm đến nổi tiếng sau thông tin bà đoạt Nobel Văn chương.

Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books, Nhà Sáng lập Omega+

Bạn có thể quan tâm