Nhân sự kiện Nhà văn Han Kang của Hàn Quốc đoạt Nobel Văn học 2024, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books - Nhà Sáng lập Omega+, có loạt 3 bài viết phân tích những bài học kinh nghiệm từ nền xuất bản Hàn Quốc để góp phần tìm ra những giải pháp đột phá đưa xuất bản Việt Nam phát triển cùng Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tri Thức – Znews trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 3 bài viết này dự kiến đăng từ 22 đến 24/10.
Giải Nobel Văn học mà Hàn Quốc vừa đạt được không chỉ là một thành tựu văn học mà còn là câu chuyện về mồ hôi, nước mắt của cả một dân tộc. Đây không chỉ là chiến thắng của một cá nhân, mà là thành quả của nỗ lực và hy sinh không ngừng nghỉ từ nhiều thế hệ, từ những nhà văn tiên phong, những học giả đầy nhiệt huyết cho đến chính phủ, các nhà xuất bản, những nhà văn dấn thân và đông đảo độc giả có niềm đam mê với sách.
Nỗ lực từ nhiều thập kỷ
Chúng ta đã quen thuộc với K-Drama mà Ký sinh trùng đoạt Oscar 2019, chúng ta cũng quá quen thuộc với K-pop, và BlackPink làm chúng ta choáng váng năm 2023. Năm nay, chúng ta thêm sững sờ khi giải Nobel Văn học đã được trao cho người Hàn. Đó là kết quả của những nỗ lực trong nhiều thập kỷ mà Hàn Quốc trải qua để đạt đến vị trí mà họ có ngày hôm nay.
Giải Nobel không chỉ là một sự vinh danh cho một tài năng văn học, cho một nền xuất bản, mà còn phản ánh một quá trình dài tích lũy từ những gian khổ, khó khăn và nỗ lực bền bỉ của cả dân tộc. Hàn Quốc, một quốc gia bị chia cắt, đối mặt với nhiều thách thức sau chiến tranh, từ việc tái thiết đất nước đến xây dựng và bảo vệ nền văn hóa của mình. Là người làm trong giới xuất bản, tôi muốn kể những câu chuyện đằng sau giải thưởng đó.
Trong 20 năm qua, tôi đã có nhiều dịp sang Hàn Quốc, có những lần được chính phủ Hàn Quốc tài trợ chuyến đi, mời tôi tham gia các sự kiện quốc tế về xuất bản, đại diện cho ngành xuất bản Việt Nam. Đó là những sự kiện đầy ý nghĩa, nơi các quốc gia mới nổi trong ngành xuất bản được mời đến để thảo luận và học hỏi lẫn nhau. Năm tôi được mời, 2013, bốn nước được chọn để thuyết trình bao gồm Việt Nam, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, và Brazil được coi là Rising Market (thị trường mới nổi của nền xuất bản thế giới).
Tôi đã có cơ hội trình bày về nền xuất bản của Việt Nam, về những thách thức và tiềm năng của chúng ta trong bối cảnh quốc tế, bên dưới có vài trăm người làm nghề nghe. Alpha Books và Omega+ đến hôm nay cũng đã có bốn đến năm lần nhận được hỗ trợ và học bổng từ các chương trình này của Hội xuất bản Hàn Quốc chi trả cho chuyến đi. Họ, ngành xuất bản, văn hóa Hàn Quốc có những chương trình mời các chuyên gia hàng đầu, các nhà quản lý xuất bản Việt Nam sang học hỏi, trình bày, chia sẻ.
Một trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi là khi tham dự Hội sách lớn nhất của Hàn Quốc, Seoul Bookfair, tổ chức tại trung tâm triển lãm lớn nhất ở Hàn Quốc. Điều đặc biệt là ngày khai mạc luôn có sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc. Năm 2013, tôi vô tình có mặt vào đúng ngày khai mạc.
Tại Hàn Quốc, tôi gặp và đi theo Tổng thống Park Geun-hye cùng đoàn tùy tùng thăm từng gian hàng, trò chuyện với các nhà xuất bản và các tác giả. Điều này tạo nên một ấn tượng sâu sắc cho tôi. Ở Hàn Quốc, đó là sự quan tâm thực sự, trực tiếp đến ngành xuất bản.
Tại Việt Nam, chính khách mà tôi được gặp ở hội sách là nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông tới hội sách năm 2023, cùng thư ký lững thững đi bộ thăm các gian hàng sách và dừng lại rất lâu trò chuyện với nhân viên bán sách của chúng tôi, ông mua vài ba cuốn, trong đó có cả cuốn Tự truyện của tôi, một cho ông và một đưa cho người thư ký.
Không gian riêng cho xuất bản
Hơn cả vậy, trong khoảng 20 năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều cho nền xuất bản của họ. Tại Seoul, có Book City (thành phố sách), một khu vực mà chính phủ Hàn Quốc tài trợ, hỗ trợ một phần chi phí để các nhà xuất bản có thể mở trụ sở và phát triển. Tuy khu vực này không quá lớn, nhưng đó là nơi hội tụ của nhiều nhà xuất bản, (cũng tương tự đường sách tại Việt Nam, nhưng thay vì chỉ dành cho người đọc, đây là nơi tập trung trụ sở của các nhà xuất bản Hàn Quốc).
Thành phố sách tên là “Paju Book City,” nằm ở Paju, phía bắc của Seoul. Đây là một khu vực chuyên dành riêng cho ngành xuất bản, được chính phủ Hàn Quốc xây dựng để thúc đẩy văn hóa đọc và ngành công nghiệp xuất bản. Paju Book City có diện tích khoảng 500.000 m². Khu vực này được quy hoạch để trở thành trung tâm xuất bản sách, từ việc in ấn, phân phối, đến tổ chức các sự kiện về sách.
Tính đến nay, khu vực này có hơn 250 nhà xuất bản lớn nhỏ, cùng các công ty liên quan đến in ấn, thiết kế, phân phối sách. Nơi đây được xem là một trong những trung tâm xuất bản hàng đầu tại châu Á. Đây không chỉ là nơi làm việc của các nhà xuất bản mà còn là một điểm đến du lịch văn hóa thu hút nhiều người yêu sách.
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích sự phát triển của Paju Book City. Các ưu đãi bao gồm việc miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, và các chính sách hỗ trợ xuất bản quốc tế. Chính phủ cũng đầu tư vào việc xây dựng các khu vực nghiên cứu và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty xuất bản trong nước và quốc tế.
Paju Book City không chỉ là một trung tâm xuất bản mà còn đóng vai trò thúc đẩy văn hóa đọc và khuyến khích giao lưu văn hóa quốc tế thông qua các sự kiện và hội chợ sách lớn.
Nhờ những chính sách hỗ trợ ngành xuất bản mạnh mẽ mà Hàn Quốc đã có những nhà xuất bản hàng đầu với doanh thu hàng trăm triệu đôla. Tôi đã có dịp tới thăm nhà xuất bản lớn nhất - Kyowon, chuyên về sách thiếu nhi. Tòa nhà trụ sở của họ cao tới 15-20 tầng. Doanh thu của các nhà xuất bản lớn nhất ở Hàn Quốc có thể đạt tới 1 tỷ USD.
Nhiều chính sách hỗ trợ dịch, quảng bá tác phẩm Hàn ra thế giới
Hàn Quốc cũng công bố danh mục các cuốn sách được tài trợ phần dịch và bản quyền, khuyến khích các NXB ở các nước trên thế giới dịch và xuất bản ở nước họ để góp phần phổ biến văn hóa Hàn Quốc ra bên ngoài. Chúng ta cũng từng xuất bản cuốn Điều kỳ diệu ở phòng giam Số 7 của tác giả Park Lee Jeong cùng một số tác phẩm khác xuất bản tiếng Việt theo chương trình tài trợ dịch thuật này.
Với mục đích tăng cường sự hiện diện của văn học Hàn Quốc nói riêng, sách Hàn nói chung ra thế giới, chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức liên quan đã thiết lập nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ việc dịch tác phẩm.
Thông qua việc thúc đẩy dịch thuật và hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các nhà xuất bản, dịch giả quốc tế, Hàn Quốc tăng cường đưa văn học tiếp cận bạn đọc toàn cầu.
Chẳng hạn, Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (LTI Korea) là cơ quan chính cung cấp hỗ trợ cho việc dịch và xuất bản các tác phẩm văn học Hàn Quốc ra thế giới. Viện này duyệt các dự án dịch thuật từ tiếng Hàn sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả văn học cổ điển và hiện đại. Danh mục các tác phẩm hỗ trợ thường bao gồm tiểu thuyết, thơ, kịch bản, truyện ngắn và các tác phẩm phi hư cấu về văn hóa, lịch sử Hàn Quốc. Mỗi năm, Viện công bố danh sách các tác phẩm ưu tiên dịch thuật dựa trên đánh giá về tiềm năng quốc tế và giá trị văn hóa.
Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc cũng chi số tiền lớn hỗ trợ dịch và quảng bá sách Hàn. Viện thường hỗ trợ từ 70% đến 100% chi phí dịch thuật và xuất bản các tác phẩm văn học Hàn Quốc ra nước ngoài. Khoản hỗ trợ có thể lên tới khoảng 30.000 USD cho mỗi tác phẩm, tùy thuộc vào quy mô và ngôn ngữ dịch. Viện cũng trả thù lao cho dịch giả, các chi phí liên quan đến quá trình hiệu đính, kiểm tra chất lượng bản dịch; hỗ trợ in ấn, phát hành các bản dịch thông qua các nhà xuất bản quốc tế hợp tác.
Với dịch thuật, các dịch giả có thể nộp đơn để được hỗ trợ chi phí dịch tác phẩm văn học Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng tổ chức các chương trình học bổng và đào tạo dành cho các dịch giả, nhà xuất bản quốc tế để tham gia vào các khóa học ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, giúp họ nắm bắt tốt hơn về ngữ cảnh văn học Hàn Quốc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tài trợ chương trình “Sáng kiến văn hóa”, chi trả vé máy bay, chi phí ăn ở cho các chuyên gia, dịch giả và nhà xuất bản nước ngoài tham dự các hội thảo văn hóa, các sự kiện như Hội sách Seoul hay Hội nghị Dịch thuật Văn học Quốc tế (ILTAC) tại Hàn Quốc. Các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới được mời đến Hàn Quốc để thuyết trình, tham gia hội thảo và trình bày về các xu hướng xuất bản toàn cầu.
Các chính sách này đều hướng tới mục tiêu giúp văn học Hàn Quốc tiếp cận được độc giả toàn cầu, thông qua việc thúc đẩy dịch thuật và hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các nhà xuất bản và dịch giả quốc tế.
Tính kỷ luật đến khắc nghiệt của người Hàn
Những thập kỷ nỗ lực không ngừng ấy phản ánh phần nào tính cách khắc nghiệt mà chúng ta nhận thấy ở người Hàn Quốc. Tính kỷ luật làm việc nghiêm ngặt, thái độ căng thẳng và khắc nghiệt trong công việc là một phần của đời sống Hàn Quốc. Có những câu chuyện về người Nhật làm việc đến chết, người Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những áp lực tương tự: tỷ lệ tự tử cao và sự căng thẳng trong cuộc sống tăng mạnh.
Cảnh thi cử ở Hàn Quốc là một trong những minh chứng rõ ràng cho cuộc đua đầy cam go trong xã hội. Học sinh, sinh viên phải ganh đua từng điểm số, từng bài kiểm tra để có được một vị trí trong xã hội. Nhưng đằng sau những thành tích ấy, là áp lực lớn lao đè nặng lên từng cá nhân.
Khi đến Hàn Quốc, tôi nhận thấy sự khắc nghiệt không chỉ có trong công việc mà còn trong cả đời sống hàng ngày. Tôi đã chứng kiến bữa ăn và uống rượu trong một công ty Hàn Quốc kéo dài đến tận 2h sáng. Điều đáng ngạc nhiên là, sau những buổi liên hoan mệt mỏi đó, họ vẫn có thể dậy sớm và tiếp tục làm việc với một tinh thần kỷ luật đáng nể. Đằng sau những thứ đó hẳn là kỷ luật và ý chí ghê gớm, dù tôi nghĩ những nỗi cô đơn cũng tràn ngập trong tâm hồn họ.
Không thể có giải Nobel nếu thiếu một nền xuất bản lành mạnh
Những chuyến đi thăm Hàn Quốc, tôi đều tới nhà sách Kyobo giữa trung tâm Seoul, bên ngoài đường là tượng vua vĩ đại nhất của dân tộc Triều Tiên: Vua Sejong và cuối đoạn đường là Đô đốc Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thần). Tượng đài của Yi Sun-sin hiện được dựng tại Quảng trường Gwanghwamun ở Seoul, trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm và trí tuệ quân sự của ông. Trong nhà sách Kyobo, cuối tuần độc giả đến chật kín, và tôi muốn kể rằng, để thanh toán xếp hàng, họ phải chờ đợi 15-20 phút, thậm chí tới nửa tiếng vì xếp hàng rất dài, mà đó là 1 trong số 4 hoặc 6 quầy thanh toán. Tôi kể thế để các bạn biết nhà sách đó lớn đến thế nào…
Nền văn hóa đọc được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những chính sách khuyến khích văn học và sự cam kết phát triển bền vững. Tất cả điều này đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho Hàn Quốc trong việc chinh phục các đỉnh cao về văn học và văn hóa trên trường quốc tế.
Han Kang, người vừa được giải Nobel, sinh ngày 27/11/1970 ở Gwangju (Hàn Quốc), có cha là tiểu thuyết gia Han Seung Won. Chị cùng tuổi với thế hệ của tôi, sinh ra trong những năm tháng khắc khổ của thời Park Chung Hee. Tôi cũng viết cuốn Tự truyện Sinh năm 1972, Khát vọng sống của mình, trong sách tôi kể về những năm tháng gian khó và nghèo đói, nhưng sách nuôi dưỡng tâm hồn tôi, nuôi dưỡng giấc mơ của tôi, và tôi tin rằng Han Kang chắc cũng vậy. Được nuôi dưỡng như thế, được sống như thế, hẳn là chị hay dù nếu không phải là chị hôm nay thì cũng sẽ có một nhà văn nào đó của Hàn Quốc năm sau, năm sau nữa sẽ đoạt giải.
Tất cả những điều này chỉ ra rằng, sự thành công của Hàn Quốc không chỉ đến từ tài năng mà còn từ sức chịu đựng, kiên trì, và cả sự hy sinh. Giải Nobel Văn học mà họ đạt được năm nay không chỉ là một giải thưởng dành riêng cho nhà văn, mà là chiến thắng của cả một dân tộc - một dân tộc không ngừng đấu tranh với những nỗi đau trong quá khứ, với áp lực từ cuộc sống hiện đại, và với những đòi hỏi khắc nghiệt của chính họ.
Nền văn hóa đọc được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những chính sách khuyến khích văn học và sự cam kết phát triển bền vững. Tất cả điều này đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho Hàn Quốc trong việc chinh phục các đỉnh cao về văn học và văn hóa trên trường quốc tế.
Sự thành công của họ là một bài học cho Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Chúng ta cần học hỏi từ những nỗ lực ấy, từ cách mà người Hàn Quốc vượt qua được những đau thương của quá khứ, cách họ tạo dựng một môi trường học thuật và xuất bản hiện đại, cách họ phát triển văn hóa đọc rộng khắp và kết nối học hỏi từ bên ngoài. Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm và sự hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan trong xã hội. Khi trò chuyện với giới xuất bản Hàn Quốc, khi nghe tôi kể về nền xuất bản Việt Nam, bán vài nghìn cuốn sách đã là thành công, 20-30.000 đã là rất thắng lợi và 100 hay 200.000 bản thì là kỳ tích… thì họ nói, “Bình, các bạn giống chúng tôi những năm 1980, hãy cứ mạnh mẽ và dấn thân đi.”