Mỗi ngày là một hành trình dài đối với ông Đoàn Thanh Ngân (45 tuổi, TP Thủ Đức), bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc lúc 12h đêm. Ông Ngân lái xe gần 200 km trên khắp các tuyến đường ở TP.HCM, hỗ trợ hàng trăm gói lương thực thiết yếu cho người nước ngoài gặp khó khăn vì Covid-19.
“Hôm nay tôi mới tiếp nhận thêm thông tin của 42 người nước ngoài xin hỗ trợ lương thực. Điều đó càng khiến tôi nỗ lực muốn giúp thêm nhiều người nữa" ông Ngân nói qua điện thoại khi đang chạy xe phát quà.
Tự bỏ tiền túi làm thiện nguyện
Những ngày TP.HCM bước vào đợt bùng phát dịch, ông Ngân gặp những người nước ngoài lang thang xin ăn ở các ngã tư và dọc trên đường phố.
Từng làm với người nước ngoài gần 10 năm nên ông khá hiểu tính cách sống thoải mái, ít khi dành dụm của họ. "Dịch kéo dài nhiều tháng chắc chắn sẽ có nhiều người nước ngoài gặp khó khăn về tài chính và thiếu hỗ trợ từ các cộng đồng đồng hương hoặc Chính phủ. Chính vì thế, tôi đã lập ra trang Facebook SOS Foreigner để kết nối với những người có yêu cầu giúp đỡ", ông Ngân nói.
Ông Ngân mua thực phẩm về để gói các phần quà gửi người khó khăn. Ảnh: NVCC. |
Từ trang Facebook của ông, nhiều người nước ngoài bắt đầu liên hệ thông qua các mạng xã hội để hỏi xin lương thực. Để quà đến đúng người cần, ông Ngân sẽ hỏi lại xem họ có thật sự khó khăn không, vì lương thực hỗ trợ chỉ là đồ ăn Việt Nam đơn giản cứu đói trong 10 ngày. Nếu sau khi nói chuyện mà biết họ đang cần, ông sẽ xin địa chỉ, rồi mang đến tận nhà.
“Lúc nào trên xe tôi cũng có vài chục phần lương thực để gặp hoàn cảnh nào khó khăn thì cho ngay. Nhiều trường hợp gặp trên đường, nhiều trường hợp biết qua mạng xã hội", vị giám đốc kể.
Mỗi phần quà ông Ngân trao tặng bao gồm rau củ, gạo, trứng, mì tôm, dầu ăn, cá hộp và bột canh. Hiện ông vẫn dùng tiền cá nhân của mình, và chưa kêu gọi quyên góp từ bên ngoài.
“Có người hỏi tôi có cơm nguội không để ăn cho đỡ đói hoặc bất cứ lương thực gì cũng được vì họ đã hết sạch đồ ăn. Người thì hỏi mượn tiền mua các nhu cầu cá nhân thiết yếu, hứa sau dịch đi làm sẽ trả lại đầy đủ. Khi đến phát lương thực, tôi luôn dặn là khi nào ăn gần hết, dịch Covid vẫn còn, mà vẫn cần hỗ trợ, thì cứ nhắn tin cho tôi, tôi sẽ mang đến một phần lương thực nữa cho bạn", ông tâm sự.
Những phần quà được ông Ngân chuẩn bị để mang đi phát. Ảnh: NVCC. |
Jean (33 tuổi, quận 3) đến từ Philippines cho biết vì trường học đóng cửa nên đã thất nghiệp mấy tháng nay. Anh rất xúc động khi nhận được phần quà từ ông Ngân. Jean hy vọng sẽ có thêm nhiều người nhận được hỗ trợ lương thực để cầm cự qua đợt dịch này.
"Tôi rất biết ơn khi nhận được thực phẩm để ăn. Khi tôi hỏi xin thêm phần lương thực cho gia đình khác, ông Ngân đều đồng ý", Mia ( 27 tuổi, quận 7) chia sẻ. 4 tháng qua, Mia ở nhà không có thêm thu nhập khiến cô không còn đủ tiền để mua lương thực và các vật dụng thiết yếu.
Tính đến nay, ông Ngân đã trao đi hàng trăm phần quà với người nghèo và 300 phần cho người nước ngoài tại TP.HCM.
Các điểm tiếp nhận quà nằm rải rác khắp các quận, huyện, có điểm cách nhau đến mấy chục km trong khi các chốt chặn dày đặc nên việc di chuyển cũng mất nhiều thời gian.
"Mỗi người góp sức một chút"
Ông Đoàn Thanh Ngân hiện làm ở 3 công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau. Dịch kéo dài, các công ty của ông đều bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên người đàn ông này vẫn đảm bảo cho toàn bộ công nhân của mình nhận nguyên mức lương mỗi tháng.
“Tôi vào miền Nam lập nghiệp từ công việc phụ hồ, thấu hiểu nỗi khó khăn của người nghèo đói. Nên khi mình có điều kiện hơn, giúp được ai cái gì trong khả năng tôi sẽ cố gắng", ông Ngân bày tỏ.
Cách đây 6-7 năm, vị giám đốc hay cùng bạn bè chơi golf, mỗi trận trả phí hết 3-4 triệu đồng, mỗi tháng đánh 4-5 trận. Ông nghĩ nếu mỗi tháng bớt chơi một trận và lấy tiền đó nấu cơm chay thì sẽ được hơn 200 phần và có hơn 200 người có được một bữa ăn no. Thế là ông bắt đầu làm.
Cứ mùng 1 âm lịch hàng tháng, ông tự đi chợ mua đồ, rồi cùng anh em văn phòng chuẩn bị. Tự tay ông nấu khoảng trên 200 phần cơm chay phát tại cửa công ty.
Mỗi sáng mùng 1, ông Ngân nấu hơn 200 phần cơm chay tặng người khó khăn. Ảnh: NVCC. |
Thỉnh thoảng ông Ngân còn tổ chức quyên góp rồi cùng đi phân phát cho những đồng bào vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn. Dịch Covid-19 lần này, ông đã hỗ trợ nhiều hội nhóm đồng hương, tham gia phân phát quà cho nhóm siêu thị 0 đồng và nhóm rau vui vẻ.
"Tôi vẫn tiếp tục làm đến khi hết dịch hoặc không còn khả năng về tài chính. Với tình hình hiện tại, tôi nghĩ là vẫn đủ khả năng duy trì thêm vài tháng nữa", ông Ngân cho biết.
Với người đàn ông này, người ở TP.HCM vốn dĩ hào sảng, nên trong đại dịch khó khăn vẫn có rất nhiều tấm lòng chung tay vì cộng đồng. Do vậy, bản thân ông thấy vẫn chưa làm được gì quá to tát.
Ông Ngân mong muốn các lãnh sự quán các nước ở TP.HCM có chính sách hỗ trợ cho công dân nước mình đang bị kẹt tại thành phố và gặp khó khăn trong mùa đại dịch này.
"Mỗi người góp sức một chút, đùm bọc nhau để Sài Gòn lại sớm khỏe trở lại", người đàn ông 45 tuổi mong mỏi.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.