Trong thông báo mới nhất, MBBank cho biết đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm với một loạt kỳ hạn, áp dụng với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Cụ thể, biểu lãi suất tiết kiệm MBBank áp dụng với khách hàng cá nhân hiện dao động trong khoảng 3-6,9%/năm, tương ứng với kỳ hạn 1-60 tháng. Trong đợt điều chỉnh này, ngân hàng giữ nguyên lãi suất tại kỳ hạn 2 tháng và các kỳ hạn dài 18-60 tháng.
Với các thời hạn còn lại, MBBank chủ yếu tăng thêm 0,1-0,6 điểm % lãi suất tiết kiệm.
Lãi suất tiết kiệm tăng
Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại nhà băng này hiện ở mức 3%/năm, cao hơn 0,1 điểm % so với tháng trước. Tương tự, tiền gửi kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,2-0,5 điểm %, hiện cố định ở mức 3,6%/năm; 3,9%/năm và 4%/năm.
Tại kỳ hạn 6 tháng, khách gửi tiền tại MBBank hiện có thể nhận mức lãi suất trả trước ở 4,87%/năm, cao hơn 0,43 điểm % so với trước điều chỉnh. Với các khoản tiền gửi từ 7 tháng đến dưới 12 tháng, nhà băng này hiện niêm yết ở mức 5-5,2%/năm, cũng tăng hơn 0,5-0,6 điểm % so với tháng trước.
Kỳ hạn 12 tháng hiện được MBBank áp dụng lãi suất trả trước linh hoạt ở 5,57%/năm. So với đầu tháng 7, mức lãi suất này đã tăng 0,21 điểm %.
Tương tự MBBank, biểu lãi suất tiền gửi cá nhân tại ACB áp dụng từ ngày 30/7 cũng tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn. Đáng chú ý, đây là đợt tăng lãi suất thứ 2 của ACB trong 2 tháng gần nhất. Đầu tháng 7 trước đó, ACB chính là ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ở một loạt kỳ hạn, tối đa lên tới 1,2 điểm %.
Ngân hàng (%/năm) | 1-5 tháng | 6-11 tháng | 12 tháng | 13 tháng trở lên |
CBBank | 3,8-3,9 | 7,1-7,2 | 7,45 | 7,5 |
SCB | 4 | 6-6,7 | 7,3 | 7,5 |
NCB | 4 | 6,5-6,7 | 6,8 | 6,8-7 |
BacABank | 3,9 | 6,35-6,5 | 6,8 | 6,9 |
Oceanbank | 3,6-3,95 | 5,6-6,2 | 6,75 | 6,6-7 |
DongABank | 3,8 | 6,1-6,2 | 6,7 | 7-7,1 |
Baovietbank | 3,65-3,9 | 6,05-6,3 | 6,65 | 6,7-7,1 |
GPBank | 4 | 6,55-6,65 | 6,75 | 6,75-6,85 |
VietABank | 3,9 | 6-6,1 | 6,6 | 6,7-6,9 |
NamABank | 3,95 | 5,6-5,9 | 6,5 | 5,9-6,7 |
OCB | 3,7-3,9 | 5,8-6 | 6,5 | 6,5-6,7 |
Kienlongbank | 4 | 6-6,1 | 6,5 | 6,55-7,3 |
VietBank | 3,6-3,7 | 5,8-6,2 | 6,5 | 6,9 |
PGBank | 4 | 5,9 | 6,5 | 6,6-6,7 |
HDBank | 3,9 | 5,8 | 6,5 | 6,1-6,6 |
VIB | 3,9-4 | 5,8-6,4 | 6,4 | 6-6,5 |
SeABank | 3,7 | 6,05-6,1 | 6,4 | 6,4-6,5 |
VietcapitalBank | 3,9 | 5,9-6,2 | 6,4 | 6,5-6,8 |
PVCombank | 3,9 | 5,7-6,15 | 6,3 | 6,65 |
ACB | 3,95-4 | 5,7-6,4 | 6,1-6,4 | 6,2-6,5 |
ABBank | 3,65-4 | 5,6-5,7 | 6,2 | 5,7-6,4 |
SHB | 3,6-4 | 5,4-5,7 | 6,1-6,2 | 6,2-6,6 |
VPBank | 3,2-4 | 5,2-6,2 | 5,6-6,5 | 5,6-6,7 |
Eximbank | 3,4-3,8 | 5,4-5,6 | 5,9 | 6 |
Saigonbank | 3,2-3,8 | 5,1-5,2 | 5,9 | 6,3 |
Techcombank | 3,05-4 | 5,35-5,75 | 5,75-6,2 | 5,75-6,5 |
Sacombank | 3,5-4 | 5,2-5,45 | 5,8 | 6-6,3 |
MBBank | 3-4 | 5-5,2 | 5,7 | 5,9-6,6 |
VietinBank, BIDV, Agribank | 3,1-3,4 | 4 | 5,6 | 5,6 |
Vietcombank | 3,1-3,4 | 4 | 5,6 | 5,4 |
MSB | 3-3,8 | 5-5,3 | 5,6 | 5,6 |
LienVietPostBank | 3,5-3,8 | 4,5 | 5,6 | 5,6 |
TPBank | 3,4-3,65 | 5,5 | - | 6,2 |
Ở đợt điều chỉnh này, ACB tập trung vào việc nâng lãi suất tiền gửi với các kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Trong đó, lãi suất tiết kiệm 6 tháng đến dưới 12 tháng tại nhà băng này hiện dao động quanh mức 5,7-6,2%/năm, tăng 0,2-0,4 điểm % so với tháng trước. Ở kỳ hạn 12 tháng, khách gửi tiền vào ACB đầu tháng 7 được hưởng lãi suất 5,7-6%/năm, đến nay đã tăng lên 6,1-6,4%/năm, tùy hạn mức.
Các kỳ hạn trên 13 tháng cũng được tăng lãi suất huy động thêm 0,3-0,4 điểm %, hiện phổ biến ở 6,2-6,5%/năm. Như vậy, chỉ trong 2 tháng gần nhất, ACB đã điều chỉnh tăng lãi suất ở hầu hết kỳ hạn, tối đa lên tới 1,5 điểm %.
Biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 7 của HDBank cũng đã tăng 0,5-0,7 điểm % ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, lãi tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tại ngân hàng này đầu tháng 7 ở mức 3,4-3,5%/năm, đến nay đã tăng lên cố định ở mức 3,9%/năm. Tương tự, kỳ hạn 6-11 tháng hiện hưởng lãi suất cố định ở 5,8%/năm, cao hơn 0,7 điểm % so với tháng trước.
Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất khách gửi tiền tại HDBank đang nhận được là 6,5%/năm, cao hơn nhiều so với mức 5,85%/năm hồi đầu tháng 7.
Với các kỳ hạn dài 13-36 tháng, lãi suất áp dụng với khách hàng cá nhân cũng đã tăng từ mức 5,45-6%/năm lên 6,1-6,6%/năm.
Trong tháng 8, CBBank cũng đã nâng lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi tại quầy của khách hàng cá nhân lên 7,5%/năm (kỳ hạn 13-48 tháng). Đây là mức lãi suất tương đương SCB đang áp dụng và là mức cao nhất thị trường. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất CBBank đang đưa ra cũng là 7,45%/năm, tăng 0,4 điểm % so với tháng trước.
Hiện tại, CBBank là ngân hàng chi lãi suất tiền gửi 6 tháng đến dưới 12 tháng cao nhất thị trường, với mức 7,1-7,2%/năm, tăng 0,3 điểm % so với tháng trước và 0,8 điểm % so với tháng 6.
Tăng trên diện rộng
Theo khảo sát của Zing, từ cuối tháng 7 đến nay, một loạt ngân hàng lớn, nhỏ như Vietcombank, Techcombank, VPBank, Kienlongbank, ABBank, GPBank… đều đã tăng lãi suất tiền gửi áp dụng với khách hàng cá nhân. Trong đó, Techcombank tăng 0,3-0,6 điểm % ở hầu hết kỳ hạn, lãi suất tối đa hiện ở mức 6,5%/năm; VPBank tăng 0,3-0,4 điểm % ở kỳ hạn 6-12 tháng, lãi suất tối đa 6,7%/năm; Kienlongbank tăng 0,3 điểm % với kỳ hạn 1-11 tháng…
Với nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), sau nhiều tháng không thay đổi, hiện 3/4 nhà băng trong nhóm đã tăng lãi suất tiết kiệm.
LÃI SUẤT TIỀN GỬI KỲ HẠN 12 THÁNG TẠI MỘT SỐ NGÂN HÀNG | |||||||||||
Nguồn: Tổng hợp | |||||||||||
Nhãn | Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, MSB, LienVietPostBank | Sacombank | HDBank | Eximbank, Saigonbank | VIB, SeABank, VietcapitalBank | NamABank, Kienlongbank, VietBank, PGBankOCB, | DongABank | NCB, BacABank | SCB | CBBank | |
%/năm | 5.6 | 5.8 | 5.85 | 5.9 | 6.4 | 6.5 | 6.7 | 6.8 | 7.3 | 7.45 |
Mới nhất, Vietcombank tăng 0,1 điểm % lãi suất ở hầu hết kỳ hạn gửi từ cuối tháng 7. Đây là lần tăng lãi suất huy động đầu tiên của nhà băng này kể từ cuối năm 2018 đến nay. Trước đó, BIDV và Agribank cũng đã tăng lãi suất huy động trong tháng 6-7.
Hiện lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của nhóm ngân hàng này phổ biến ở mức 3,1-3,4%/năm; kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng ở mức 4%/năm và kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 5,4-5,6%/năm.
Theo các chuyên gia, việc một loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động gần đây có mục đích chính là để hút dòng tiền từ cư dân để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng tăng cao trong nền kinh tế.
Dù đã có dấu hiệu giảm tốc từ cuối quý II, nhưng đến cuối tháng 7, tín dụng toàn nền kinh tế vẫn tăng 9,27% so với đầu năm, mức tăng cao nhất 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng chỉ đạt hơn 4,5% cùng giai đoạn.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên, từ đó gây áp lực lên lãi suất tiền Đồng.
Hiện tại, lãi suất cho vay VNĐ trên thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt nhưng vẫn phổ biến ở mức trên 4%/năm với kỳ hạn qua đêm và trên 6%/năm với kỳ hạn 6 tháng, cao hơn nhiều so với lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng thương mại cỡ lớn.
Đà tăng chưa ngừng lại
Chứng khoán VNDirect cho rằng đang có một cuộc đua lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân khi nhiều nhà băng đã đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên trên 7%/năm, cao nhất hiện nay lên tới 7,6%/năm.
Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đưa ra kế hoạch khôi phục, mở rộng sản xuất đã làm tăng nhu cầu vốn từ ngân hàng, buộc các ngân hàng phải huy động thêm tiền để cho vay.
Lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân tại quầy của HDBank đã tăng 0,5-0,7 điểm % từ cuối tháng 7. Ảnh: Chí Hùng |
Các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo trong nửa cuối năm nay, khi các ngân hàng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhu cầu vốn đầu vào của ngành ngân hàng sẽ tăng lên và đẩy lãi suất huy động tăng thêm 0,5 điểm %.
Cùng quan điểm, Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,5-0,7 điểm % sau khi các ngân hàng được nới “room” tín dụng.
Tính trong cả năm, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5 điểm%, kéo theo đó, lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới sẽ cao hơn 1-2 điểm % so với năm 2021. Tuy nhiên, thông thường phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay điều chỉnh tương ứng với lãi suất huy động.
Đến năm 2023, SSI dự báo lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm, với chỉ số CPI ước tính đạt 5,2%. Sau đó, lãi suất huy động có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm, khi áp lực lạm phát giảm dần.
Trong cả năm này, lãi suất huy động dự kiến tăng thêm khoảng 0,7-0,8 điểm % và tiệm cận mức trước dịch Covid-19 tại một số ngân hàng.