Sau những đợt tăng lãi suất liên tiếp từ cả nhóm ngân hàng thương mại tư nhân và quốc doanh, lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân trên thị trường đã thiết lập mặt bằng mới.
Trong đó, dải lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân với các kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện dao động từ 5,5%/năm đến 7,55%/năm.
Nếu chọn nhóm ngân hàng quốc doanh hoặc ngân hàng tư nhân cỡ lớn, mức lãi suất phổ biến người gửi nhận được chỉ trên dưới 6%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này sẽ tăng lên trên 7%/năm, nếu lựa chọn nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn.
Ngân hàng “mạnh tay” nâng lãi suất
Khác với những đợt tăng lãi suất trước đây khi ngân hàng chủ yếu điều chỉnh 0,3-0,5 điểm %, đợt tăng lãi suất mới lần này lại chứng kiến mức biến động lên tới trên 1 điểm %.
Cụ thể, trong thông báo mới, ACB cho biết đã áp dụng biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân mới từ tháng 7 với việc tăng kịch trần lãi suất với các kỳ hạn dưới 6 tháng, hiện ở mức 3,95-4%/năm. So với tháng 6, lãi suất các kỳ hạn này của ACB đã tăng 0,6-0,9 điểm %.
Với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, khách hàng gửi tiền tại ACB tháng trước chỉ được hưởng lãi suất 4,5-4,6%/năm, nhưng đến tháng này đã được hưởng lãi 5,3-5,8%/năm, tương đương mức tăng 0,8-1,2 điểm %.
Ở kỳ hạn 12 tháng, ACB chấp nhận chi trả mức lãi suất 5,7-6%/năm tùy hạn mức gửi, cao hơn nhiều so với mức 5,1%/năm áp dụng cố định trước đó.
Hiện lãi suất tối đa nhà băng này chi trả cho khách hàng cá nhân gửi tiền là 6,2%/năm, áp dụng với kỳ hạn trên 13 tháng, tăng 0,4 điểm % so với tháng trước.
- Biểu lãi suất huy động cá nhân của ACB trước và sau khi điều chỉnh (%/năm):
Lãi suất/Kỳ hạn | 1-3 tháng | 4-5 tháng | 6-11 tháng | 12 tháng | Trên 12 tháng |
Trước tháng 7/2022 | 3,1-3,4 | 4 | 4,5-4,6 | 5,1 | 5,8 |
Từ tháng 7/2022 | 3,95-4 | 4 | 5,3-5,8 | 5,7-6 | 6,1-6,2 |
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại cỡ lớn cũng ghi nhận những đợt tăng mạnh lãi suất huy động nhưng chưa nhà băng nào điều chỉnh tới 1 điểm %/lần.
Cụ thể, cuối tháng 5, Techcombank ra thông báo tăng lãi suất tiền gửi cá nhân tối đa 0,7 điểm % ở một số kỳ hạn. Tương tự, VPBank cũng thông báo tăng lãi suất tiền gửi cá nhân thêm 0,8 điểm % với biểu lãi suất áp dụng từ tháng 5. Đến giữa tháng 5, nhà băng này một lần nữa tăng lãi suất huy động thêm 0,3 điểm %.
Ngoài ACB, tháng 7 này cũng ghi nhận TPBank tăng 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi cá nhân ở hầu hết kỳ hạn. Hiện lãi suất tối đa nhà băng này niêm yết với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân là 6,2%/năm.
Agribank cũng tăng lãi suất tiết kiệm của cá nhân thêm 0,1 điểm % từ tháng 7, áp dụng với các kỳ hạn 12 tháng trở lên. Đây là lần đầu tiên nhà băng này tăng lãi suất huy động trong gần 4 năm qua, hiện các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên tại Agribank được hưởng lãi suất 5,6%/năm.
Trước đó, BIDV, SCB, SHB, Techcombank, VPBank, HDBank, Kienlongbank… đều đã nâng biểu lãi suất huy động tiền gửi áp dụng với khách hàng cá nhân thêm bình quân 0,1-0,7 điểm % tùy kỳ hạn.
Gửi tiền vào đâu lãi nhất?
Với việc hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động trong nửa đầu năm, hiện có hơn 10 nhà băng trả lãi suất tiền gửi trên 7%/năm, chủ yếu áp dụng với các kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Ngân hàng có lãi suất tiền gửi cá nhân cao nhất hiện nay là SCB, với cả hình thức gửi tại quầy và online. Trong đó, khách gửi tiền kỳ hạn 12 tháng vào nhà băng này đang được hưởng lãi suất lên tới 7,3%/năm, tương đương gửi 1 tỷ đồng sẽ nhận 73 triệu đồng lãi suất sau 1 năm.
Thậm chí, nếu gửi online, khách hàng tại SCB sẽ được cộng thêm 0,15-0,3 điểm % lãi suất tùy kỳ hạn. Trong đó, lãi suất tối đa nhà băng này chi trả lên tới 7,55%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi cá nhân kỳ hạn 18 tháng trở lên.
Tương tự, người dân cũng có thể hưởng mức lãi suất 7,4%/năm nếu gửi tiền qua kênh online tại NamABank với kỳ hạn trên 16 tháng và 7,2%/năm nếu gửi kỳ hạn 12 tháng. So với kênh quầy, lãi suất tiền gửi online tại nhà băng này hiện cao hơn tới 0,7 điểm %.
LÃI SUẤT TIỀN GỬI KHCN KỲ HẠN 12 THÁNG TẠI MỘT SỐ NGÂN HÀNG | |||||||||||
Nguồn: Tổng hợp | |||||||||||
Nhãn | MSB, VietinBank, BIDV, Agribank | ABBank, ACB, MBBank | Eximbank, Saigonbank, HDBank | VPBank, SHB | PVCombank, OCB | VietBank, DongABank, NamABank | NCB, VietABank | GPBank, Baovietbank | BacABank | SCB | |
Lãi suất tiết kiệm | %/năm | 5.6 | 5.7 | 5.9 | 6.1 | 6.3 | 6.5 | 6.6 | 6.65 | 6.8 | 7.3 |
Tại Kienlongbank, mức lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra với tiền gửi của khách hàng cá nhân là 7,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Ở các kỳ hạn thấp hơn, mức lãi suất lần lượt là 7,2%/năm với kỳ hạn 24 tháng; 7%/năm với kỳ hạn 18 tháng; 6,95%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Theo khảo sát, ở kỳ hạn gửi 12 tháng, mặt bằng lãi suất huy động của các nhà băng đang phân hóa từ mức 5,5%/năm đến 7,3%/năm. Nếu gửi kỳ hạn dài hơn, mức lãi suất tối đa người dân có thể nhận được là 7,55%/năm.
Ngoài SCB chi trả mức lãi suất tiền gửi 7,3%/năm với kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng BacABank, Baovietbank, GPBank, NCB, VietABank, Oceanbank… đang là nhóm chi trả lãi suất cao nhất, đều trên 6,5%/năm.
Nếu lựa chọn nhóm ngân hàng quy mô lớn như SHB, Eximbank, HDBank, Sacombank, MBBank, VPBank… mức lãi suất người gửi nhận được chỉ trên dưới 6%/năm.
Riêng với nhóm ngân hàng quốc doanh (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) mức lãi suất tối đa người dân nhận được khi gửi tiền vào đây chỉ là 5,5-5,6%/năm.
Vì sao lãi suất tiền gửi vẫn tăng?
Trong báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các chuyên gia tại đây cho biết mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng đã tăng 0,3-0,6 điểm % từ đầu năm.
Với dự báo áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn cuối năm, lãi suất huy động được dự báo còn tiếp tục tăng. Trong đó, VCBS dự báo lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 1-1,5 điểm % trong cả năm nay.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi được dự báo còn tăng từ nay đến cuối năm 2022. Ảnh: T.L. |
Lý giải về xu hướng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng, Công ty Chứng khoán SSI dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết đến ngày 20/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,51% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, huy động vốn chỉ tăng 3,97% giai đoạn này.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 888.000 tỷ đồng được các ngân hàng bơm ra thị trường qua kênh cho vay, trong khi chỉ có khoảng 434.000 tỷ đồng được huy động vào hệ thống từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Điều này đã tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động.
Trên thực tế, SSI cho biết các ngân hàng thương mại đã tăng biểu lãi suất huy động bình quân 0,3-1 điểm %, chủ yếu vào giai đoạn cuối quý I và đầu quý II/2022.
Trong nửa cuối năm nay, các chuyên gia tại đây dự báo NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Ước tính, tăng trưởng tín dụng toàn ngành cả năm nay sẽ vào khoảng 15-16%. Khi đó, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ rơi về cuối năm, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% từ ngày 1/10 tới.