Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NHNN: Dư nợ tín dụng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới

Thống đốc NHNN cho biết trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, vẫn cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng để tránh việc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động nguồn tiền cho vay.

Bên cạnh các vấn đề về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; kiểm soát lạm phát; cho vay trong lĩnh vực bất động sản… một trong những vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chiều 8/6 là nghiệp vụ cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) cho biết hiện nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế rất lớn, nhưng nhiều ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng. Gần đây, nhiều nhà băng đã đề xuất nới hạn mức này để có thể cho vay ra thị trường.

Vị đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc về tính hợp lý của việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại và cơ chế này có phải là can thiệp vào hoạt động của ngân hàng. Ông cũng đặt câu hỏi về khả năng nới hạn mức tín dụng trong thời gian tới.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhận xét “đây là câu hỏi rất hay và lần đầu đại biểu Quốc hội chất vấn việc phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại”.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là câu chuyện mà hầu hết tổ chức tín dụng cũng rất quan tâm. Ông đặt câu hỏi về việc công cụ này có mang tính hành chính không, tính công khai minh bạch thế nào và lộ trình khi nào thì NHNN bỏ việc phân bổ này.

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG HÀNG NĂM
Nguồn: NHNN; Tổng hợp
Nhãn201420152016201720182019202020215T2022
Tăng trưởng tín dụng hàng năm % 14.1617.2618.2518.2813.8913.6512.17138.04

Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết hạn mức tín dụng là nội dung trọng tâm trong điều hành của NHNN. Thực tế, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là vốn đầu tư dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng. Trong đó, dư nợ tín dụng/GDP hiện ở mức 124%, thuộc nhóm cao nhất thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).

"Với nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, khi có biến động, cú sốc như dịch Covid-19, người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sẽ lập tức ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng. Nếu ngân hàng mất khả năng chi trả sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế”, Thống đốc chia sẻ.

Tránh cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng

Theo bà Hồng, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng đã được áp dụng từ năm 2011 đến nay và cho hiệu quả cao trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định trở lại.

Trước đây, khi chưa kiểm soát chỉ tiêu này, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng rất cao, có nhiều năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt trên 30%. Thậm chí, có năm tăng trưởng tín dụng toàn ngành lên tới tới 53,8%. “Vì vậy, nếu không kiểm soát sẽ tạo ra cuộc đua về lãi suất giữa các ngân hàng để huy động nguồn tiền cho vay”, bà Hồng nhấn mạnh.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết biện pháp này đang có hiệu quả trong điều kiện thị trường vốn Việt Nam còn non trẻ. Khi thị trường phát triển, các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn và vốn tín dụng ngân hàng chỉ để phục vụ các khoản vay ngắn hạn, vốn lưu động, thì áp lực kiểm soát tăng trưởng tín dụng sẽ giảm đi.

Vi sao can kiem soat tang truong tin dung anh 1

Nếu không bị kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ đua nhau tăng lãi suất để huy động tiền gửi, từ đó khiến lãi suất cho vay tăng theo. Ảnh: Nam Khánh.

Về cách thức giao hạn mức tín dụng, Thống đốc cho biết hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu lạm phát, tăng trưởng GDP, NHNN sẽ đưa ra chỉ tiêu định hướng cho cả năm. Tuy nhiên, chính sách này sẽ được điều hành theo thực tế vì chính sách tiền tệ mang tính ngắn hạn và nền kinh tế luôn chịu tác động từ nhiều yếu tố.

“Với định hướng này, NHNN sẽ phân bổ tín dụng tới các ngân hàng thương mại dựa trên nền tảng phân loại, nhà băng nào lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn”, bà Hồng cho biết.

Sau khi nghe phần giải trình của Thống đốc NHNN, đại biểu Trịnh Xuân An tiếp tục tranh luận, theo ông, cơ chế cấp hạn mức tín dụng này mang dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp và không còn phù hợp bối cảnh hiện nay.

Vị đại biểu Quốc hội cho rằng dù đã cấp từ đầu năm nhưng khi hết hạn mức, các ngân hàng lại phải đi xin. “Ngoài ra, trong bối cảnh đang triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm với hạn mức 40.000 tỷ đồng, các ngân hàng có tiền cũng không cho vay được", ông phân tích.

Ông An cũng cho rằng đề xuất nới room tín dụng của các ngân hàng thời gian qua là có cơ sở và đề nghị Thống đốc nghiên cứu thực hiện thời. “Cũng không biết trên thế giới còn nước nào cấp quota tín dụng như Việt Nam hay không", ông đặt câu hỏi.

Trong phiên sáng ngày mai (9/6), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề này.

Các dự án bất động sản đủ pháp lý sẽ được ưu tiên cho vay vốn

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả. Trong đó, ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thống đốc: Nhà băng đối mặt rủi ro thanh khoản khi cho vay địa ốc

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng ngoài rủi ro mất vốn, ngân hàng còn đối mặt với tính thanh khoản khi cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm