Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1% so với cuối năm 2023. Ảnh: Nam Khánh. |
Chiều 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại cổ phần về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị này nhằm tiếp tục đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là trong ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính sách mới thích ứng tình hình
Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá đến nay kinh tế vĩ mô được giữ vững ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tuy nhiên, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề về người và kinh tế.
Thủ tướng cho biết các ngân hàng cần đề xuất chính sách mới thích ứng tình hình, trong đó có chính sách với doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại. Đồng thời có giải pháp liên quan tăng trưởng tín dụng, lãi suất hợp lý với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các ngân hàng cùng chia sẻ trong lúc khó khăn, nhất là về vấn đề lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng bày tỏ sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của các ngân hàng với tinh thần cầu thị để có giải pháp góp phần phát triển đất nước.
Toàn cảnh hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các NHTM về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. |
Báo cáo tại hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng cho biết trong hơn 8 tháng đầu năm, NHNN đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế để triển khai đồng bộ các giải pháp.
Đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so với cuối năm ngoái. Khối NHTMCP tư nhân tăng 8,6% (chiếm 45% thị phần, cao nhất toàn hệ thống).
Về chất lượng tín dụng, đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% của cuối năm ngoái và 2,03% cuối năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của khối NHTMCP tư nhân đạt 44.000 tỷ đồng. Nếu không tính 2 NHTM đang kiểm soát đặc biệt (Đông Á, SCB) thì đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập (khoảng 76%).
Lãi suất cho vay đã giảm hơn 1%
Lãnh đạo NHNN cho biết thêm hầu hết ngân hàng đã đáp ứng các tỷ lệ về an toàn trong hoạt động. Đến cuối quý II, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống là gần 12%. Khối ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) là 9,77%; khối NHTMCP tư nhân là 11,86%.
Tổng tài sản của 28 NHTMCP tại thời điểm 30/6 đạt 9,3 triệu tỷ đồng, chiếm 45% thị phần. Trong đó có 22 ngân hàng quy mô tài sản trên 100.000 tỷ đồng.
Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. |
Đáng chú ý, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng công khai lãi suất trên website. Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh.
Tính đến tháng 8, lãi suất cho vay đã giảm hơn 1% so với cuối năm ngoái. Trong đó, lãi suất cho vay khối NHTMCP tư nhân giảm khoảng 0,96%; hiện ở mức 9,17%/năm, cao hơn toàn hệ thống và nhóm NHTMNN.
Trong những giai đoạn áp lực tăng cao, NHNN bán can thiệp ngoại tệ hỗ trợ thanh khoản thị trường, phục vụ nền kinh tế, bình ổn thị trường ngoại tệ. Khối NHTMCP tư nhân chiếm khoảng 66% tổng giao dịch ngoại tệ toàn hệ thống và 30% thị phần giao dịch với khách hàng.
Từ đầu năm nay, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 15%. Thời gian qua, cơ quan này vẫn liên tục cải tiến việc giao, điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Phía NHNN cho biết từ đầu năm đến nay đã liên tục chỉ đạo triển khai đẩy mạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Hiện đã có thêm 4 NHTMCP tham gia với số tiền 20.000 tỷ (mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng).
Cùng với đó, nhà điều hành cũng chỉ đạo các ngân hàng điều chỉnh nâng mức giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà 2-3% trong 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn 1-2% so với lãi suất cho vay bình quân trung - dài hạn của 4 NHTMNN.
Tuy vậy, lãnh đạo NHNN cũng đánh giá các ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn như nợ xấu, sức hấp thụ vốn tín dụng còn thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất khiến áp lực tín dụng tăng cao, khó khăn của thị trường bất động sản, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, tỷ giá trong nước, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn...
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.