Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ký ức về vụ phá sản ngân hàng lớn nhất lịch sử nước Mỹ

SVB là ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ đóng cửa, làm nhiều người nhớ đến vụ ngân hàng Washington Mutual sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.

SVB sup do anh 1

Trong vài giờ sau vụ sụp đổ bất ngờ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) với khối tài sản trị giá khoảng 209 tỷ USD, hệ thống tài chính Mỹ quay cuồng.

Vụ việc gây sốc cho ngành tài chính Mỹ và khiến Tổng thống Joe Biden phải lên tiếng trấn an người dân. Nó khiến nhiều nhà đầu tư nhớ đến tình cảnh Washington Mutual (WaMu) vào 15 năm trước, khi ngân hàng tiết kiệm và cho vay lớn lớn nhất của đất nước thời điểm đó sụp đổ.

Derrick Reyes, người có tài khoản cá nhân tại WaMu và tài khoản doanh nghiệp tại SVB, là một trong những người hiểu rõ nhất cảm giác này.

Reyes, 34 tuổi, điều hành Queerly Health, công ty khởi nghiệp về sức khỏe kỹ thuật số dành cho cộng đồng LGBTQ có trụ sở tại New York. Anh nói đùa trên Twitter rằng trải nghiệm ở cả hai vụ sụp đổ khiến anh tự hỏi liệu nền kinh tế có được “gắn kết với nhau bằng kẹo cao su và kẹp giấy hay không”.

SVB sup do anh 2

Một chi nhánh của SVB ở San Francisco, California đóng cửa, ngày 10/3. Ảnh: Reuters.

Nhiều tổn thương hơn

Điều đáng nói là cơn địa chấn SVB có thể sẽ gây ra nhiều tổn thương cho khách hàng hơn so với sự việc của WaMu, vì phần lớn tiền gửi trong ngân hàng này không được bảo hiểm bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC), theo Barron's.

SVB là ngân hàng được bảo hiểm liên bang lớn thứ hai phải đóng cửa tại Mỹ. Nhiều khách hàng của SVB, bao gồm các công ty mới thành lập và công ty đầu tư mạo hiểm, đã huy động được rất nhiều tiền mặt trong thời kỳ đại dịch, dẫn đến lượng tiền gửi của họ tăng đột biến.

Vào quý đầu tiên của năm 2020, ngân hàng có tổng số tiền gửi hơn 60 tỷ USD. Con số tăng vọt lên gần 200 tỷ USD chỉ hai năm sau đó. Theo FDIC, SVB có tổng tài sản xấp xỉ 209 tỷ USD và tổng tiền gửi là 175 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Con số này chỉ đứng sau WaMu, công ty nắm giữ hơn 307 tỷ USD tài sản và 188 tỷ USD tiền gửi khi sụp đổ vào năm 2008.

Nhưng không giống như WaMu, phục vụ chủ yếu cho các khách hàng cá nhân, SVB chủ yếu tập trung vào các công ty. Điều đó có nghĩa là hầu hết tài khoản tiền gửi tại SVB đều vượt quá giới hạn bảo hiểm của FDIC là 250.000 USD.

Đến cuối năm 2022, SVB ước tính số tiền gửi không được bảo hiểm tại các văn phòng ở Mỹ là hơn 151 tỷ USD, chiếm khoảng 87% tổng số tiền gửi trong ngân hàng này. Trong tuyên bố cuối tuần trước, FDIC cho hay số phận của số tiền này vẫn “chưa được xác định”.

Trong khi đó, hầu hết người gửi tiền tại WaMu đều được bảo hiểm bởi FDIC. Phần tiền gửi không được bảo hiểm của ngân hàng chỉ là 45 tỷ USD, tương đương khoảng 24% tổng số tiền tại thời điểm nó sụp đổ.

Tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm lớn hơn của SVB đồng nghĩa FDIC có ít gánh nặng hơn trong việc thanh toán bảo hiểm.

Nhưng đó là tin xấu cho người gửi tiền. FDIC sẽ cần tìm người mua SVB trong những ngày tới, nếu không, một số người gửi có thể mất tiền, hoặc không thể tiếp cận với khoản tiền này trong thời gian dài khi ngân hàng ngừng hoạt động.

SVB sup do anh 3

SVB là ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ đóng cửa. Ảnh: Reuters.

Năm 2008, ngân hàng WaMu đã bị chính phủ liên bang tiếp quản do không còn khả năng thanh khoản, và sau nhanh chóng được bán cho JPMorgan Chase với giá 1,9 tỷ USD.

Điều này giúp FDIC tránh tình cảnh cạn kiệt nhiều tiền mặt trong quỹ bảo hiểm. Và cũng nhờ thỏa thuận này, khách hàng có tiền gửi không được bảo hiểm tại ngân hàng không bị mất tiền.

Với trường hợp của SVB, giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho biết vào cuối ngày 10/3 trên Twitter rằng ông “rất cởi mở với ý tưởng” mua lại ngân hàng này sau khi nó sụp đổ.

Lặp lại các vấn đề

Các quan chức liên bang hiện phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc cứu trợ những công ty kinh doanh với SVB. Nếu không có người mua nào đứng ra tiếp quản ngân hàng đang gặp khó khăn, sự thất bại của SVB có thể buộc nhiều công ty khởi nghiệp phải phá sản và thúc đẩy làn sóng sa thải nhân viên.

Washington Post đánh giá nó có thể tạo một “lỗ hổng” trong góc sáng tạo nhất của nền kinh tế Mỹ và đẩy các ngân hàng khu vực khác vào tình trạng khó khăn tương tự.

Nhưng nhiều chuyên gia ngân hàng tin rằng điều tồi tệ dường như sẽ không xảy ra, ít nhất là vào lúc này. Đó là một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn.

Dù vậy, một số nói với Washington Post rằng sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ lặp lại các vấn đề thanh khoản tương tự mà ngân hàng WaMu phải đối mặt gần 15 năm trước đó.

“Chính phủ đã hạn chế khả năng WaMu vay tiền mặt từ các Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang, dẫn đến mất khả năng thanh khoản”, Joseph Lynyak, luật sư ngân hàng tại công ty D.C. Dorsey & Whitney, người chuyên về các khoản thu của ngân hàng, cho biết.

“Trường hợp của SVB cũng vậy… Điều khá thú vị là trong hai vụ thất bại lớn nhất của lịch sử ngân hàng Mỹ, vấn đề không phải là cạn vốn mà là hết tiền mặt”, ông nói.

Rất lâu trước khi sụp đổ, WaMu đã bắt đầu, một phần, từ ngọn lửa. Nó được thành lập với tên gọi Hiệp hội Đầu tư và Cho vay Xây dựng Quốc gia Washington vào năm 1889, sau trận Đại hỏa hoạn Seattle tàn phá phần lớn khu kinh doanh của thành phố Tây Bắc Thái Bình Dương.

Ngân hàng đổi tên vào năm 1917, sống sót qua cuộc Đại khủng hoảng và cuối cùng mở rộng khắp đất nước, từ Bờ Tây đến New York. Ngân hàng được lòng khách hàng nhờ khẩu hiệu lấy gia đình làm trung tâm - “Người bạn của gia đình” - và những quảng cáo kỳ quặc.

SVB sup do anh 4

SVB được coi là đơn vị cho vay hàng đầu đối với các startup công nghệ. Ảnh: New York Times.

Điều này liên quan đến việc giám đốc điều hành của ngân hàng Kerry Killinger, vào đầu những năm 2000, thúc ép các đại lý bơm khoản vay cho người dân bất kể thu nhập và tài sản của họ, theo New York Times.

Trong quá trình này, WaMu muốn định hình điều mà Bloomberg mô tả là “Walmart của tài chính tiêu dùng”.

“Chúng tôi hy vọng sẽ làm được với ngành này những gì Walmart, Starbucks, Costco và Lowe's-Home Depot đã làm với ngành của họ”, Killinger nói vào năm 2003. “Và tôi nghĩ nếu chúng tôi hoàn thành công việc của mình, thì 5 năm nữa bạn sẽ không còn gọi chúng tôi là ngân hàng”.

5 năm sau, hóa ra Killinger đã đúng: Không còn ai gọi WaMu là ngân hàng nữa.

Sự sụp đổ của WaMu, cũng như các ngân hàng đầu tư Lehman Brothers và Bear Stearns sau đó kéo theo hiệu ứng domino, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính.

Gần 15 năm sau, một số doanh nghiệp công nghệ đang tự hỏi họ sẽ trả lương cho nhân viên như thế nào vào tuần tới sau khi SVB đóng cửa.

Jay R. Ritter, giáo sư tài chính tại Đại học Florida, nói rằng những lo ngại trong tuần này khác xa tình cảnh của năm 2008 với các khoản vay thế chấp dưới chuẩn và người dân chi tiêu vượt quá khả năng.

Đồng nhận định, giáo sư Kenneth Rogoff, chuyên gia kinh tế và chính sách công tại Đại học Harvard, chia sẻ còn quá sớm để thảo luận liệu sự sụp đổ của SVB có thể dẫn đến vấn đề mang tính hệ thống hay không, nhưng nền kinh tế đang ở vị thế mạnh hơn đáng kể so với năm 2008.

Rogoff cho biết ông tin tưởng chính phủ sẽ tránh được “sự sụp đổ hoàn toàn của các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon”, nhưng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra sau vụ phá sản ngân hàng lớn mới nhất ở Mỹ.

“Có vẻ như đây là một khoảnh khắc lo lắng, hy vọng là có thể kiểm soát được”, Rogoff nói. “Nhưng thật khó để biết”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 12/3 cho biết chính phủ liên bang sẽ không bảo lãnh cho ngân hàng Silicon Valley, nhưng đang tìm cách giúp đỡ những cá nhân gửi tiền.

Bà nhấn mạnh tình hình hiện khác nhiều so với cuộc khủng hoảng cách đây gần 15 năm, khi chính phủ phải cứu trợ ngân hàng để bảo vệ toàn ngành tài chính, AP đưa tin.

Bà đã trấn an người Mỹ rằng sẽ không có hiệu ứng domino sau khi SVB phá sản. “Hệ thống ngân hàng Mỹ thực sự an toàn và được vốn hóa tốt”, bà nói.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

HSBC mua lại ngân hàng SVB ở Anh với giá một bảng

Ngân hàng HSBC ngày 13/3 đã mua lại chi nhánh của ngân hàng Silicon Valley ở Anh (SVB UK) với giá một bảng, sau ngày cuối tuần cạnh tranh với nhiều đối thủ.

Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley trong 4 biểu đồ

Vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ xảy ra sau làn sóng rút tiền ồ ạt của người gửi tiền vào đầu tháng 3.

Minh An

Bạn có thể quan tâm