“Chính những thay đổi nhỏ khiến tôi quyết định xem lại một vở nhạc kịch. Càng xem, tôi càng mê", Shin Jeong Won, 26 tuổi, sinh viên năm 4 nói với The Korea JoongAng Daily. Shin Jeong Won đã xem vở nhạc kịch The Devil tổng cộng 41 lần từ năm 2017.
Duy trì ngành công nghiệp sân khấu, âm nhạc địa phương trong bối cảnh đại dịch toàn cầu chính là những người như Shin Jeong Won.
Tương lai tươi sáng của ngành công nghiệp giải trí
Theo Hệ thống thông tin phòng vé nghệ thuật biểu diễn Hàn Quốc (Kopis), khoảng 70 buổi biểu diễn đã mở cửa vào tháng 3/2020, hai tháng sau khi Covid-19 tấn công. So với con số 380 trong cùng thời điểm năm trước, số lượng suất chiếu đã giảm đáng kể. Nhưng điều đáng chú ý là ngành công nghiệp không hoàn toàn đóng cửa.
Một số ít vở diễn tiếp tục diễn ra, thậm chí đạt tỷ lệ người xem cao. Theo EMK Musical Company, trung bình 92% trong tổng số 1.255 chỗ ngồi ở các vở nhạc kịch Rebecca hồi tháng 2/2020 được lấp đầy. Dracula: The Musical khởi chiếu ngày 11/2/2020 cũng lấp đầy 95% số ghế.
Noh Min Ji - Giám đốc PR tại công ty sản xuất âm nhạc S&CO - cho biết: “Trước khi Covid-19 bùng phát, ngành công nghiệp âm nhạc địa phương chứng kiến sự gia tăng khán giả ở độ tuổi 50 và 60. Tuy nhiên, con số đó đã giảm mạnh. Khán giả đã kết hôn ở độ tuổi 30 và 40 - những người thường đến xem cùng vợ/chồng và con cái của họ cũng giảm”.
Tiffany (SNSD) trình diễn trong một vở nhạc kịch. |
Do đó, khán giả ở độ tuổi 20 là những người góp phần quan trọng lấp đầy lượng ghế trong các suất chiếu hay sự kiện âm nhạc, đặc biệt sau Covid-19. Theo nghiên cứu nhân khẩu học mới nhất của công ty đặt vé địa phương Interpark vào năm 2021, hơn một nửa khán giả là phụ nữ ở độ tuổi 20. Người xem nhạc kịch ở Hàn Quốc tương đối trẻ so với các quốc gia khác.
Phó chủ tịch Công ty Nhạc kịch EMK Kim Ji Won cho biết, tỷ lệ khán giả trẻ cao của Hàn Quốc là một kỳ tích mà các quốc gia khác phải ngưỡng mộ.
“Khán giả trẻ về cơ bản chỉ ra một tương lai tươi sáng hơn cho ngành công nghiệp. Vì một khi ai đó được tiếp xúc với sân khấu trực tiếp, họ có nhiều khả năng tham gia các buổi biểu diễn thường xuyên trong suốt cuộc đời và sau đó, đưa con họ đến các buổi biểu diễn”, Kim Ji Won nói với Korea JoongAng Daily.
Theo dữ liệu mới nhất của Broadway League - hiệp hội thương mại Mỹ về ngành công nghiệp Broadway - độ tuổi trung bình của khán giả đến rạp trong năm 2018-2019 là 42,3. Mức trung bình dao động trong khoảng từ 40 đến 45 tuổi trong hai thập kỷ qua.
Theo Kim Ji Won, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với tình trạng lượng người xem già đi vì phần lớn khán giả của họ gồm những người ở độ tuổi 50 và 60.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Interpark vào tháng 1, 937 hoặc 50% trong số 1.884 khán giả đến rạp hát trả lời họ có kế hoạch xem cùng một vở kịch từ 4 đến 10 lần.
Người Hàn Quốc gọi hành động xem một vở kịch nhiều lần là “xem thứ n”, mượn biến “n” trong toán học để biểu thị số lượt xem không xác định.
“Đêm khai mạc đầy điên cuồng và phấn khích trong khi đêm khép lại thêm phần xúc động khi ê-kíp gửi lời chào tạm biệt đến khán giả, đồng nghiệp cũng như những nhân vật mà họ đã đóng trong vài tháng. Việc sản xuất một vở diễn là cả hành trình mà ê-kíp và những người hâm mộ cùng nhau trải qua một cách cuồng nhiệt”, Kim Ji Won nhận định.
Vai trò của ngôi sao Kpop
Lee Ji Yeon - 30 tuổi, một người hâm mộ tận tụy của các vở nhạc kịch địa phương - cho biết lần đầu tiên cô trải nghiệm thể loại này là cách đây 4 năm khi ca sĩ yêu thích của cô là Park Hyo Shin đảm nhận vai chính trong vở nhạc kịch The Man Who Laughs.
Park Hyo Shin là ca sĩ ballad nổi tiếng, được yêu thích nhờ bản làm lại của bài hát tiếng Nhật Snow's Flower. “Park Hyo Shin là một hiện tượng trong vở diễn, nhưng các diễn viên khác cũng vậy, ánh sáng, dàn dựng và câu chuyện đều tốt. Tôi đã xem The Man Who Laughs thêm hai lần sau đó và trở thành khán giả thường xuyên của rạp kể từ đó”, Lee Ji Yeon nhớ lại.
Noh Min Ji từ S&CO nói có rất nhiều người giống Lee Ji Yeon. Họ là những người bị thu hút bởi vở nhạc kịch thông qua các ngôi sao Kpop.
Noh Min Ji cho biết: “Những ngôi sao như Park Hyo Sin hay Kim Jun Su (cựu thành viên nhóm nhạc nam JYJ và TVXQ) thu hút nhiều khán giả mới đến với nhạc kịch bởi họ có lượng lớn người hâm mộ.
Trước đây, có nhiều lời chỉ trích về việc các ngôi sao Kpop diễn xuất nhạc kịch. Nhưng quan điểm đó thay đổi khi mọi người nhận ra tầm quan trọng của lượng người hâm mộ trung thành và tận tâm đối với một vở nhạc kịch, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Junsu đảm nhận vai nam chính trong nhiều vở nhạc kịch. |
Đặc điểm chung của những người hâm mộ cuồng nhiệt là họ đi xem nhạc kịch một mình. Theo một nghiên cứu năm 2018 của Interpark, lượng khán giả đến nhà hát một mình tăng từ 11% năm 2005 lên 46% năm 2018.
Lee Ji Yeon nói cô ấy đi xem nhạc kịch một mình vì không muốn tạo gánh nặng cho bạn bè. Xem nhạc kịch là một sở thích đắt tiền mà bạn bè không sẵn sàng san sẻ.
“Trước đây tôi thường tự giác đi xem các buổi biểu diễn một mình, nhưng bây giờ, tôi hoàn toàn thoải mái với việc đó. Nhờ thế, tôi tập trung vào nội dung vở diễn hơn”, Lee Ji Yeon chia sẻ.
Lee Ji Yeon cho biết cô dành khoảng 35% thu nhập hàng tháng để xem nhạc kịch. Lee Ji Yeon nói: “Một số người chỉ trích tôi vì đã tiêu quá nhiều tiền và những người khác nghĩ tôi giàu có. Nhưng đây là những lời nhận xét không công bằng được đưa ra về những người như tôi. Tôi làm việc trong nhóm tiếp thị của một công ty cỡ vừa. Nhạc kịch là ưu tiên của tôi”.
Shin Jeong Won cho biết cô thường đi xem nhạc kịch với những người có chung sở thích mà cô quen trên mạng xã hội. “Tôi từng đi một mình cho đến khi gặp những người bạn trên mạng xã hội có cùng sở thích với tôi”, cô ấy nói.
Hàn Quốc có cộng đồng sân khấu trực tuyến rất tích cực, nơi người hâm mộ đăng bài đánh giá chi tiết về các vở diễn mỗi đêm và trực tiếp giao tiếp với diễn viên.
Trước năm 2020, nhiều diễn viên nhạc kịch tổ chức các cuộc gặp gỡ ngắn sau mỗi buổi diễn để nhận quà, chụp ảnh và trò chuyện với người hâm mộ trung thành.