Ðược xây dựng trên một rạn san hô chỉ cao hơn 1,6 m so với mực nước biển, Nan Madol là một loạt 92 hòn đảo nhân tạo hình chữ nhật và những tòa tháp khổng lồ. Nguồn: nauticareport. |
Cách ruộng bậc thang Banaue khoảng 2.820 km về phía đông, cách New Guinea 1.610 km về phía bắc và cách Nhật Bản 3.703 km về phía nam là một hòn đảo nhỏ ít người biết đến, mang tên Pohnpei.
Theo lời của David Childress, ngoài khơi bờ biển phía bắc của Pohnpei, từng tồn tại một dự án “có quy mô khổng lồ đến mức nó có thể sánh ngang với việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc và Ðại Kim tự tháp của Ai Cập về số lượng đá và nhân công được sử dụng, cùng diện tích khổng lồ của công trường xây dựng”.
Childress không hề cường điệu khi so sánh với Ðại kim tự tháp của Ai Cập vì một số khối đá để xây công trình Nan Madol, còn tồn tại đến nay, có kích thước lớn hơn và nặng hơn bất kì khối nào trong số hai triệu khối đá của Kim tự tháp Khufu.
Ðược xây dựng trên một rạn san hô chỉ cao hơn 1,6 m so với mực nước biển, Nan Madol là một loạt 92 hòn đảo nhân tạo hình chữ nhật và những tòa tháp khổng lồ nằm trong khu vực trung tâm rộng 2,6 km2. Các đảo nhân tạo được kết nối với nhau bằng một mạng lưới kênh rạch trải rộng, mỗi kênh có chiều ngang 9 m và sâu hơn 1,3 m khi thủy triều lên. Ðiều đáng kinh ngạc nhất là, thành phố kì lạ này được xây dựng từ 250 triệu tấn đá bazan hình lăng trụ trải rộng trên 70 ha.
Những cư dân Micronesia bản địa của Pohnpei không có ý niệm gì về tổ tiên của một công trình khổng lồ như vậy. Theo họ, công trình được tạo ra bởi một cặp phù thủy nước ngoài tên là Olisihpa và Olosohpa, những người đã thả một khối lượng đá khổng lồ từ trên không trung xuống biển - một phép thuật họ học được ở quê hương Kanamwayso, trước khi nơi đó bị nhấn chìm bởi một thảm họa khủng khiếp.
Khoảng từ bốn đến năm triệu cột đá đã được sử dụng để xây dựng đô thị thời tiền sử trên quần đảo Caroline này. Các cột hình lăng trụ này thường có chiều cao từ 3 đến 3,7 m, mặc dù nhiều cột lên tới 8 m, với trọng lượng trung bình 5 tấn mỗi cột, thậm chí các mẫu vật nặng hơn có trọng lượng lên đến 20 hoặc 25 tấn mỗi mẫu.
Nan Madol ban đầu được bao quanh bằng một bức tường cao 5 m, dài 857 m, và một số thành lũy hiện vẫn tồn tại dày hơn 4 m. Một tháp không cửa sổ hình vuông, cao, rỗng có tên là Nan Dowas bao gồm các cột đá bazan dài 5 m màu đen hình lục giác, nằm ngang giữa các tảng đá cắt thô và phiến đá nhỏ hơn. Phía đông nam của tòa tháp này là khối đá lớn nhất của thành phố, một khối đá góc cạnh duy nhất nặng ít nhất 60 tấn. Dù nặng như vậy nhưng nó vẫn được nâng lên, sau đó được các nhà xây dựng cổ đại đặt trên một bệ đá chôn vùi xuống đất.
Người ta ước tính rằng cần 20.000 đến 50.000 công nhân xây dựng để hoàn thiện Nan Madol, một công trình hoàn toàn trái ngược với dân số bản địa của vùng Pohnpei nhỏ bé là 2.000 người. Các cột đá bazan từ hóa, nặng 5 đến 25 tấn của nó, được nâng lên độ cao hơn 13 m, và các khối đá khổng lồ được sắp đặt hoàn hảo về mặt thiên văn học giống như Stonehenge, đều được cho là do các “phù thủy” cổ đại (Olisihpa tạo ra Nan Madol và Merlin tạo ra Stonehenge) dùng phép thuật đặt vào đúng vị trí.
Cả hai địa điểm đều đại diện cho các vương quốc hùng mạnh ở nước ngoài, theo truyền thuyết của người Micronesia và người Celt. Những huyền thoại ca ngợi sức mạnh của những vị thần đã nâng những tảng đá khổng lồ, xuất hiện khắp hành tinh của chúng ta. Ví dụ khi xây dựng thành phố Thebes, Amphion nâng các khối đá khổng lồ lên và cố định chúng vào vị trí bằng âm thanh của chiếc đàn lia. Cũng như vậy, truyền thuyết của người da đỏ Ho-Chunk ở Bắc Mỹ kể lại rằng các kim tự tháp ở đáy Hồ Rock của Wisconsin được xây dựng nhờ sức mạnh của bài đồng ca.
Những công trình xây dựng khác còn sót lại của người Lemuria, chẳng hạn như tượng moai nặng 100 tấn của Ðảo Phục sinh, cổng san hô 105 tấn của Tonga hay con hào Menehune cao 7 m của hẻm núi Waimea ở hòn đảo Kauai của Hawaii, tất cả đều nói lên rằng các tộc người liên quan đến các công trình nói trên có kĩ năng nhuần nhuyễn trong việc cắt và xếp những viên đá khổng lồ theo các tiêu chuẩn cao về kiến trúc và thẩm mỹ.
Trong mỗi trường hợp, những kiệt tác phi thường như vậy được giải thích trong những câu chuyện ngụ ngôn bản địa là thành tựu của các “thầy phù thủy”, các vị thần hoặc các anh hùng từ một số vương quốc hùng mạnh mà giờ đây đã bị nhấn chìm dưới biển.