Khi tuyển Việt Nam gặp Afghanistan trong trận giao hữu vào tối 1/6, người có nhiều kỷ niệm nhất có lẽ là Văn Toàn. Tiền đạo sinh năm 1996 là cầu thủ Việt Nam gần nhất ghi bàn vào lưới đối thủ ở vòng loại Asian Cup 2019 tháng 3/2017. Khi đó, ông Nguyễn Hữu Thắng là người dẫn dắt tuyển Việt Nam trước khi HLV Park Hang-seo đến vào tháng 10/2017.
Văn Toàn đánh đầu cận thành sau khi thủ môn đội bạn đỡ bóng bật ra từ cú sút phạt của Công Phượng. Bàn mở tỷ số cũng mở ra cơ hội giành chiến thắng cho tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, họ chỉ bảo vệ được cách biệt mong manh này trong 7 phút trước khi Hassan Amin gỡ hòa. Văn Toàn đã rất vui với bàn thắng thứ 4 cho tuyển Việt Nam.
Văn Toàn chưa thể vượt qua cột mốc hơn 5 năm chưa ghi bàn cho tuyển Việt Nam. Ảnh: FAT. |
Gặp lại Afghanistan sau hơn 5 năm cũng là quãng thời gian gắn liền với sự im lặng của Văn Toàn trên đội tuyển. Chân sút 24 tuổi không thể tìm được bàn thắng thứ 5 trong suốt khoảng thời gian qua. Cầu thủ quê Hải Dương vẫn được triệu tập, vẫn tập luyện, vẫn ra sân nhưng đã không còn được thi đấu nhiều như trước đây.
Tính từ trận hòa 1-1 với Afghanistan ngày 28/3/2017, Văn Toàn đã ra sân 29 trận cho tuyển Việt Nam dưới thời ông Park nhưng không có bàn thắng nào. HLV người Hàn Quốc cũng mở đầu sự nghiệp của mình tại Việt Nam bằng trận gặp Afghanistan ở lượt về. Ông ra mắt bằng một kết quả hòa không bàn thắng vào ngày 14/11/2017.
Văn Toàn từng không phải là lựa chọn hàng đầu của ông Park trong thời gian AFF Cup 2018. Nhưng đến vòng loại World Cup 2022 diễn ra vào giai đoạn cuối năm 2019, chân sút này được đá chính liên tục 6 trận. Ấy là thời điểm vàng cho Toàn chứng tỏ giá trị nhưng rồi cơ hội đó trôi qua. Đến khi HLV Park có khuynh hướng dùng một tiền đạo cắm thì cầu thủ HAGL gần như chỉ là phương án thứ yếu.
Hiệu suất của Văn Toàn ở đội tuyển Việt Nam là rất thấp. Anh sở hữu tốc độ cao và khả năng pressing ấn tượng. Vũ khí này là điều duy nhất khiến Văn Toàn còn giá trị. HLV Park vẫn thường tung anh vào sân ở những thời điểm phù hợp để tận dụng thể lực và tốc độ của cầu thủ này. Dẫu vậy, bàn thắng vẫn là điều Toàn còn thiếu.
Tuy nhiên, khán giả và đặc biệt là những người yêu mến Văn Toàn có quyền kỳ vọng ở trận Việt Nam gặp Afghanistan. Cơ sở đó đến từ phong độ của cầu thủ này sau vòng bảng AFC Champions League 2022 cùng HAGL cũng trên sân Thống Nhất. Cái tên Văn Toàn nổi bật ngay cả với HLV các đội Yokohama F.Marinos hay Jeonbuk Motors.
Phong độ của Văn Toàn ở AFC Champions League 2022 vừa qua là rất tốt. Anh cần một bàn thắng trên tuyển Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh. |
Văn Toàn chơi đủ 6 trận với 540 phút và ghi một bàn cho HAGL ở AFC Champions League. Quan trọng hơn, anh là nguồn cảm hứng thi đấu cho các đồng đội. Năng lượng tích cực từ cầu thủ này tỏa ra khiến HLV Kiatisuk Senamuang phải dành lời khen ngợi.
Thế nhưng nhà cầm quân người Thái Lan không quên chỉ ra điểm cốt lõi khiến Văn Toàn nhiều khi tự hại mình. Điểm mạnh và yếu của anh đều là tốc độ. Bởi ở nhiều tình huống, việc Văn Toàn xuất phát quá nhanh khiến anh bị phạt việt vị và lỡ mất thời cơ. Vì quá nhanh mà cầu thủ này thường ngã ngay xuống khi có va chạm nhẹ. Đã nhiều lần, trọng tài thổi phạt vì cho rằng Văn Toàn ăn vạ.
Văn Toàn là mẫu cầu thủ chơi bóng rất vô tư và nhiệt huyết. Anh thường để cảm xúc chi phối nên đôi khi không giữ được phong độ kéo dài. Mùa 2021 khi Kiatisuk trở lại HAGL, Văn Toàn thi đấu như "lên đồng". Anh ghi 7 bàn sau 12 trận ở lượt đi. Giải đấu năm đó bị hủy và khi mùa giải năm nay trở lại, HAGL đã không còn một Văn Toàn có điểm rơi phong độ cao nữa. Anh chưa ghi bàn nào sau 4 vòng.
So với các cầu thủ HAGL, Văn Toàn là người lên tuyển thường xuyên nhất. Anh không vướng bận chuyện con cái như Công Phượng hay lập gia đình như Xuân Trường, cũng không dính chấn thương như Minh Vương, Tuấn Anh. Vậy mà bàn thắng cứ lẩn trốn chân sút sinh năm 1996. Ký ức về tuyển Afghanistan cũng là hoài niệm dai dẳng hơn 5 năm về bàn thắng anh ghi được cho tuyển Việt Nam.