Bỏ lại hào quang quá khứ, HLV Shin Tae-yong, người từng dẫn dắt tuyển Hàn Quốc thắng Đức ở World Cup 2018, quyết định đến Indonesia sau những thành công liên tiếp của người tiền bối Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam. Sau 2 năm, HLV Shin đang biến Indonesia trở thành một thế lực mới của bóng đá Đông Nam Á khi giành ngôi á quân AFF Cup 2020 và HCĐ SEA Games 31.
Nhưng Indonesia vẫn chưa thắng được các đội tuyển Việt Nam của thầy Park nên HLV Shin chưa thực sự hạnh phúc. Sau SEA Games 31, Zing có cuộc phỏng vấn với chiến lược gia này trước khi ông trở lại Indonesia để cùng tuyển quốc gia nước này dự vòng loại Asian Cup 2023.
HLV Shin Tae-yong giúp tuyển Indonesia giành ngôi á quân AFF Cup 2020 trước khi cùng U23 Indonesia mang về tấm HCĐ SEA Games 31. Ảnh: Chí Hùng. |
Tôi với HLV Park không còn thân nhau nữa
- Xin chào HLV Shin Tae-yong. Cảm xúc của ông thời gian này thế nào sau khi cùng U23 Indonesia giành HCĐ SEA Games?
- HLV Shin Tae-yong: Chúng tôi đến đây để giành huy chương vàng nhưng lại chỉ có huy chương đồng. Điều đó khiến tôi có hơi thất vọng. Nhưng dù sao, các cầu thủ đã thi đấu hết khả năng. Tôi có thể thấy họ sẽ còn tiến bộ hơn trong tương lai.
- Ông nghĩ sao khi người đồng nghiệp Park Hang-seo giành huy chương vàng SEA Games thứ hai?
- Tôi xin chúc mừng ông Park. Dù khó khăn nhưng ông ấy vẫn tái lập được thành tích 3 năm trước. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng tôi đã kỳ vọng nhiều hơn vào U23 Việt Nam. Tôi muốn thấy họ chơi tấn công nhiều hơn là phòng ngự.
Tôi chúc mừng U23 Việt Nam khi giành danh hiệu cao nhất mà không để thủng lưới bàn nào. Nhưng U23 Việt Nam thường thắng với tỷ số 1-0 theo kịch bản dựng xe buýt rồi ghi 1 bàn. Nếu tiếp tục như vậy, họ sẽ không thể giúp bóng đá Việt Nam phát triển. U23 Việt Nam không nên chỉ biết phòng ngự mà còn cần phải tấn công nữa. Vừa phòng ngự chắc, vừa tấn công có bàn thắng là cách giúp Việt Nam phát triển bền vững.
- Từ khi ông xuất hiện, bóng đá Đông Nam Á sôi động hơn hẳn. Hôm nay, tôi muốn tìm hiểu về mối quan hệ đối thủ giữa ông và HLV Park Hang-seo.
- Tôi gặp HLV Park lần đầu năm 1992 khi mới được gọi lên tuyển quốc gia Hàn Quốc. Khi đó, HLV Park với tôi là thầy trò. Sau này ở K League 1, chúng tôi là đồng nghiệp.
Khi sang Đông Nam Á, tôi không biết nhiều về mối quan hệ kình địch giữa Việt Nam với Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Tôi nghĩ sự cạnh tranh giữa các đội tuyển trong khu vực là điều tốt và nó là một phần của sự phát triển chung giữa các nền bóng đá.
Tôi tin Việt Nam giờ đang dẫn đầu Đông Nam Á với màn trình diễn ấn tượng thời gian qua. Tuy nhiên, Indonesia đang đi đúng lộ trình phát triển và nếu có sự đầu tư tốt hơn ở cấp đội tuyển và giải quốc nội, bóng đá Indonesia sẽ thành công hơn.
- Sự cạnh tranh đó có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa ông và HLV Park không? Tình bạn giữa ông và ông ấy ra sao? Hai người thân nhau như thế nào?
- Nói thật là tôi thấy không thoải mái lắm khi nói về chuyện này.
- Nhưng tôi nhớ là trước đây ông và HLV Park có vẻ chơi rất thân với nhau. Tôi thậm chí đã xem được rất nhiều bức ảnh chung của hai người khi còn làm việc ở K League 1 trên báo chí Hàn Quốc.
- Đúng là chúng tôi từng rất thân với nhau. Nhưng từ khi ông Park sang Việt Nam và trở thành người hùng ở đó, không hiểu sao chúng tôi chẳng còn thân nhau như trước nữa.
HLV Shin Tae-yong và Park Hang-seo từng rất thân nhau khi còn ở Hàn Quốc. |
Tại sao tôi phải ghen tị với ông Park?
- Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ ngày HLV Park đến Việt Nam rồi thành công gần như ngay lập tức ở giải U23 châu Á 2018? Ông đánh giá sao về bước ngoặt đó?
- Tôi nghĩ ông ấy đơn giản chỉ là gặp may mà thôi.
- Ông ghen tị với HLV Park ư?
- Ghen tị? Tôi là người đưa U23 Hàn Quốc giành vé dự Olympic, là người dẫn dắt tuyển quốc gia Hàn Quốc tranh tài ở World Cup, tại sao tôi phải ghen tị?
Tôi nói với bạn chuyện đó không phải để khoe khoang quá khứ, chỉ đơn giản là tôi không hề ghen tị khi có người gặt hái thành công hơn mình trong hiện tại.
- Vậy tại sao một HLV đẳng cấp World Cup, từng rất thành công với tuyển Hàn Quốc lại quyết định bỏ lại tất cả để đến Indonesia, một quốc gia Đông Nam Á?
- Trước khi sang Indonesia, tôi đã nhận được rất nhiều đề nghị hấp dẫn với mức đãi ngộ khổng lồ từ Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, điều gì đó trong tôi đã thôi thúc tôi phải đến Indonesia. Tôi biết đây là một thử thách không đơn giản. Nhưng tôi là người thích thử thách bản thân và tôi tin mình có đủ khả năng để đạt được thành công.
Tôi là người như vậy đấy. Không phải tôi không thích những nơi tốt hơn, chỉ đơn giản là tôi khao khát làm được điều gì đó cho một nền bóng đá như Indonesia.
- Khó khăn lớn nhất khi làm việc với các đội tuyển Indonesia là gì thưa ông?
- Đó là việc các cầu thủ không có sự khao khát và quyết tâm chiến đấu đến mức sẵn sàng hy sinh như cầu thủ Việt Nam. Thế nên tôi đã loại bỏ gần như toàn bộ đội tuyển và thay thế họ bằng lứa cầu thủ mới trẻ trung hơn.
- Thời điểm đó, ông có nghĩ đó là quyết định mạo hiểm không? Ông có sợ mình sẽ thất bại với ý tưởng thay đội tuyển quốc gia bằng những cầu thủ mới 20 tuổi không?
- Có chứ. Tôi biết đó là quyết định mạo hiểm và đã phải nhận những thất bại đầu tiên. Tuy nhiên, đó là sự đánh đổi cần thiết. Với lứa cầu thủ hiện tại, tôi đã và đang thay đổi họ theo hướng tốt hơn và tôi tin họ sẽ mang đến tương lai tươi đẹp cho bóng đá Indonesia.
- Ông đã thay đổi đáng kể bộ mặt của bóng đá Indonesia chỉ trong 2 năm. Nhưng có vẻ những thành tích vừa qua (á quân AFF Cup, HCĐ SEA Games) chưa khiến ông thực sự hài lòng?
- Đừng nghĩ chỉ thay HLV mới là một đội bóng sẽ gặt hái thành công ngay lập tức. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thành công của đội bóng. Với nền bóng đá Indonesia, tôi chọn cách thay đội tuyển bằng lứa cầu thủ mới, trẻ trung để uốn nắn họ phát triển theo cách mà tôi muốn.
Đương nhiên, chuyện đó không hề dễ dàng và không thể mang lại kết quả ngay lập tức vì phương pháp của tôi cần thời gian. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng đó là hướng đi đúng đắn nhất. Thà rằng chọn con đường chậm để phát triển bền vững còn hơn giành được thành công tức thì nhưng không duy trì được trong dài hạn.
- Ông có nghĩ mình đến Indonesia sai thời điểm không? Bóng đá Indonesia trước khi có ông đã ở dưới đáy của sự thất vọng.
- Đúng. Có thể tôi đã đưa ra quyết định vào thời điểm bóng đá Indonesia khó khăn nhất. Tuy nhiên, nơi đây vẫn có những cầu thủ tốt và tôi tin họ còn có thể tiến bộ hơn nữa. Tôi đang chứng kiến sự trưởng thành của các cầu thủ qua từng giải đấu. Thành bại sau này ra sao là trách nhiệm của tôi chứ không hẳn do xuất phát điểm của nền bóng đá lúc tôi đến.
U23 Indonesia thua 0-3 trước U23 Việt Nam ngày ra quân SEA Games 31. Ảnh: Y Kiện. |
Một ngày nào đó, Indonesia sẽ đánh bại Việt Nam
- Ông có thể chia sẻ về lần đối đầu gần nhất giữa ông và HLV Park, trận U23 Việt Nam thắng Indonesia 3-0 ở vòng bảng SEA Games 31. Tại sao ông vẫn tiếp tục thua ông ấy?
- Đúng là U23 Indonesia đã thua toàn diện trước U23 Việt Nam ở trận ra quân. Nói là tôi tìm lý do để đổ lỗi cũng được nhưng xin lỗi nếu điều tôi nói có động chạm đến giải đấu và ban tổ chức. Tôi muốn nói rằng trước trận đấu này, chúng tôi đã bị đối xử không công bằng.
Một ngày trước trận, chúng tôi được bố trí tập ở một sân vận động tệ hại. Nó nhỏ hơn hẳn so với tiêu chuẩn. Sau rất nhiều năm cầm quân ở các giải quốc tế, lần đầu tiên trong sự nghiệp huấn luyện tôi đối mặt với chuyện này. Thế nên tôi thấy không công bằng nếu đặt U23 Indonesia và U23 Việt Nam lên bàn cân để so sánh chuyên môn.
Tôi ước lần tới gặp Việt Nam, chúng tôi sẽ được đối xử công bằng hơn. Tôi muốn nói thêm về chi tiết trọng tài. Ở bàn thua đầu tiên, đội chủ nhà đã việt vị. Tôi biết nói những điều này bây giờ là vô nghĩa. Tôi không muốn đổ lỗi, bào chữa vì chẳng thể thay đổi được gì, chỉ đơn giản là tôi muốn nhấn mạnh những lợi thế của đội chủ nhà mà thôi.
U23 Indonesia xứng đáng có kết quả tốt hơn những gì họ phải nhận ở trận đó. Dù thua nhưng tôi hy vọng một ngày nào đó, chúng tôi sẽ đánh bại Việt Nam. U23 Việt Nam thắng trận này vì trong tay tôi không phải đội hình mạnh nhất. Tôi đã không thể gọi những cầu thủ tốt nhất mà tôi muốn như Elkan Baggott hay Pratama Arhan. Nhưng lần gặp nhau tới, hãy chờ xem.
- Là người hâm mộ cả hai đội Indonesia lẫn Việt Nam, tôi thấy thật tiếc khi ông và các học trò đã không có một màn so tài sòng phẳng như ông nói. Ông có thấy U23 Việt Nam xứng đáng với tấm huy chương vàng không?
- Về tấm huy chương vàng của U23 Việt Nam, tôi không có tư cách gì để đánh giá họ xứng đáng hay không vì dù sao họ cũng đã chiến thắng. Tuy nhiên ngoại trừ trận thắng 3-0 trước U23 Indonesia, U23 Việt Nam thắng các đội khác dù mạnh yếu cũng chỉ 1-0. Tôi thấy đáng ra họ phải thắng với cách biệt lớn hơn. Dù sao họ cũng là nhà vô địch rồi.
- Đây là kỳ SEA Games cuối của thầy Park với đội U23. Trong tương lai không xa, có thể ông ấy cũng sẽ chia tay đội tuyển Việt Nam. Ông có tin HLV Park có thể quay lại Hàn Quốc và gặt hái thành công?
- Đoán được tương lai của các HLV là điều không thể. Nhìn vào quá khứ của HLV Park, tôi thấy ông ấy cũng khá thành công khi dẫn dắt các đội ở K League 1. Sau khi giúp Changwon City thăng hạng, HLV Park sang Việt Nam và đã mở ra chương mới trong sự nghiệp.
- Ông có thể chia sẻ một chút về tân HLV trưởng U23 Việt Nam Gong Oh-kyun không? Tôi biết ông ấy từng là trợ lý của ông khi mới đến Indonesia.
- Tôi biết Gong rất rõ vì chúng tôi là bạn bè. Hy vọng ông ấy sẽ làm tốt trong vai trò mới. Tôi nghĩ sẽ không phải cho lắm nếu đánh giá tân HLV của một đội tuyển quốc gia ngay khi người đó mới nhậm chức. Tôi chỉ có thể đánh giá ông ấy là người có năng lực. Hy vọng ông ấy sẽ thành công.
- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện.