Bình luận
Bùi Thúy Thu Thủy là một trong những nữ xạ thủ hàng đầu của bắn súng Việt Nam ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ. Năm 2017, khi mới 15 tuổi, Thu Thủy gây tiếng vang với tấm HCV giải vô địch Đông Nam Á và phá kỷ lục bằng số điểm 379 (bắn 40 viên). Cũng trong năm đó, Thủy lần đầu được triệu tập lên tuyển quốc gia.
Hơn 3 năm "ăn cơm tuyển", Thủy đang hướng tới những mục tiêu cao hơn như tấm HCV SEA Games hay giành vé dự Thế vận hội. Cô gái 18 tuổi với nhiều đam mê và hoài bão sẽ phải cân bằng cả việc tập luyện, thi đấu và học tập, sau khi thi đỗ khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm 26,25.
Không thể nhớ hết các kỷ lục bản thân từng phá
"Tôi không nhớ rõ nữa, chỉ nhớ vài cái thôi, bởi cứ hết năm này qua năm khác, mọi người không bắn đến thì tôi lại tự phá của mình...", Thu Thủy chia sẻ với Zing khi được hỏi về các kỷ lục bắn súng trong khoảng 7 năm theo nghề.
Thu Thủy không phải con nhà nòi thể thao, nhưng biết đến bắn súng từ khá sớm bởi anh trai từng là xạ thủ của đoàn Hà Nội. Cô bắt đầu làm quen với khẩu súng từ lúc 11 tuổi (hè năm 2013).
"Lúc đầu, nhìn anh trai bắn, tôi nghĩ chắc cũng nhàn, việc tập cũng không có gì quá khó khăn. Nhưng sau này mình mới biết hóa ra không phải như thế. Lúc tập, mình mới hiểu trọng lượng của khẩu súng không nhẹ như mình nghĩ", Thu Thủy nhớ lại những ngày đầu theo học bắn súng.
"Nhiều khi, mọi người nhìn vào, thấy chúng tôi chỉ có một động tác vậy thôi, nhưng họ không biết ở trong đó, chúng tôi phải suy nghĩ, sử dụng đầu óc, rồi thần kinh vừa chịu áp lực xung quanh, áp lực thành tích huy chương... Nếu muốn biết bắn súng hay như thế nào, mọi người chắc phải tự trải nghiệm, chứ chỉ nhìn thì không ra được vấn đề gì".
Sau gần 4 năm ăn tập, Thủy bắt đầu chinh phục các giải trong nước và quốc tế. Năm 2017, Thủy giành tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ tại giải vô địch Đông Nam Á ở Malaysia, với số điểm 379, phá kỷ lục giải.
Bộ sưu tập huy chương của Thu Thủy trong năm 2020. Ảnh: NVCC. |
Năm 2019, Thủy phá kỷ lục giải trẻ quốc gia bài tiêu chuẩn 10 m súng ngắn thể thao khi đạt 576 điểm, tiếp đó là phá kỷ lục bài tiêu chuẩn 10 m súng hơi với số điểm 568, và vừa tự phá kỷ lục của chính mình tại giải đấu năm 2020 khi đạt 577 điểm.
Tại giải vô địch bắn súng trẻ quốc gia 2020, Thủy giành HCV, phá kỷ lục bài bắn chung kết với 239 điểm.
Trong 3 năm gần đây, Thu Thủy liên tiếp gặt hái được những thành tích đầy ấn tượng. Nữ xạ thủ tiết lộ những tấm huy chương và bằng khen đã treo kín một khoảng tường trong nhà.
Chính những thành tích đó đã giúp Thủy thuyết phục được bố mẹ để đi theo sự nghiệp bắn súng. "Lúc đầu, bố mẹ không thích cho tôi làm vận động viên, bởi nghề này vất vả, tổn hại đến sức khỏe. Bố mẹ muốn tôi học hành nghiêm túc. Về sau, tôi có thành tích, bố mẹ nhìn chung cũng không phản đối nữa. Bố mẹ cũng cố gắng đồng hành, để tôi chú tâm và có thời gian tập luyện".
Để gặt hái thành công, ngoài tài năng, Thủy đã phải đổ nhiều mồ hôi công sức. Ngoài các bài tập thể lực như đẩy tạ, chạy hay chống đẩy, đội bắn súng còn có các bài tập như ngồi thiền, đọc sách hay câu cá để rèn luyện ý chí, sự tập trung cao độ.
Mục tiêu quan trọng trong năm tới của Thủy là có suất tham dự SEA Games và giành tấm HCV, điều mà nữ xạ thủ này từng lỡ hẹn tại Philippines. Tuy vậy, Thủy sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc cân bằng chuyện học tập.
Ước mơ trở thành cô giáo vẫn rực cháy
"Mẹ rất thích tôi thi đại học và làm cô giáo. Hồi còn bé, tôi cũng thích trở thành cô giáo. Ngoài thi Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, mẹ muốn tôi thi trường khác. Tôi có HCV quốc tế nên được tuyển thẳng vào các trường TDTT hay các khoa giáo dục thể chất của trường ngoài. Tuy nhiên, tôi nhận thấy mình khá vững môn sử nên lựa chọn thi khoa này", Thủy chia sẻ về quyết định thi vào trường sư phạm.
Cô giáo dạy sử đã giúp Thủy yêu thích môn học này. Từ một người không biết gì về lịch sử, Thủy thi được 9 điểm dù chỉ ôn tập vài chục buổi. Nữ xạ thủ trở thành tân sinh viên khoa Sử Đại học Sư phạm Hà Nội có phần bất ngờ, nhưng xứng đáng với những thành quả "dùi mài kinh sử".
"Đợt đó, tôi vừa ôn thi, vừa đi tập để chuẩn bị cho giải thanh thiếu niên toàn quốc và vô địch trẻ toàn quốc. Hai việc rất liền nhau. Trong một tháng ôn thi, tôi bị ngắt một tuần vì đi Hải Phòng thi đấu. Lúc về, tôi cảm giác trong đầu chẳng còn gì", Thủy chia sẻ.
"Bình thường, huấn luyện viên hay mọi người chỉ biết tôi đi học chứ không nhiều người biết tôi sẽ thi một trường đại học khác. Mọi người sẽ nghĩ vận động viên thể thao với thành tích sẵn như vậy, tôi sẽ chọn con đường dễ dàng là vào Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Tuy nhiên, tôi muốn thử sức mình, nên cố gắng ôn thi vào một trường đại học khác".
Thu Thủy (thứ 2 bên trái) chụp ảnh cùng các bạn khoa Sử. Ảnh: NVCC. |
Thủy chia sẻ rất thích việc học, nên luôn cố gắng cân bằng cả học và tập luyện từ lúc cấp hai, cấp ba. Trong những ngày đầu trở thành tân sinh viên, bạn bè cùng lớp ít biết đến Thủy là một vận động viên tuyển quốc gia.
"Khi nhập học, mọi người không biết về tôi. Sau đó, chúng tôi có một buổi giới thiệu về bản thân. Khi đến lượt tôi giới thiệu, các bạn trong lớp bắt đầu lên Google tra tên. Sau đó, cả lớp ồ lên vì ngạc nhiên".
Sau giải bắn súng vô địch quốc gia 2020 kết thúc giữa tháng 11 với một HCV cá nhân và một HCĐ đôi nam nữ, Thủy quay lại trường học. Cô gái 18 tuổi tự nhận "hơi tham lam" khi vừa muốn học tốt, tập tốt và có thành tích thi đấu tốt.
Năm 2021, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, bắn súng Việt Nam sẽ có lịch trình bận rộn ngay từ đầu năm với hai giải Cúp thế giới ở Hàn Quốc và Ấn Độ, tiếp đến là các giải quốc nội và SEA Games 31. Thủy cho biết cô "khá đau đầu" để sắp xếp lịch học và có thời gian cho tập luyện nhiều hơn. Dù vậy, nữ xạ thủ thể hiện quyết tâm, cân bằng mọi thứ bằng nhiệt huyết, đam mê của tuổi trẻ để "văn ôn võ luyện".