Sáng 16/12, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và nhóm ngân hàng thương mại do Vietinbank đại diện chính thức ký hợp đồng vốn tín dụng tài trợ cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng là 6.686 tỷ đồng, trong đó, VietinBank góp 3.300 tỷ đồng, BIDV góp 1.500 tỷ đồng, AgriBank góp 1.000 tỷ đồng và VPBank 886 tỷ đồng.
Cơ cấu vốn góp được ấn định chính thức cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đồ họa: Ngọc Tân. |
Cơ cấu góp vốn này cho thấy các ngân hàng không chấp nhận mức vay 7.695 tỷ đồng như kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ phải nâng mức vốn chủ sở lên gần 3.800 tỷ đồng để có đủ vốn cho dự án.
Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết tất cả nút thắt của dự án cao tốc coi như đã được tháo gỡ. Doanh nghiệp cùng các nhà thầu sẽ làm việc "thông" Tết Nguyên đán để đưa dự án về đích đúng hạn vào năm 2021.
Trước đó, nguồn vốn ngân sách 2.186 tỷ đồng cũng được chuyển về UBND tỉnh Tiền Giang và giải ngân từng phần cho Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có chiều dài hơn 51 km, nối tiếp từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến huyện Cái Bè, Tiền Giang.
Tháng 11/2009, dự án khởi công. Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV đại diện cho 8 nhà đầu tư góp vốn thông báo tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng, sẽ thu xếp được tài chính để hoàn thành trong quý III/2013.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51 km, xuyên qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang, là một trong những tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh Tây Nam Bộ với TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tuy nhiên, sau đó cơ quan chức năng yêu cầu bổ sung thêm phần hạng mục các đường từ khu công nghiệp Tiền Giang kết nối vào cao tốc này, phải làm thủ tục điều chỉnh dự án. Với nhiều trở ngại đã kiến nghị nhưng không được giải quyết, nhà đầu tư xin dừng dự án sau 2 năm khởi công.
Dự án “về tay” Bộ GTVT và bất động trong suốt thời gian dài
Tháng 2/2015, dự án tái khởi động, dự kiến hoàn thành vào 2018. Tổng mức đầu tư giảm còn 14.678 tỷ đồng. Đến tháng 6/2017, tổng mức đầu tư tiếp tục giảm còn 9.668 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý II/2020.
Được coi là niềm hy vọng của 20 triệu dân miền Tây, qua 10 năm, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn ì ạch, trở thành nỗi thất vọng tràn trề.
Bước sang năm 2019, dự án có 2 bước ngoặt lớn là việc bổ sung Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả vào liên danh nhà đầu tư và chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang để chủ động xử lý các vướng mắc.
Trong 6 tháng qua, các nhà thầu đã triển khai thi công thêm 50 cây cầu, bắt đầu xử lý 45 km nền đất yếu. Khối lượng thi công của dự án hiện đạt 27%, tăng 17% so với 1 thập kỷ trước đó chỉ đạt 10%.