Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết doanh nghiệp đã nhận được 1.390 tỷ đồng vốn ngân sách từ UBND tỉnh Tiền Giang. Số tiền này nằm trong phần vốn 2.186 tỷ đồng mà Nhà nước cam kết góp cho dự án.
“Các thủ tục để giải ngân vốn ngân sách hỗ trợ dự án được thực hiện rất nhanh. Vốn được giải ngân chỉ sau hơn 2 tuần có quyết định của Chính phủ”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51 km, xuyên qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang, là một trong những tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh Tây Nam Bộ với TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Sau cả thập kỷ chờ đợi, đình trệ vì thiếu vốn hết lần này đến lần khác, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cuối cùng cũng được nhận phần vốn góp từ ngân sách Nhà nước.
Trước đó, doanh nghiệp đã phải ứng 1.400 tỷ đồng và tỉnh Tiền Giang cũng ứng gần 280 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, duy trì hoạt động thi công. Ngân sách đổ về sẽ được bù vào các khoản ứng trước này, còn lại tiếp tục đầu tư.
Với nguồn tiền đổ về đúng lúc dự án đang khát vốn, doanh nghiệp cho biết sẽ lập tức tổ chức lại tiến độ thi công, làm việc 3 ca không nghỉ Tết để giữ mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành dự án vào quý 2/2021 như chỉ đạo của Thủ tướng.
Cơ cấu vốn theo phương án đã ký trong phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên đến nay, liên danh ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư phải tăng mức vốn góp lên 3.800 tỷ đồng. Đồ họa: Ngọc Tân. |
Trong 6 tháng qua, các nhà thầu đã triển khai thi công thêm 50 cây cầu, bắt đầu xử lý 45 km nền đất yếu. Khối lượng thi công của dự án hiện đạt 27%, tăng 17% so với 1 thập kỷ trước đó chỉ đạt 10%.
Đại diện phía Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận khẳng định việc hoàn thành dự án vào 30/4/2021 như chỉ đạo của Thủ tướng phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay tín dụng từ các ngân hàng.
"Mặc dù các ngân hàng hợp vốn đã có báo cáo thẩm định chung nhưng đến nay vẫn đang xem xét một số nội dung trong quy trình thẩm định, chưa xác định được thời gian ký kết hợp đồng tín dụng để làm cơ sở giải ngân nguồn vốn này", đại diện doanh nghiệp BOT cho biết.
Theo phụ lục hợp đồng, mức vốn góp của nhà đầu tư là 2.787 tỷ đồng. Tuy nhiên, liên danh ngân hàng thương mại yêu cầu mức góp lên tới 3.800 tỷ đồng. Nhà đầu tư đề xuất mức 3.400 tỷ đồng nhưng vẫn không được ngân hàng chấp thuận.
Trường hợp phần vốn tín dụng từ ngân hàng gặp vướng mắc kéo dài, nhà đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang bỏ qua việc sử dụng vốn vay tín dụng. Thay vào đó, Nhà nước cho phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thu hút nguồn vốn đủ để hoàn thành dự án.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51.1km, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao bờ bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho quốc lộ 1.