Hàng nghìn người kéo đến cánh đồng làng Kodi, ở huyện Waingapu của Sumba, hòn đảo nhỏ ở phía đông Indonesia, để chứng kiến hơn 50 kỵ binh tham gia vào trò chơi đánh trận truyền thống có tên "Pasola". |
Truyền thống lâu đời này diễn ra hàng năm khi mùa xuân đến ở các ngôi làng hẻo lánh Kodi, Wanukaka, Lamboya và Gaura. Tên "Pasola" bắt nguồn từ "sola" - có nghĩa là "ngọn giáo" trong tiếng địa phương - và tiền tố "pa" mang nghĩa trò chơi. |
Tham gia nghi lễ này chủ yếu là hậu duệ của người Marapu. Theo truyền thống, sự xuất hiện theo mùa của giun biển nyale, linh vật cùng tên với một nữ thần của địa phương, là dấu hiệu báo trước đã đến thời điểm tổ chức "Pasola". Đây cũng được coi là dấu hiệu báo trước một năm sung túc và bội thu, theo South China Morning Post. |
Trước khi vào trận, mỗi kỵ binh đều mặc trang phục truyền thống sặc sỡ và được trang bị bốn ngọn giáo cùn để phóng vào đối thủ. Sau đó, các kỵ binh sẽ cưỡi ngựa đi hai vòng quanh trung tâm ngôi làng như phần mở đầu cho buổi lễ. |
Trước khi trận chiến bắt đầu, các pháp sư trong trang phục truyền thống hô vang các câu thần chú cổ. |
Người dân tụ tập rất đông ở làng Kodi để theo dõi trò chơi đánh trận hàng nghìn năm tuổi này. Sau trận chiến, hai đội không được phép hận thù nhau, dù cho có người hoặc con vật nào bị thương hay thiệt mạng. |
Khi trận chiến bắt đầu, một kỵ kinh cưỡi ngựa lao đi và trực tiếp ném giáo vào cơ thể của đối thủ, trong khi khán giả cổ vũ bằng việc hò reo: "Giết anh ta đi!". |
Mặc dù ngọn giáo ngày nay đã cùn hơn so với trước đây, nhưng trò chơi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Các chiến binh có nguy cơ bị chột mắt, rách miệng hoặc thậm chí tử vong ngay trên sân. |
Một kỵ binh bị ngã trong trận Pasola. Người dân địa phương tin rằng nếu một người bị thương hoặc tử vong trong lễ Pasola, người này đang bị thánh thần trừng phạt cho những sai lầm trong quá khứ. |