Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ vượt Singapore, chuyên gia nói gì?

PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhìn nhận việc GDP Việt Nam vượt Singapore chỉ là hiện tượng về quy mô, không có nhiều ý nghĩa về chất.

Mới đây, Bloomberg dẫn báo cáo của Ngân hàng đa quốc gia DBS có trụ sở tại Singapore cho biết kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong thập kỷ tới, với dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh và tăng trưởng năng suất trong tương lai.

"Nếu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng như trên, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô của nền kinh tế Singapore trong 10 năm tới", chuyên gia kinh tế Irvin Seah của DBS nhận định.

Theo The Edge Malaysia, hiện tại, quy mô của nền kinh tế Việt Nam rơi vào khoảng 241 tỷ USD, tương đương khoảng 69% nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á - Singapore (350 tỷ USD).

Bình luận về dự báo này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành khẳng định việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam vượt Singapore chỉ là vấn đề thời gian. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên.

Kinh te Viet Nam duoc du bao se vuot Singapore,  chuyen gia noi gi? anh 1
PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho rằng việc GDP Việt Nam vượt Singapore không có nhiều ý nghĩa về chất. Ảnh: Văn Hưng.

Ông Thành lý giải: “Singapore dân số chỉ có 5 triệu người, trong khi Việt Nam đang tiến tới mức 100 triệu người. Nói vậy để chúng ta có thể thấy ngay rằng GDP của Việt Nam kể cả khi bằng hoặc bắt đầu vượt Singapore thì GDP tính trên đầu người của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/20 của Singapore".

Theo ông Thành, vấn đề DBS đặt ra đơn thuần là con số thống kê, là hiện tượng về quy mô chứ không có nhiều ý nghĩa về chất.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố con số này của Singapore là 61.767 USD, dẫn đầu Đông Nam Á và lọt top 10 thế giới.

Trong quý I, Chính phủ cho biết GDP của Việt Nam đã tăng 6,8%. Xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh khi các công ty chuyển hướng sản xuất tới các quốc gia Đông Nam Á thay vì Trung Quốc để tránh mức thuế của chính quyền Trump.

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm cũng đạt kỷ lục về giá trị trong 4 năm gần đây. Tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8%.

DBS: GDP Việt Nam sẽ vượt Singapore trong 10 năm tới

Ngân hàng tại Singapore dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% mỗi năm trong thập kỷ tới và có quy mô lớn hơn nền kinh tế của đảo quốc sư tử vào năm 2029.


Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm