Theo Nikkei Asian Review, năng lực sản xuất và cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện là nguyên nhân giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nhiều công ty từng bước chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Kinh tế Việt Nam có tiềm năng giữ mức tăng trưởng hiện tại (6-6,5%) trong trung hạn với 5,5% tăng trưởng kinh tế đến từ tăng trưởng năng suất lao động và 1% đến từ tăng dân số trong độ tuổi lao động. Hiện quy mô kinh tế Việt Nam đang bằng 69% nền kinh tế Singapore, theo ông Irvin Seah, kinh tế gia cấp cao của ngân hàng DBS.
"Một cách đơn giản, kinh tế Việt Nam sẽ vượt quy mô kinh tế Singapore trong thập kỷ tới nếu cả hai nước vẫn giữ tốc độ tăng trưởng như hiện tại", ông Seah dự đoán.
Bãi container tại cảng Hải Phòng. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh kể từ đầu 2019. Ảnh: Reuters. |
Tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Việt Nam đã tăng 6,8% trong quý đầu năm 2019, theo số liệu của chính phủ. Xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng mạnh khi các công ty chuyển hướng sản xuất tới các quốc gia Đông Nam Á thay vì Trung Quốc để tránh mức thuế của chính quyền Trump. Việt Nam cũng đang nổi lên như quốc gia sản linh kiện xuất điện tử lớn nhất khu vực.
Báo cáo của DBS cũng cho biết chính phủ Việt Nam đang "cố gắng nỗ lực khuyến khích đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng". Vị trí địa lý của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và rất nhiều hiệp định thương mại tự do mà nước này là thành viên khiến cho quốc gia "có vị thế thuận lợi để hưởng lợi", theo báo cáo.
Số liệu được tập hợp bởi DBS cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam từ Trung Quốc tăng đột biến trong 4 tháng đầu năm 2019, cao hơn tất cả các quốc gia khác, đạt 1,3 tỷ USD so với con số 200 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.