Số liệu được Cục thống kê Trung Quốc công bố hôm nay cho biết, kinh tế Trung Quốc kết thúc quý III với mức tăng trưởng 6,9%, cao hơn một chút so với dự báo của giới phân tích (6,8%) nhưng lại giảm nhẹ so với quý trước đó (7%).
Đây là mức tăng GDP thấp nhất kể từ quý I/2009, khi nền kinh tế quốc gia này lúc đó chỉ tăng khoảng 6,2%.
Các nhà phân tích cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm từ từ thay vì "hạ cánh cứng" như lo ngại trước đó.
Một cậu bé ngồi chơi trên chiếc ghế sofa bỏ hoang trong đống đổ nát của ngôi nhà vừa được phá sập tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Lãnh đạo Trung Quốc đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư rằng mức tăng trưởng này là nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ, sau những tác động phá giá sốc của đồng nhân dân tệ và sự sụt giảm bất thường của thị trường chứng khoán.
Nhà kinh tế học tại Viện Kinh tế Oxford ở Hong Kong, Louis Kuijs nói với tờ CNN: "Áp lực suy giảm trong ngành bất động sản và xuất khẩu là xuất phát điểm cho kết quả tăng trưởng thấp bất thường của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Kinh tế thế giới sẽ còn yếu hơn vào năm 2016, và trong bối cảnh như vậy, chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ giúp kinh tế toàn cầu thoát khỏi đà giảm sâu".
Một báo cáo khác cũng cho biết, sản lượng sản xuất của Trung Quốc chỉ tăng 5,7%, thấp hơn mức dự báo ban đầu 6%. Mức đầu tư tài sản cố định (FAI), một động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm, chỉ tăng 10,3% trong 9 tháng đầu năm, dù ước tính trước đó lên tới 10,8%.
Riêng chỉ tiêu bán lẻ lại đi ngược xu hướng, khi thống kê cho thấy mức tăng của ngành này là 10,9%, cao hơn chút ít so với dự báo 10,8%.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thừa nhận trên Reuters về những lo ngại khi kinh tế Trung Quốc suy giảm. Ông cho rằng, diễn biến này là dễ hiểu khi Trung Quốc nằm trong ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu, và Chính phủ nước này sẽ thực hiện mọi nỗ lực để giải quyết vấn đề trong nội tại quốc gia.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Mỹ vào ngày 23/9, ông Tập lại từng nhận định, Trung Quốc vẫn có nền kinh tế ổn định. "Biến động trong giới hạn hợp lý" và mọi biện pháp của Chính phủ, kể cả phá giá đồng nội tệ, hạ lãi suất, hay bơm hàng tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế, chỉ là để ngăn chặn sự hoảng loạn trên quy mô lớn.