Một ngày trước khi diễn ra cuộc họp kéo dài từ ngày 17/9 đến 18/9 tại Cục dự trữ liên bang Mỹ, hai kịch bản của quyết định từ FED đã được truyền thông, chuyên gia cùng dự đoán. Một là cơ quan này sẽ tăng lãi suất cơ bản, hai và giữ nguyên mức 0% như hiện nay.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, dù FED quyết định theo xu hướng nào, điều đó cũng sẽ tác động đến thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán, vàng trên toàn thế giới, chứ không chỉ gói gọn trong lòng nước Mỹ.
The Wall Street Journal cho rằng, đây được xem là thời điểm vàng nếu FED muốn thay đổi một chính sách tiền tệ cứng nhắc đã áp dụng từ năm 2008. Thực tế, với việc giữ lãi suất ở mức sát 0% trong suốt 8 năm qua, sử dụng nhiều gói cứu trợ nới lỏng định lượng (QE), FED đã tạo ra độnglực tích cực cho nền kinh tế Mỹ. Thị trường tiền tệ ổn định với lạm phát chỉ là hơn 2%, thất nghiệp giảm còn 5%, và tăng trưởng kinh tế lên tới gần 4%.
Với nhiều chuyên gia, những con số ấn tượng về kinh tế Mỹ sẽ giúp quyết định của FED là "dễ hiểu và hợp lý, và đó là tín hiệu cho thấy sức khỏe của nước Mỹ đang tích cực". Nhóm ủng hộ kịch bản này chủ yếu là lãnh đạo các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là sau những cơn sóng của thị trường tài chính do ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Nữ Chủ tịch FED Janet Yellen sẽ có quyết định khó khăn trong đêm nay, trong khi cả thế giới nín thở chờ đơi tín hiệu từ Mỹ. Ảnh: Washingtonpost. |
Theo Financial Times, những lãnh đạo theo trường phái tiền tệ thắt chặt như Chủ tịch FED tại St Louis - James Bullard - cho rằng nước Mỹ "đã sẵn sàng hơn bao giờ hết cho một quyết định nâng lãi suất vào lúc này". Ngay cả Chủ tịch Janet Yellen cũng từng khẳng định năm 2015 là thời điểm phù hợp cho chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ.
Tuy nhiên, ở phía khác, cả Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Larry Summers hay Paul Krugman - nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel - lại khuyên FED nên hoãn tăng lãi suất. Nhóm này lo sợ những tác động từ chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ gây "hoang mang và rối loạn" lên các thị trường mới nổi, khiến các sàn chứng khoán đứng trước khủng hoảng và đẩy Mỹ đến gần suy thoái.
Thực tế lịch sử điều hành của FED đã cho thấy, không phải bất cứ quyết định nào của cơ quan này, dù đã được cân nhắc thận trọng, đều mang lại tác động có lợi cho Mỹ. Điển hình là lần thay đổi lãi suất cơ bản vào tháng 5/1936, khiến kinh tế Mỹ chìm sâu vào Đại khủng hoảng ngay trước thềm thế chiến thứ hai.
Trong khi đó, bình luận trước thềm cuộc họp quan trọng của FED diễn ra vào đêm nay theo giờ Việt Nam, Viện trưởng Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng ông nghiêng nhiều về khả năng tăng lãi suất.
"FED đã giữ lãi suất đồng tiền này ở mức rất thấp trong một thời gian dài. Từ tháng 12/2008 đến nay, lãi suất cơ bản đồng đôla duy trì ở mức thấp kỷ lục là 0-0,25%. Về nguyên tắc thì lãi suất cơ bản của đồng đôla sẽ tăng khi có các yếu tố đảm bảo của nền kinh tế. Hiện kinh tế của quốc gia này đang ổn định, đồng USD cũng đã mạnh lên. Đây là những lý do khiến FED không giữ lãi suất thấp lâu thêm nữa", ông trả lời.
TS Đinh Thế Hiển. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn. |
Đánh giá về tác động của chính sách tiền tệ Mỹ đến Việt Nam, ông Hiển cho rằng tỷ giá sẽ linh hoạt theo biến động của đồng đôla, và đây là điều hợp lý.
"Chúng ta không thể đi ngược, bất chấp thị trường, đó là điều bất thường, tạo áp lực lên nền kinh tế. Nếu chúng ta cố giữ bằng ý chí thì sẽ gây áp lực lên nền kinh tế, xuất khẩu sẽ khó khăn. Đừng quên đồng USD tăng thì xuất khẩu cũng hưởng lợi", vị này chia sẻ.
Đồng thời, xu hướng lãi suất trong nước được cho là sẽ biến động đi lên. "Không tính đến các tác động của việc tăng hay giữ lãi suất đồng đôla sắp tới, hiện giờ lãi suất tiền đồng đã có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân là các ngân hàng thương mại đang thiếu tiền do thời gian qua đã khá nới tay vào bất động sản, và đây là khoản đầu tư lớn, dài hạn. Nếu Ngân hàng Nhà nước quyết ấn định một mức lãi suất thì sẽ bất lợi cho các ngân hàng nhỏ trong cuộc đua huy động. Dù vậy tôi vẫn tin không có chuyện các ngân hàng thương mại xé rào như trước đây", TS. Đinh Thế Hiển bày tỏ.