Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sóng ngầm lãi suất

Tăng trưởng tín dụng hiện cao hơn huy động, kết hợp với diễn biến giảm giá của tiền đồng vừa qua đang và sẽ gây sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất.

Tuần trước, một số chi nhánh của Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - đơn vị đang giữ khoảng 12% thị phần huy động vốn và thị phần tín dụng trên thị trường - “lặng lẽ” tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng thêm 0,15 điểm phần trăm, lên mức 5,15%. Các kỳ hạn khác được điều chỉnh ở mức từ 6% lên 6,5% với kỳ hạn 12 tháng, kỳ hạn 24 và 36 tháng cũng nhích nhẹ, từ 6,25% lên 6,3% một năm.

Trong khi tuần trước đó, BIDV mới ký thỏa thuận nguyên tắc thu xếp tài trợ vốn và cung ứng dịch vụ ngân hàng cho các dự án của hai công ty: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Mặt trời Phú Quốc (công ty con thuộc Sun Group) và Công ty TNHH một thành viên Vinpearl Phú Quốc (công ty con của Vingroup) ngày 4/9, tại Phú Quốc, Kiên Giang, với tổng vốn vay lên đến gần 9.000 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay sẽ khó mà đứng yên nếu lãi suất huy động nhấp nhổm tăng.
Lãi suất cho vay sẽ khó mà đứng yên nếu lãi suất huy động nhấp nhổm tăng.

Nửa đầu năm 2015, tổng dư nợ tín dụng của BIDV đạt gần 535.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Nếu BIDV giải ngân cho hai công ty hết khoản tiền như hợp đồng nguyên tắc đã ký (tất nhiên ngân hàng phải được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước trong việc cho vay quá 15% vốn tự có) thì đây có thể là một trong những hợp đồng tín dụng lớn nhất trong năm, như nhận xét của một giám đốc ngân hàng.

 

Lãi suất cho vay sẽ khó mà đứng yên nếu lãi suất huy động nhấp nhổm tăng. Mục tiêu duy trì lãi suất ổn định, thậm chí thấp hơn, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ càng khó hơn.

Tổng huy động vốn từ thị trường dân cư (thị trường 1) của BIDV 6 tháng đầu năm đạt trên 574.000 tỷ đồng, chỉ cao hơn chút ít so với tổng dư nợ tín dụng. Vì thế, việc huy động vốn, thông qua tăng lãi suất trong hệ thống là điều khó tránh khỏi.

“Cuộc đua” huy động tiền gửi thực sự vẫn diễn ra giữa các ngân hàng gốc quốc doanh lớn. Ở Vietinbank, tính đến 30/6, tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt là 9,25% và 5,9% so với cuối năm 2014. Và VietinBank tuyên bố mục tiêu quan trọng của họ là tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tiền gửi.

Không riêng gì BIDV và Vietinbank, các ngân hàng khác cũng đang quan tâm đến cuộc đua tiền gửi và giữ thị phần bởi các diễn biến trên thị trường tiền tệ gần đây đang có những cơn sóng ngầm.

“Các ngân hàng tăng lãi suất là điều đã được biết trước”, tổng giám đốc một ngân hàng nói.

Thực tế, tín dụng đã tăng rất mạnh. Tính đến ngày 31/8, theo lời Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tiến Đông trả lời Thông tấn xã Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,23%. Do đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 16-17% là trong tầm tay.

Việc tín dụng vẫn đang bứt phá khiến các ngân hàng phải lo tăng huy động. Trong khi đó, tính đến 20/8, tăng trưởng huy động của toàn hệ thống là 7,22%, tức thấp hơn khoảng 3 điểm phần trăm so với tăng trưởng tín dụng. Khoảng chênh lệch này kết hợp với diễn biến giảm giá của tiền đồng vừa qua đang và sẽ gây sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất.

Thứ hai, tỷ giá còn những tác động lan truyền khác chưa bộc lộ vì độ trễ, chẳng hạn như đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu hay các loại nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu để sản xuất trong nước. Thị trường dự đoán những biến động về tỷ giá sẽ tạo kỳ vọng và gây sức ép đối với mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.

Thứ ba, trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng sau những ngày tăng mạnh trong “cơn bão nhân dân tệ điều chỉnh” đã ổn định trở lại nhưng xác lập một mặt bằng cao hơn so với những tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ gần đây không nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức tín dụng.

Trong ba tuần trở lại đây, các nhà đầu tư thường đặt mức lãi suất đầu thầu cao hơn mức mà Kho bạc ấn định (6,4-6,5%/năm) nên tỷ lệ trúng thầu giảm xuống mức thấp. Điều này phản ánh kỳ vọng của các tổ chức tín dụng đối với lãi suất đang theo hướng tăng lên.

Trong ngắn hạn, khả năng ổn định của lãi suất phụ thuộc nhiều vào biến động của tỷ giá trên thị trường ngoại hối. Mặc dù thanh khoản được dự báo vẫn dồi dào, tuy nhiên tâm lý thận trọng dẫn đến mặt bằng lãi suất vẫn có khả năng duy trì ở mức cao so với các tháng đầu năm.

Bản thân các ngân hàng cũng muốn giữ lãi suất huy động hấp dẫn để vừa giữ chân người gửi tiền vừa tạo một khoảng cách đủ hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi USD (đề phòng cả trường hợp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trở lại). Vì vậy khả năng mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng giảm là không thể.

Tuy thị trường tiền tệ đang có vẻ bình yên nhưng giới ngân hàng vẫn chú ý nghe ngóng với dự báo xu hướng khó kiềm chế của lãi suất trong dài hạn bởi theo họ các yếu tố hỗ trợ lãi suất tăng còn mạnh. Thị trường ngoại hối trong nước tiếp tục chịu nhiều áp lực trong và ngoài nước khi cán cân thương mại tiếp tục theo hướng nhập siêu; tỷ giá còn mong manh; động thái của Fed và Trung Quốc, rồi yếu tố mùa vụ khi về cuối năm nhu cầu thanh khoản của thị trường tiền tệ bị đẩy lên cao.

Tín dụng vẫn trên đà tăng trưởng và huy động tiền đồng qua kênh trái phiếu chính phủ của Bộ Tài chính chưa có nhiều chuyển biến, điều này khiến khả năng lợi suất trái phiếu tăng vẫn là rất lớn.

Thực hư về lãi suất vay trả góp tới 70%

Một số khoản vay tiêu dùng tín chấp của các công ty tài chính thường cao hơn ngân hàng thương mại, trong đó có khoản vay lãi suất lên tới 70%/năm.

 

http://www.thesaigontimes.vn/135720/Song-ngam-lai-suat.html

Theo Hồng Phúc/Thời Báo Kinh tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm