TP.HCM phải đạt tăng trưởng quý IV trên 9% để đạt tăng trưởng cả năm 7,5% như kế hoạch đề ra. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Phát biểu mở đầu tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM thường kỳ tháng 9 chiều 1/10, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết trong quý III, TP.HCM vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng nói chung, nhưng chưa có đột phá.
Theo ông, ước tính tăng trưởng quý III của TP.HCM chỉ đạt hơn 7%. Do đó, để đạt được tăng trưởng 7,5% như kế hoạch đề ra, trong quý IV, TP.HCM phải tăng trưởng hơn 9%.
"Đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Nếu không tập trung, không xác định trọng tâm và không có giải pháp đột phá thì rất khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng năm nay", ông Mãi lưu ý.
Công nghiệp khó tăng mạnh trong ngắn hạn
Chia sẻ thêm về tình hình kinh tế TP, ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM - cho biết mặc dù bão Yagi không ảnh hưởng trực tiếp nhưng đã tác động gián tiếp đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ và ngành du lịch, góp phần làm giảm đà tăng trưởng trong quý III/2024.
Theo ông, kinh tế TP.HCM dự kiến tăng trưởng khoảng 7,3% trong quý III, cao hơn quý I (6,5%) và quý II (6,31%), cho thấy thành phố vẫn đang trên đà phục hồi tích cực. Tính chung 9 tháng đầu năm, GRDP tăng trưởng 6,8%.
Phân tích theo khu vực kinh tế, khu vực nông nghiệp giảm 1%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,5%, dịch vụ tăng 7,4%. Đại diện Cục Thống kê TP.HCM nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp đã đóng góp 20% GRDP, dù tỷ trọng chỉ chiếm hơn 17%.
Tuy nhiên, vẫn còn 9/30 ngành sản xuất công nghiệp giảm và vai trò dẫn dắt của 4 ngành công nghiệp trọng điểm chưa rõ nét khi chỉ đạt mức tăng trưởng 4,7% trong 9 tháng, thấp hơn 2,2% so với tăng trưởng chung của ngành.
Dù các doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định, thậm chí kéo dài đến quý I/2025, ông Hoàng nhìn nhận ngành công nghiệp khó có thể tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn do chi phí đầu vào tăng cao và mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7.
"Lương hiện chiếm 30-50% chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, việc tăng trưởng có thể tác động đến chi phí đầu vào, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường", ông giải thích.
Về tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, ông Hoàng cho biết TP.HCM vẫn duy trì tăng trưởng ổn định 10,5%, cao hơn mức bình quân cả nước, nhưng vẫn chưa đạt được tiềm năng của TP.
"Kết quả này cho thấy các biện pháp kích cầu đang triển khai hiệu quả, tuy nhiên quy mô tiêu dùng chỉ tương đương năm 2020, và mức chi tiêu của người dân vẫn còn thấp", ông chia sẻ.
Giải ngân đầu tư công chỉ đạt 20% sau 3 quý
Qua phân tích, đại diện Cục Thống kê TP.HCM nhận định nhìn chung tăng trưởng kinh tế TP.HCM phục hồi, nhưng còn nhiều vấn đề đặt ra. "Dù đã có những giải pháp quyết liệt nhưng hiện vẫn chưa có chuyển biến", ông Hoàng nhấn mạnh.
Một trong những ví dụ tiêu biểu là tiến độ giải ngân đầu tư công rất thấp, chỉ đạt 20% kế hoạch năm.
"Việc giải ngân đầu tư công chậm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xây dựng mà còn gây tác động tiêu cực đến các ngành liên quan", ông Hoàng nói.
Bên cạnh đó, ông cho biết môi trường kinh doanh của TP.HCM vẫn cải thiện chậm, với quy mô doanh nghiệp ngày càng thu hẹp. Hiện tại, cứ 10 doanh nghiệp tham gia thị trường thì có 6 doanh nghiệp phải rút lui.
Đồng thời, thị trường bất động sản cũng đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn đến mức tăng trưởng khiêm tốn chỉ 6,71% trong 9 tháng đầu năm.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hcmcpv. |
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu phiên họp đánh giá kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, xác định khối lượng công việc, giải pháp trọng tâm để hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024.
Ông Mãi cũng nhấn mạnh nhiệm vụ trong quý IV là phải tập trung cao độ "chạy nước rút" để hoàn thành nhiệm vụ năm 2024.
Theo ông Mãi, sau 6 tháng có Chỉ thị 12 về tăng trưởng, có văn bản 3843 để xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến đại hội năm sau.
"Bên cạnh việc kiểm điểm xác định các trọng tâm, các giải pháp đột phá cho quý IV, chúng ta phải nhìn xa hơn cho đến hết nhiệm kỳ, với mục tiêu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XI đã đề ra", ông đề nghị.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.