Một tháng nay, chị Hương chủ một quán trà chanh ở quận Hà Đông (Hà Nội) đăng thông báo sang nhượng toàn bộ cửa hàng. Chị thanh lý toàn bộ dụng cụ pha chế, máy móc, bàn ghế, điều hoà... "Số tiền sang nhượng là 120 triệu đồng nhưng đăng tin nhiều ngày nay vẫn chỉ có 1-2 người hỏi", chị nói.
Từ cuối năm 2019, trên thị trường nở rộ kinh doanh tiệm trà chanh với hàng loạt thương hiệu ra mắt. Tại Hà Nội, các quán trà chanh mọc lên ồ ạt, một con phố có tới 4-5 quán trà chanh nối tiếp nhau. Khi đó, nhiều người từng vì kinh doanh tiệm trà chanh như một "mỏ vàng" vì lợi nhuận ở mức cao.
Tuy nhiên, việc mở rộng quá nhanh dẫn đến cung vượt cầu, thị trường dần bão hòa cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều tiệm trà chanh dần "đuối sức".
Nhiều chủ tiệm trà chanh rời "cuộc chơi"
Chị Hương cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần như doanh thu trong năm 2020 chỉ đủ duy trì tiền mặt bằng và tiền thuê nhân viên. "Khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên nhưng dịch bệnh trường học đóng cửa khiến lượng khách này giảm mạnh. Nhiều tháng tôi phải bù lỗ vì khách ít quá", chị tâm sự.
Thời điểm cuối năm 2019, toàn bộ vỉa hè các quán trà chanh trước đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) từng chật kín người thì nay chỉ còn lác đác vài ba nhóm khách. Những con phố khác như Nguyễn Khang, Ô Chợ Dừa, Đào Tấn... từng tập trung đông các quán trà chanh cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Thời điểm cuối năm 2019, các quán trà chanh mọc lên ồ ạt, một con phố có tới 4-5 quán trà chanh nối tiếp nhau. Ảnh: Tiệm trà chanh Layla. |
Hơn một năm trước, thấy nhiều người đổ xô kinh doanh trà chanh, số vốn bỏ ra lại không nhiều nên chị Hồng Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư với tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng.
Ban đầu, khi trà chanh đang là đồ uống hot của Hà Nội, doanh thu mỗi ngày của cửa hàng chị vào khoảng 5-6 triệu đồng. Do đó, trung bình mỗi tháng trừ hết chi phí, chị thu về khoảng 80-90 triệu đồng. "Thời điểm đó khách ra vào nườm nượp, làm việc không thấy mệt. Tôi còn dự định mở thêm một quán nữa", chị nhớ lại.
Tuy nhiên chỉ được một thời gian, dịch Covid-19 ập đến, Hà Nội giãn cách xã hội khiến quán trà chanh của chị sụt giảm doanh thu mạnh. "Vì dịch bệnh mọi người không còn hào hứng tụ tập nữa. Cầm cự, bù lỗ tiền mặt bằng trong vài tháng, sau đó tôi quyết định sang nhượng lại cửa hàng vì sợ càng để lâu sẽ càng lỗ nặng", chị thở dài nói.
Chị Minh cho rằng thị trường trà chanh đang dần bão hoà khi có quá nhiều cửa hàng mọc lên san sát. "Khách hàng có thể lựa chọn ngồi ở bất kỳ đâu vì trà chanh là thức uống có công thức gần như giống nhau ở các cửa hàng. Chỉ có những quán có mặt bằng đẹp, có thương hiệu thì mới có thể tồn tại được", chị nhận xét.
Sau trà sữa, mì cay là trà chanh?
Thực tế, không chỉ chị Hương, chị Minh mà theo khảo sát, hiện nay có rất nhiều người kinh doanh trà chanh lựa chọn đóng cửa hoặc sang nhượng lại cửa hàng vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường và ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sự bão hoà của cơn sốt kinh doanh trà chanh không phải trường hợp ngoại lệ trên thị trường F&B. Cách đây không lâu, thị trường chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt cửa hàng trà sữa, mỳ cay 7 cấp độ với đủ các thương hiệu lớn nhỏ. Nhưng chỉ sau một thời gian, những xu hướng kinh doanh này cũng đã chìm dần, nhiều thương hiệu buộc phải đóng cửa.
"Trà chanh cũng giống cơn sốt trà sữa, mỳ cay, chỉ được một thời gian đầu. Khi thị trường ngày một cạnh tranh và khó tính, tỷ lệ đào thải sẽ cao", anh Trần Dũng, chuyên gia marketing trong ngành F&B (dịch vụ và ăn uống) nói.
Theo anh, kinh doanh trà chanh không còn là kênh đầu tư hấp dẫn. Thời điểm hơn một năm trước, kinh doanh trà chanh nổi lên như một trào lưu bởi tâm lý đám đông thấy lợi nhuận cao, vốn đầu tư thấp, mô hình dễ kinh doanh sẽ ồ ạt đầu tư.
"Chỉ có những cửa hàng có vị trí đẹp, sản phẩm chất lượng, độc đáo mới có thể tồn tại và phát triển được, nếu không sẽ dần bị thải loại", anh chia sẻ.
Nhiều quán trà chanh vẫn duy trì hoạt động nhưng trong tình trạng vắng khách. Ảnh: T.T |
Anh Hoàng Tùng, chủ chuỗi thương hiệu Pizza Home, nói với Zing mô hình kinh doanh sản phẩm theo xu hướng chỉ dành cho những người nhanh nhạy, ứng biến linh hoạt, có khả năng nhảy vào cuộc chơi sớm và cũng có khả năng rút ra khỏi cuộc chơi nhanh.
"Tính linh hoạt của người tham gia kinh doanh là rất quan trọng và thực sự mô hình kinh doanh sản phẩm theo xu hướng không phải là sân chơi dành cho mọi người", anh Tùng đánh giá.
Qua từng cơn sốt sản phẩm từ trà sữa, mỳ cay đến trà chanh hay sữa chua trân châu, cuối cùng sẽ chỉ còn một vài thương hiệu thực sự mạnh trụ lại ở thị trường.
Theo anh, có 3 yếu tố để quyết định mô hình theo xu hướng liệu có khả năng bùng nổ và kéo dài hay không. Trước hết, sản phẩm kinh doanh phải là sản phẩm mang tính đại trà. Nghĩa là sản phẩm ai cũng có thể dùng được như trà chanh, trà sữa, sữa chua trân châu, nước mía...
"Thứ hai, sản phẩm phải đạt được tần suất sử dụng tốt nếu không sẽ nhanh chóng bị đào thải. Điều đó giải thích tại sao mỳ cay 7 cấp độ bùng lên rồi sụp đổ rất nhanh", anh nói.
Theo anh, lợi thế cạnh tranh không đến từ sản phẩm hay mô hình kinh doanh, mà đến từ độ phủ sóng. "Phải phủ thật nhanh, thật mạnh, chiếm lĩnh các địa điểm tốt. Đó là lý do nhiều thương hiệu đua nhau đẩy mạnh phương thức nhượng quyền từ khi cơn sốt trà chanh bùng nổ", anh phân tích.
Trước sự thoái trào của một xu hướng trong giới trẻ, theo anh Hoàng Tùng, muốn kinh doanh trà chanh thời điểm này, người đầu tư phải lựa chọn kỹ mặt bằng kinh doanh vì đó là yếu tố quyết định lớn đến sự thành công trong ngành và nên kết hợp thêm các món ăn vặt, đồ uống hot khác như sữa chua trân châu...