Với cách biến tấu mới lạ, sữa chua trân châu vốn là đặc sản ở Hạ Long (Quảng Ninh) đã nhanh chóng tạo nên “cơn sốt” với các tín đồ ẩm thực.
Cầm trên tay 3 cốc sữa chua trân châu vừa mua, Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) khoe "chờ mãi cuối cùng gần nhà cũng có quán mở, mình liền chạy ra mua 3 cốc về ăn cho đỡ thèm”.
Trào lưu thu hút giới trẻ
Theo ghi nhận của Zing, chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 2019 đến nay, Hà Nội đã có tới hơn trăm quán sữa chua trân châu mọc lên và lượng khách đến quán khá đông.
Các quán sữa chua trân châu với nhiều thương hiệu khác nhau nhưng đều có điểm chung là giá khá rẻ, bàn ghế đơn giản, không gian trẻ trung, hiện đại, thoáng mát và có vỉa hè rộng.
Với cách biến tấu mới lạ cùng trân châu, sữa chua trân châu đã nhanh chóng tạo nên “cơn sốt” với các tín đồ ẩm thực. Ảnh: Thanh Thương. |
Mỗi thương hiệu có từ vài chục đến hàng trăm cửa hàng nhượng quyền trên khắp cả nước. Riêng sữa chua trân châu Hạ Long đã lên đến con số hơn 100 cửa hàng chỉ trong vòng 9 tháng (theo thống kê của thương hiệu).
Nhiều cửa hàng khác cũng đã gần đạt con số 50, như sữa chua trân châu tươi YoFresh, sữa chua trân châu Hà Nội, sữa chua trân châu Quảng Ninh,...
Được bạn bè rủ đến quán, Thuỳ Linh (Đống Đa, Hà Nội) khá bất ngờ với món sữa chua trân châu. Ngoài ra, theo Linh, thực đơn ở đây khá phong phú, ngoài sữa chua trân châu đủ các vị, quán còn phục vụ đa dạng các loại đồ uống khác như sữa chua dẻo, kem, sữa tươi trân châu đường đen, ...
“So với ngồi uống trà chanh thì ăn sữa chua như thế này hợp lý hơn, vừa tốt cho sức khoẻ mà vẫn có thể ngồi vỉa hè tụ tập chém gió cùng bạn bè”, chị Hồng Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Anh Lê Hồng Huy, người sáng lập chuỗi sữa chua trân châu với hơn 100 cơ sở trên khắp cả nước, cho hay, từ một vài quán ban đầu, đến nay, thương hiệu sữa chua trân châu Hạ Long của anh đã có 105 cơ sở.
“May mắn là mô hình kinh doanh này mới ra đời đã thu hút được rất nhiều bạn trẻ, số lượng khách hàng ngày càng đông. Những ngày cuối tuần và ngày lễ, các cơ sở của tôi gần như kín chỗ, nhân viên không có thời gian để nghỉ ngơi”, chủ chuỗi thương hiệu nói.
Loại hình mới hấp dẫn nhà đầu tư
Theo anh Huy, mô hình kinh doanh này đang thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như lượng khách hàng đa dạng đủ lứa tuổi, từ các em nhỏ, học sinh sinh viên, giới văn phòng đến người lớn tuổi.
"Mức giá hợp lý và chất lượng sản phẩm là điểm mạnh của mô hình kinh doanh này. Một cốc sữa chua trân châu giá chỉ từ 20.000 đồng rất dễ thu hút khách hàng", anh Huy nói.
Đánh giá về thị trường, chủ chuỗi thương hiệu này cho rằng, kinh doanh sữa chua trân châu hoàn toàn không phải là trào lưu nhất thời. Sữa chua vốn là thức uống dinh dưỡng thiết yếu, có nhiều lợi ích cho sức khoẻ lại nên có thể phát triển dài hạn trong tương lai.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã có tới hơn trăm quán sữa chua trân châu mọc lên. Ảnh: Facebook: Quyet N***** |
Theo một số chủ cơ sở, lợi nhuận kinh doanh loại hình này khá hấp dẫn, dao động 20-30% với điều kiện hoạt động ổn định, trong khi chi phí đầu tư ban đầu vừa phải. Trung bình, với mức đầu tư dao động 200 - 400 triệu đồng tùy vào quy mô và vị trí thuê mặt bằng, cơ sở có thể thu hồi vốn sau 3-4 tháng.
Khởi đầu từ ý tưởng kinh doanh trà chanh, anh T. Long (Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định chuyển hướng sang kinh doanh sữa chua trân châu. Anh cho biết, những ngày đông khách số lượng sữa chua bán ra có thể đạt 500-1.000 cốc.
Ông Trần Dũng, chuyên gia marketing về ngành F&B cho biết: “Để duy trì được sự thành công, chủ đầu tư phải luôn linh hoạt trong phát triển chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thay vì chỉ chú trọng mở rộng chi nhánh để xây dựng thương hiệu”.
Theo quan điểm của ông Dũng, đây là một mô hình nên làm, có lợi nhuận tốt, tuy nhiên mức độ đầu tư nên giới hạn và kế hoạch kinh doanh ngắn. Mục tiêu là thu hồi vốn càng nhanh càng tốt, có lợi nhuận và tính phương án dài hạn sau, không nên quá kỳ vọng ban đầu khi thị trường chưa được định hình rõ ràng.