Nhìn một lượt những chiếc xe đang trưng bày ở cửa hàng, anh Trần Duy, nhân viên kinh doanh của một đại lý ôtô trên đường Phạm Hùng lắc đầu ngán ngẩm: “Sau Tết, doanh số chưa kịp vực lại thì bị bồi thêm cú đánh mang tên Covid-19, cửa hàng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi nhưng tình hình vẫn chẳng mấy khả quan.”
"So với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, lượng khách hàng giảm khoảng 25-30%", anh Duy nói thêm.
Nhiều xe giảm giá trăm triệu đồng
Ghi nhận của Zing tại những con phố kinh doanh xe hơi lớn ở Hà Nội như Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Cừ, Nghi Tàm cho thấy nhiều mẫu của các thương hiệu phổ thông lẫn hạng sang liên tục giảm giá với nhiều chương trình ưu đãi nhằm kích cầu sau mùa dịch.
Sức mua ôtô giảm, các hãng và đại lý liên tục đưa ra các chương trình giảm giá để kích cầu. Ảnh: Thanh Thương. |
Đơn cử, Isuzu D-Max, Toyota Innova, Toyota Fortuner, Honda CR-V, Mazda CX-8, Lux A2.0... là những mẫu xe đang có mức giảm nhiều nhất từ 40 triệu đến 200 triệu đồng. Trong đó, giảm giá đáng kể nhất vẫn là các dòng xe Honda.
"Tuỳ phiên bản giá giảm cao nhất là 110 triệu đồng", anh Nguyễn Cường, một nhân viên tư vấn bán hàng Honda chia sẻ với Zing về khuyến mãi dành cho Honda CR-V.
Không nằm ngoài cuộc đua giảm giá, một số hãng xe sang như Mercedes-Benz, BMW, Audi và VinFast cũng được đại lý điều chỉnh giảm giá bán so với giá niêm yết để giữ thị phần trong thời điểm đầu tháng 5 này.
Trong đó, VinFast gây chú ý khi giảm giá kỷ lục 2 mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 với mức ưu đãi từ 258 triệu đến 285 triệu đồng. Đối với khách hàng thanh toán 100% tiền mua xe, giá Lux A2.0 từ hơn 896 triệu và Lux SA2.0 từ hơn 1,32 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của một số chủ showroom, tính đến thời điểm hiện tại, giá xe đã giảm nhưng sức mua vẫn không tăng cao. Anh Trần Hiển, nhân viên kinh doanh của đại lý Toyota Doanh Thu Thanh Hoá, cho biết năm nay lượng xe bán ra so với năm ngoái giảm đáng kể.
"Lượng xe bán ra có rục rịch tăng so với thời điểm dịch bệnh nhưng vẫn còn chậm. Muốn giải quyết tồn kho, có thể hãng sẽ phải giảm giá tiếp để kích cầu”, anh Hiển chia sẻ.
Theo anh, việc thị trường ôtô giảm giá liên tục do ảnh hưởng của dịch bệnh và nguyên nhân chính vẫn là do tâm lý khách hàng vẫn có ý muốn chờ thêm những chương trình giảm giá mới của các hãng xe.
Chờ chính sách giảm thuế, phí
"Đặc biệt là thông tin về đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 khiến người mua nhìn vào đó và hy vọng", nhân viên này lý giải thêm.
Nhiều người dân vẫn mong chờ đề xuất giảm 50% phí trước bạ được thông qua. Ảnh: Thanh Thương. |
Anh Phạm Chiến (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: "Nghe tin sắp được giảm thuế trước bạ nên tôi đang chờ, tích góp tiền để mua một chiếc Innova về chạy dịch vụ".
Theo anh Chiến, việc giảm 50% lệ phí trước bạ nếu được Chính phủ thông qua sẽ giúp người mua xe tiết kiệm được hàng chục triệu đồng.
Một số thành viên trên một diễn đàn ôtô cũng cảnh báo nhau không nên vội mua xe trong thời điểm này. “Nếu không có nhu cầu cấp thiết hãy cứ chờ đợi thêm thời gian nữa”, một tài khoản trên diễn đàn mạng nhắn nhủ.
Khác quan điểm với anh Chiến và nhiều người, anh T. Minh (Đống Đa, Hà Nội) lại cho rằng: "Khi ôtô giảm giá kịch sàn thì có nghĩa là nền kinh tế cũng đang suy thoái chung, lúc ấy thu nhập của mọi người cũng sẽ không ổn định được nữa. Vì thế, có khả năng mua lúc nào thì cứ mua khi đó thôi".
"Nếu đề xuất giảm 50% phí trước bạ được thông qua, người tiêu dùng được hưởng lợi hơn rất nhiều. Thậm chí, không chỉ riêng khách hàng, mà nhiều đại lý xe cũng hy vọng điều này có thể giúp doanh số bán hàng thời gian tới sẽ có chiều hướng khởi sắc hơn", anh N. Hoà, đại diện một đại lý Toyota chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều người tiêu dùng và chủ các đại lý vẫn trông đợi vào quyết định của Chính phủ, Quốc hội khi có hàng loạt đề xuất miễn, giảm phí, thuế được đưa ra, trong đó mới đây là việc đề xuất miễn 50% phí trước bạ đối với người mua xe trong nước, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nội địa.