Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bỏ 600 triệu kinh doanh sữa chua trân châu liệu có dễ ăn?

Bỏ khoảng 200-600 triệu đồng đầu tư kinh doanh sữa chua trân châu, nhiều người được đơn vị nhượng quyền quảng cáo có thể thu hồi vốn chỉ trong 3-6 tháng.

nhuong quyen sua chua tran chau anh 1

Nếu như năm 2018, kinh doanh trà sữa bùng nổ, năm 2019 là "tiệm trà chanh" thì năm 2020 đang chứng kiến một làn sóng đầu tư mở cửa hàng sữa chua trân châu.

Đằng sau cơn sốt đồ uống này là sự bùng nổ của mô hình nhượng quyền kinh doanh sữa chua trân châu với chi phí đầu tư tốn kém và dấu hỏi trong việc thu hồi vốn nhanh.

“Miếng bánh” hấp dẫn nhà đầu tư

Chỉ trong thời gian ngắn từ cuối năm 2019 đến nay, Hà Nội đã có tới cả trăm quán sữa chua trân châu được mở ra, thuộc nhiều thương hiệu khác nhau. Đa số các quán đều có lượng khách khá đông đúc.

Sữa chua trân châu là mô hình kinh doanh các loại đồ uống với sản phẩm trung tâm là sữa chua. Sữa chua có thể ăn kèm với thạch, trân châu, các loại hoa quả... tạo ra sự hấp dẫn với nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là trong mùa hè.

Cũng bởi sự hấp dẫn với khách hàng mà các cửa hàng mới liên tiếp mọc lên, kéo theo sự bùng nổ của thị trường nhượng quyền. Hiện, mỗi thương hiệu sữa chua trân châu đều có từ vài chục đến hàng trăm cửa hàng nhượng quyền trên khắp cả nước. Riêng sữa chua trân châu Hạ Long đã lên đến con số hơn 130 cửa hàng chỉ trong vòng một năm (theo thống kê của thương hiệu).

Nhiều cửa hàng khác cũng đã đạt gần con số 100, như sữa chua trân châu tươi YoFresh, sữa chua trân châu Hà Nội, sữa chua trân châu Quảng Ninh...

“May mắn là mô hình kinh doanh này mới ra đời đã thu hút được rất nhiều bạn trẻ, số lượng khách hàng ngày càng đông. Những ngày cuối tuần và ngày lễ, các cơ sở của tôi gần như kín chỗ, nhân viên không có thời gian để nghỉ ngơi”, anh H. Huy, người sáng lập chuỗi thương hiệu sữa chua trân châu Hạ Long nói.

nhuong quyen sua chua tran chau anh 2

Đi kèm với sức hút của thức uống này là sự bùng nổ của mô hình nhượng quyền kinh doanh. Ảnh: Thanh Thương.

Đánh giá về thị trường, chủ chuỗi thương hiệu này cho rằng kinh doanh sữa chua trân châu hoàn toàn không phải là trào lưu nhất thời. Sữa chua vốn là thức uống dinh dưỡng thiết yếu, có nhiều lợi ích cho sức khoẻ lại nên có thể phát triển dài hạn trong tương lai.

Chập chững với 3 cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội, đến nay thương hiệu sữa chua trân châu Hạ Long của anh Huy đã có hơn 130 cơ sở trải khắp cả nước.

Tệp khách hàng lớn, lợi nhuận cao, có tiềm năng phát triển... kinh doanh sữa chua trân châu đang được coi là trào lưu tại Hà Nội. Cùng với đó, thị trường nhượng quyền thương hiệu sữa chua trân châu cũng đánh giá là "mỏ vàng" cho các nhà đầu tư cũ lẫn mới.

Theo quảng cáo của một số chuỗi nhượng quyền, mô hình sữa chua trân châu có thể đạt lợi nhuận 40-50%. Đã có cửa hàng đạt doanh thu trung bình 10 triệu đồng/ngày, tương đương 300 triệu/tháng. Như vậy, lợi nhuận có thể đạt khoảng 120-150 triệu/tháng. Do đó, nếu bỏ ra khoảng 600 triệu đồng để mở một cửa hàng nhượng quyền, có thể thu hồi vốn nhanh chóng trong 4-5 tháng. Nhiều thương hiệu nhượng quyền còn quảng cáo có thể thu hồi vốn chỉ 3-6 tháng.

Liệu có "dễ ăn"?

Theo tìm hiểu, hiện nay ở một số thương hiệu sữa chua trân châu trên địa bàn Hà Nội phí nhượng quyền dao động khoảng 20-80 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư quán khoảng 200-600 triệu đồng, tùy địa điểm. Do đó, để kinh doanh dịch vụ này, nhà đầu tư có thể phải bỏ ra 200-700 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đạt được mức doanh thu và lợi nhuận như quảng cáo.

Khoảng một năm nay, thấy nhiều người đổ xô kinh doanh sữa chua trân châu, anh N. Mạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng sốt ruột tìm hiểu về mô hình kinh doanh này.

Người đàn ông 40 tuổi này sau khi tìm hiểu đã quyết định bỏ 35 triệu mua nhượng quyền của một thương hiệu sữa chua trân châu ở Hà Nội với hy vọng sẽ hoàn vốn nhanh. "Tổng chi phí đầu tư hoàn chỉnh cho cửa hàng sữa chua trân châu là 700 triệu đồng khi mình đầu tư một quán ở trung tâm thành phố, nơi có giá thuê mặt bằng rất cao", anh cho hay.

Tuy nhiên, hy vọng hoàn vốn nhanh của anh bị dập tắt chỉ sau 3-4 tháng đi vào hoạt động. Chủ cửa hiệu cho hay khi mới khai trương, doanh thu rất tốt khoảng 10 triệu đồng/ngày, tuy nhiên càng về sau càng giảm doanh thu chỉ còn duy trì được một nửa.

"Hiện tôi phải chạy khuyến mãi thường xuyên mới mong duy trì được cửa hàng. Không biết bao giờ mới hoàn lại được số vốn đã bỏ ra", anh thở dài nói.

Anh này cũng cho rằng dù biên độ lợi nhuận vẫn khá cao, khoảng 40-50%, nhưng tổng doanh thu thấp dẫn đến thời gian thu hồi vốn rất lâu. Anh Mạnh tính toán mình có thể mất 3-4 năm mới thu hồi vốn nếu sức mua duy trì như hiện tại, trái ngược hoàn toàn quảng cáo chỉ mất 5-6 tháng của đơn vị nhượng quyền.

nhuong quyen sua chua tran chau anh 3

Thực tế hình thức nhượng quyền kinh doanh này không "dễ ăn" như lời quảng cáo. Ảnh: Thanh Thương.

Chỉ tay về phía những chiếc bàn vắng khách của quán sữa chua trân châu đối diện nhà, chị H. Huyền (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Gần như lúc nào cũng trong tình trạng này, lượng khách lèo tèo chỉ đông hơn một chút vào buổi tối".

Chị Huyền cho biết sữa chua trân châu chỉ là một loại sản phẩm theo xu hướng, do đó nhu cầu đang giảm rất nhanh. Ngoài ra, khi thấy các cửa hàng làm ăn được, nhiều cửa hàng khác mọc lên đang khiến sự cạnh tranh rất khốc liệt. Đó cũng là nguyên nhân khiến chị lo lắng về việc hoàn số vốn gần 500 triệu để mở cửa hàng sữa chua trân châu của mình.

Lối đi nào cho mô hình kinh doanh nhượng quyền?

Ông Hoàng Tùng, chủ thương hiệu Pizza Home chia sẻ với Zing, nhượng quyền là con dao 2 lưỡi, giúp thương hiệu mở rộng phạm vi và danh tiếng nhưng nếu làm không tốt, một cửa hàng thất bại cũng sẽ ảnh hưởng rất xấu đến thương hiệu.

"Thời gian hoàn vốn từ 3-6 tháng cơ bản là những hứa hẹn không trung thực từ bên bán nhượng quyền", ông Tùng khẳng định.

Ví như mô hình Pizza Home cũng có những cửa hàng hoàn vốn nhanh, chỉ trong thời gian 4 tháng. Tuy nhiên tính trên toàn chuỗi thì định mức hoàn vốn đầu tư sau 3-6 tháng là điều bất khả. Chưa kể là có những rủi ro có thể khiến quán không kinh doanh được và phải đóng cửa.

"Thế nên chỉ lấy một điểm tốt nhất để làm mồi câu kéo người mua nhượng quyền là thiếu trung thực", ông nhận xét và cho rằng một mô hình kinh doanh ẩm thực khi mua nhượng quyền có thể hoàn vốn sau 12-18 tháng đã là "may mắn rồi".

"Nếu bên bán nhượng quyền quảng cáo 3-6 tháng hoàn vốn, hãy yêu cầu họ đưa vào hợp đồng ký kết với điều khoản thưởng phạt rõ ràng. Tôi nghĩ không bên bán nhượng quyền nào dám ký", ông này nói.

Vị này cũng chia sẻ tại thị trường Việt Nam, thời gian qua một số mô hình ẩm thực theo xu hướng đang áp dụng mạnh hình thức nhượng quyền. Và đây là cách thức giúp các mô hình ẩm thực phát triển bùng nổ.

Nói chung, bản chất việc nhượng quyền để có thể có được sự phát triển bền vững thì đòi hỏi 3 bên cùng đều phải có lợi, đó là bên bán nhượng quyền, bên mua nhượng quyền và khách hàng sử dụng sản phẩm. "Chỉ khi nào quyền lợi cả 3 đối tượng này đều được thỏa mãn thì quá trình nhượng quyền mới diễn ra dài hạn được", ông Tùng nói.

nhuong quyen sua chua tran chau anh 4

Ước tính hơn một nửa cửa hàng sữa chua trân châu đang được xây dựng qua hình thức nhượng quyền này. Ảnh: Thanh Thương.

Ông Trần Dũng, chuyên gia marketing về ngành F&B, cho biết hiện nay nhiều thương hiệu tranh thủ bán nhượng quyền thương hiệu và bán nguyên liệu để thu tiền cho mình mà không nghĩ cho bên mua, chưa thật lòng nói hết tất cả rủi ro phải đối mặt.

Vị chuyên gia cho hay: "Tuy nhiên không thể đổ lỗi hết cho bên nhượng quyền, mấu chốt quyết định thành công chính là việc lựa chọn thương hiệu và vị trí phù hợp".

Theo ông, vị trí đắc địa là một trong những yếu tố quan trọng nhất, các thương hiệu lớn trước khi đồng ý nhượng quyền hay không đều khảo sát trước về địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, tìm được một địa điểm như vậy là điều không dễ.

Ông nhận định khi thị trường dần ổn định, cơn sốt qua đi thì sẽ có sự đào thải dần. Chỉ có những thương hiệu đủ mạnh, sản phẩm tốt mới tồn tại và phát triển được.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm