Genre: Kinh dị, Bí ẩn
Director: Takashi Shimizu
Cast: Alan Shirahama, Ryota Katayose, Hayato Komori, Reo Sano…
Rating: 6.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Kinh cầu ma (tựa gốc: Minna no Uta) là dự án điện ảnh mới nhất của đạo diễn Nhật Bản Takashi Shimizu, hợp tác với nhóm nhạc nam nổi tiếng Generations from Exile Tribe. Nhắc đến Takashi Shimizu, anh được coi là “bậc thầy dòng phim kinh dị” tại xứ sở mặt trời mọc. Shimizu chính là gương mặt đứng sau thành công của bộ đôi phim The Grudge cùng Ju-on.
Với cá tính đặc biệt, nam đạo diễn sinh năm 1972 luôn thể hiện “cái tôi” rất rõ trong từng sản phẩm của mình. Anh thường mang đến những thước phim ma mị hay tạo hình đáng sợ, không lạm dụng máu me mà vẫn gây ám ảnh nhờ ngôn ngữ kể chuyện lôi cuốn. Chưa kể, Shimizu luôn có niềm hứng thú đặc biệt với các truyền thuyết đô thị. Những chi tiết này đều được thể hiện rõ trong phim mới của anh - Kinh cầu ma.
Thú vị nhưng kém trọn vẹn
Chuyện phim theo chân 7 thành viên trong nhóm nhạc Generations from Exile Tribe. Chỉ vài ngày trước khi diễn ra concert kỷ niệm, một thành viên trong nhóm biến mất bí ẩn. Lần lượt từng thành viên khác cũng cảm nhận được một thế lực vô hình đang đeo bám họ. Để tránh ồn ào truyền thông, Rin - cô nàng quản lý của nhóm - đã thuê một thám tử tư tên Gonda điều tra vụ việc.
Kinh cầu ma có nhắc đến truyền thuyết đô thị về Kaguyahime - một band nhạc Nhật Bản hoạt động vào những năm thập niên 1970. Trong buổi trình diễn cuối cùng của nhóm, một người hâm mộ gặp tai nạn và qua đời trên đường đến xem. Kỳ lạ hơn, người ta cũng thu được một giọng nữ lẫn trong cuốn băng cát-xét thu âm buổi biểu diễn.
Chi tiết cuốn băng được đạo diễn Takashi sử dụng như nguồn gốc mọi điều kỳ bí trong bộ phim kinh dị của mình. Nó phát ra thứ âm thanh ghê rợn bị nguyền rủa, lại ẩn chứa bí mật đen tối kinh hoàng phía sau. Lựa chọn chủ đề chính là âm nhạc, biên kịch đã biến nó trở thành một chất liệu kinh dị đặc biệt trong Kinh cầu ma. Không còn là thứ thuốc chữa lành tâm hồn, âm nhạc trong phim chẳng khác một bản án tử với những nạn nhân lỡ tiếp xúc với nó.
Bầu không khí u uất, ghê rợn được thiết lập ngay từ những thước phim đầu tiên. Đạo diễn sử dụng lối kể phi tuyến tính, cùng việc lồng ghép nhiều dòng hồi tưởng khiến câu chuyện đằng sau giai điệu ma quái càng thêm kỳ bí.
Hồn ma nữ sinh Sana trong phim được đạo diễn tái hiện với nhiều điểm tương đồng các phản diện trước đó. Cô gái có tính cách quái dị, bám đuôi những nạn nhân xấu số với mục đích “thu thập giọng nói của các linh hồn”, đưa họ vào thế giới của mình thông qua cuốn băng cát-xét.
Một điểm sáng trong câu chuyện Kinh cầu ma là hành trình của các nhân vật được lồng ghép yếu tố trinh thám. Sự góp mặt của vị thám tử hợp thức hóa cuộc điều tra những sự kiện bí ẩn. Qua đó, từng lớp sự thật được bóc tách, tiến dần đến cao trào hồi cuối.
Tiết tấu phim khá chậm rãi, dành nhiều thời gian khai thác bí ẩn đằng sau vụ mất tích và hành trình điều tra. Dẫu vậy, việc biên kịch ôm đồm tình tiết và sự xuất hiện của nhiều tuyến nhân vật dễ khiến khán giả bối rối. Chưa kể, hồi cuối tăng tốc khá nhanh, cùng với cái kết chóng vánh chưa thể giải quyết trọn vẹn những vấn đề đặt ra ngay từ đầu phim.
Phong cách đầy thách thức của Takashi Shimizu
Là bí mật có sức hút lớn nhất bộ phim, Sana - hồn ma nữ sinh được xây dựng khá ấn tượng. Đằng sau phản diện đáng sợ là một quá khứ không mấy hạnh phúc. Sự vặn vẹo trong suy nghĩ của cô nàng xuất phát từ tình yêu quái gở với âm nhạc, tính cách hướng nội, triệu chứng trầm cảm và cả những tổn thương, trầy xước từ mối quan hệ với bạn bè, gia đình.
Tất cả thúc đẩy cô nữ sinh đi tới quyết định đầy ám ảnh: tự sát và khao khát kéo mọi người vào thế giới riêng.
Những cảnh jump-scare (hù dọa) không được đạo diễn Takashi Shimizu sử dụng quá nhiều. Thay vào đó, anh lựa chọn cách đánh vào tâm lý khán giả, dùng bầu không khí kinh dị, ngột ngạt khiến họ ám ảnh. Từ màu sắc phim cho tới các góc quay đều cho thấy dụng ý của đạo diễn. Ngoài ra, phim cũng làm tốt khâu tạo hình phản diện, hay thiết lập những bối cảnh gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ.
Thế nhưng, âm nhạc mới chính là yếu tố xuất sắc trong Kinh cầu ma. Bộ phim của Takashi tái hiện âm thanh một cách chân thực, từ những tiếng động nhỏ nhất. Phần hiệu ứng cũng được dàn dựng cẩn thận, khiến người xem như được trải nghiệm câu chuyện cùng nhân vật trong phim. Đặc biệt, cách đạo diễn khai thác giai điệu ma ám khá ấn tượng, góp công lớn cho việc tạo dựng bầu không khí quỷ dị, đầy sự bất thường.
Kinh cầu ma cũng mang đến một số ca khúc do chính Generations from Exile Tribe trình diễn. Điều này dễ khiến các fan J-pop, đặc biệt là fan của nhóm cảm thấy thích thú.
Tuy nhiên, không kể phần âm nhạc, diễn xuất của các thành viên Generations from Exile Tribe đều khá mờ nhạt, khó để lại ấn tượng. Mỗi nhân vật trong số họ đều chưa cho thấy nét tính cách cụ thể, hành trình trong phim cũng hời hợt, thiếu chiều sâu tâm lý.
Điều này một phần do biên kịch chưa xây dựng câu chuyện cẩn thận cho mỗi thành viên. Họ gần như chỉ làm nền trong câu chuyện kinh dị xoay quanh hồn ma Sana. Cùng với đó, hạn chế về kinh nghiệm diễn xuất khiến phần thể hiện của cả nhóm thiếu tự nhiên, nhiều cảnh còn gồng gượng.
Cuối cùng, Kinh cầu ma để lộ dấu hiệu hụt hơi khi bước sang hồi cuối. Nhiều tình tiết phi lý, thiếu thuyết phục xuất hiện, khiến chuyện phim trở nên kém chặt chẽ. Một số khúc mắc phát sinh từ đầu phim chưa được giải quyết triệt để, còn bỏ ngỏ. Chưa kể, cách kết phim “đầy thách thức” của Takashi Shimizu cũng dễ gây tranh cãi.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu cuốn Hollywood: The Oral History với những chia sẻ của hơn 300 chuyên gia trong ngành, một số người dày dạn kinh nghiệm, thậm chí từng trải nghiệm cả thời làm phim câm và đã qua đời, cùng nhiều tên tuổi lớn khác như Steven Spielberg và Jordan Peele. Tác phẩm này là một cuốn sách đậm đà và thoả mãn được giới mọt sách showbiz.