Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiểu nhân viên 'thợ đụng', 'thợ dùi' nơi công sở

Trong tiếng Việt có từ "thợ đụng", nôm na là đụng cái gì làm cái đó, chẳng cần chuyên cái gì. Trong mọi tổ chức đều có dăm ba thợ đụng, cấp bậc lại thuộc dạng không phải vừa.

“Tôi không là những gì đã xảy ra cho tôi. Mà là những gì tôi lựa chọn để trở thành". - Carl Gustav Jung (1875-1961)

Sống, vô hình trung, là gánh cái nghiệp nào đó. Và cái nghiệp ấy thường lộ rõ nhất thông qua cái nghề của mình. Hẳn vì vậy mà nghề vẫn đi đôi với nghiệp: nghề nghiệp. Thoạt tiên có thể cho là vậy. Nhưng thực chất không đơn giản chút nào. Bởi chuyên nghiệp và nghề nghiệp là hai chuyện khác nhau. Không ít lĩnh vực gọi là nghề nghiệp đâu cần sự chuyên nghiệp mà vẫn tồn tại khá vững vàng.

Chuyen nghiep anh 1

Ảnh: Vietnamworks.

Trong tiếng Việt có từ thợ đụng, nôm na là đụng cái gì làm cái đó, chẳng cần chuyên cái gì. Tiếng Anh có ‘jack-of-all trades’, ‘master of none’, tương đương với tiếng Pháp ‘touche à tout’, ‘bon à rien’ thì tưởng mình oách hơn nhiều: vì cái gì cũng “đụng” cả nên cho rằng mình cái gì cũng biết. Từ đó mà thợ đụng biến thành thầy dùi chuyên nghề “dùi” các sếp, tạo thành một thế lực lũng đoạn tổ chức.

Trong mọi tổ chức đều có dăm ba thợ đụng đâu dùi đó, cấp bậc lại thuộc dạng không phải vừa, miệng mồm có gang có thép, chỉ tay năm ngón lẫm liệt oai phong - ai sơ sẩy đụng chạm thì không chừng mất nồi cơm, dây với oan gia mà uổng tử.

Từ đâu mà hình thành cớ sự như vậy?

Còn có thêm loại nửa thầy nửa thợ, học chữ không xong, học cày không nổi, chuyên nghiệp cái gì không ai biết, ngoại trừ chuyên tạo nghiệp. Vậy mà vẫn lượn lờ lửng lơ, thậm chí là lố lăng cứ lăm le múa rìu qua mắt thợ... Chắc do dốt đặc cán mai dốt dài cán cuốc, não bé sinh già mồm, óc nhỏ nên lớn họng. Thế mà vẫn có người cứ tấm tắc xuýt xoa. Quả là chẳng cái dại nào giống cái dại nào. Sự đần độn của nhân gian thật là... bất tận.

Ấy là còn chưa nói đến loại nhân sự đa năng để xử lý mọi việc, từ chổi cùn rế rách đến cả bung xung hứng đạn, tiếng Anh gọi là odd-jobber, tiếng Pháp gọi là homme à tout faire. Đừng bảo đấy là dân nghiệp dư, bởi cơ mà chuyên ra phết. Thí dụ hơi khiên cưỡng, nhưng thế cho dễ hình dung: tỷ như thiên lôi, ngọc hoàng chỉ đâu đánh đấy, nhưng phát nào ra phát nấy, ai dám bảo là amatơ?

Hoặc như đám tưởng cha căng chú kiết, vì chẳng biết từ đâu ra, chuyên cái gì, mà ngày một ngày hai nổi đám nổi đình ngon lành đến vậy? Trên toàn cầu và khắp lịch sử: bất cứ xứ nào, bất kể thời nào, cũng có, khác nhau là ít hoặc nhiều. Hóa lại là cậu ấm cô chiêu, con cha cháu chú, đẻ ra đã ngậm thìa vàng, sinh ngay nơi vạch đích. Nên chỉ cần thu xếp vài vở tuồng vai diễn cho huy hoàng tráng lệ, rồi cứ thế ăn trên ngồi trốc. Lại thêm những loại rách giời rơi xuống, nẻ đất chui lên, chẳng biết xoay xở làm sao mà phần lớn cửa nào cũng lọt, mánh ngon là trúng, ghế tốt là ngồi, ấm chỗ vinh thân rồi phì gia?...

Ngược lại, đám trên răng dưới dép, đã không có chống lưng, còn không biết dựa cột mà nghe, lại ti toe học đòi phô diễn, phù phép non tay. Bởi vậy mới trèo cao té đau, chỉ mong tự an ủi rằng thất bại là mẹ thành công, hoặc thành công là bảy lần ngã xuống, tám lần đứng dậy (châm ngôn Nhật Bản), hay có công mài sắt có ngày nên kim...

Ca dao Việt Nam “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa. Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa.” Đâu là nghiệp? Đâu là chuyên? Đâu là duyên? Đâu là chướng?...

Vậy, chuyên nghiệp đích thực nghĩa là sao? Thật sự cần thiết cho thể loại ngành nghề, chức vụ, cấp bậc gì? Có vai trò, công năng thế nào trong diễn trình kiến nghiệp, khai nghiệp, khởi nghiệp, dựng nghiệp, lập nghiệp...? Tại sao và khi nào con người cần đến Cái Tôi chuyên nghiệp? Cái Tôi ấy liên quan gì đến Cái Tôi hiện tiền Cái Tôi duyên khởi?

Rốt cuộc, hà cớ gì độ sâu của Cái Tôi nhất thiết phải được kết thành bởi thế chân kiềng chuyên nghiệp-hiện tiền-duyên khởi?

Tôn Thất Nguyễn Thiêm/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY