"Không thể có chuyện công nghệ ngày càng phát triển mà chúng ta vẫn tăng biên chế. Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ, các cấp chính quyền trực thuộc kiểm soát chặt chẽ", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ với Zing.vn.
Nhân dịp đầu năm mới 2020, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dành thời gian trao đổi về các bước đi của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương.
Ông cho biết một số cơ quan không những không giảm biên chế theo chủ trương chung mà đề xuất xin tăng.
- Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra mục tiêu từ năm 2021: “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của cán bộ công viên chức"... Khoảng thời gian còn lại cho đích đến đó không còn nhiều, Phó thủ tướng đánh giá thế nào về tính khả thi của mục tiêu này trong bối cảnh ngân sách hiện tại?
- Căn cứ Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27.
Theo đó, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập, còn các địa phương đã ban hành Chương trình hành động, kế hoạch của bộ ngành, địa phương để triển khai các nhiệm vụ được giao về cải cách chính sách tiền lương.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai việc thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề (nếu có) đối với công chức, viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý, trong đó phân công các đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất thực hiện để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo tiến độ được giao.
Trong năm 2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã họp 2 phiên nghe báo cáo về tiến độ, các phương án thiết kế bảng lương, chế độ phụ cấp, phương án bố trí nguồn cải cách tiền lương và những khó khăn trong việc thực hiện.
Đến nay, các bộ, cơ quan đang tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công tại Nghị quyết số 107, và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới thay thế chế độ tiền lương hiện hành.
Các bộ cũng sẽ ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện và tổ chức các Hội nghị phổ biến quán triệt chế độ tiền lương mới.
Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ theo phân công của Chính phủ. Với sự quyết tâm cao của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, tôi tin sẽ chúng ta sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo đúng lộ trình.
- Vấn đề căn bản khi bàn về cải cách tiền lương chính là xây dựng vị trí việc làm. Nhưng khi bắt tay vào triển khai thì các bộ, ngành đều tăng biên chế. Như ông đã nói trong một cuộc họp, có ngành tăng 5.000-6.000 biên chế, trình đi trình lại Bộ Chính trị không duyệt nên lại xin không tăng mà giữ nguyên. Như vậy tức là không giảm được người hưởng lương từ ngân sách. Theo Phó thủ tướng, vì sao có tình trạng này?
- Nhìn về mặt tổng thể, việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần các Nghị quyết số 18, 19, 26 và 27-NQ/TW và Nghị quyết số 56 của Quốc hội đã được các cấp ủy, chính quyền tích cực triển khai và đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, bước đầu về giảm biên chế, giảm người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách để Nhà nước dành nhiều nguồn lực hơn cho các nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo an sinh xã hội.
Tính đến 30/6/2019, toàn hệ thống chính trị đã giảm 3 đầu mối (đang hoàn thiện thủ tục để giảm thêm 1 đầu mối) trực thuộc Trung ương, 61 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 485 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 7 tổng cục và tương đương; 87 cục, vụ, 73 đơn vị sự nghiệp thuộc Ban, Bộ, ngành Trung ương; giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó; đã tinh giản được khoảng 97.900 biên chế…
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần tiết kiệm chi thường xuyên trong năm 2019 khoảng 10.000 tỷ đồng để tăng chi cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đổi mới tổ chức bộ máy của đơn vị thì có cơ quan đề xuất không những biên chế giảm mà còn tăng lên.
Chính phủ đã kiên quyết bác đề xuất này và cũng quán triệt, yêu cầu Bộ Nội vụ, các cấp chính quyền trực thuộc kiểm soát chặt chẽ. Không thể có chuyện công nghệ ngày càng phát triển mà chúng ta vẫn tăng biên chế được.
Trong cải cách tiền lương, xây dựng Đề án vị trí việc làm là giải pháp căn bản, còn tinh giản biên chế và quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính là nhiệm vụ đột phá để thực hiện thành công cải cách lương.
- Xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương cũng sẽ đồng nghĩa với việc không còn cán bộ “sống lâu lên lão làng”. Qua tìm hiểu và đánh giá tác động, việc này tạo ra tâm tư thế nào cho đội ngũ cán bộ công chức, thưa Phó thủ tướng?
- Qua tiếp xúc cử tri và cả những chuyến kiểm tra tại địa phương theo chương trình của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín và ngang tầm nhiệm vụ”, và Nghị quyết 18 của Trung ương về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy”, tôi thấy rằng cử tri và các cấp ủy đều đồng tình và đánh giá cao các chủ trương trên của Đảng.
Tuy nhiên, trong thực hiện thì vẫn còn những điều nhạy cảm, tế nhị không thể tránh khỏi. Vì thế, cần người đứng đầu không chỉ nắm rõ nội tình đơn vị, quyết liệt thực hiện mà phải khéo léo và ứng xử “có tình có lý”.
Tôi nhận thấy rất nhiều địa phương đang thực hiện hiệu quả công việc này, kể cả trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết, như ở Hà Nội đã sắp xếp, tinh giản biên chế, giảm được rất nhiều chi thường xuyên.
- Một thực tế khác được chúng ta nhắc đến nhiều năm qua là tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Khi áp dụng chính sách mới, làm sao xử lý được việc cán bộ ngồi vào ghế nhưng không chịu làm việc hoặc không làm được việc mà vẫn hưởng lương từ ngân sách?
- Việc thực hiện mức lương mới từ năm 2021 sẽ có tác động tích cực tới việc đánh giá cán bộ. Phải thực hiện nghiêm túc việc đưa ra khỏi nền công vụ cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng với đó, việc thực hiện các quy chế dân chủ ở cơ sở, việc sửa đổi Luật cán bộ công chức, Luật viên chức sẽ là đòn bẩy để đánh giá đúng cán bộ, khắc phục hiệu quả tình trạng này.
Nghị quyết số 27 của Trung ương cũng đã có chủ trương ngoài tiền lương và phụ cấp, ngân sách Nhà nước còn bố trí quỹ tiền thưởng (bằng 10% tổng quỹ lương) để người đứng đầu chi trả, phân phối cho cán bộ, công chức căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc được giao. Điều này sẽ giúp cho việc phân loại, đánh giá cán bộ công chức sát thực hơn và có động lực hơn cho mọi người phấn đấu.
- Phó thủ tướng từng nói: “Học cách xác định tiêu chí việc làm của thế giới nhưng phải gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Nước còn nghèo thì phải làm việc cật lực, có năng suất cao hơn. Nước giàu có thể làm ít hơn nhưng vẫn có thu nhập cao, có phúc lợi xã hội cao hơn”. Nhưng thực tế, rất nhiều ý kiến đang đấu tranh muốn giảm giờ làm. Phó thủ tướng nghĩ sao?
- Mỗi chính sách mới đưa ra luôn có những ý kiến trái chiều, đó là điều bình thường, nhất là đối với những nội dung liên quan tới thu nhập, đời sống của người dân.
Chúng ta cần có tranh luận thấu đáo để khi quyết định vấn đề sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho đất nước và người dân. Điều quan trọng không chỉ là thời gian làm việc mà năng suất, hiệu suất làm việc mới là yếu tố có tính chất quyết định.
Đồng thời chúng ta cũng phải phấn đấu để xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ như chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đã đặt ra.
Cá nhân tôi cho rằng chúng ta cần tranh thủ lợi thế về "dân số vàng", phải lao động chăm chỉ hơn nữa để góp phần bù đắp và cải thiện năng suất lao động, trình độ kỹ năng của người lao động.
Đồng thời đang triển khai thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài theo định hướng mới với công nghệ hiện đại, gắn kết với sản xuất trong nước và tuân thủ các nguyên tắc về môi trường.
Đó là những bước đi đúng đắn để nâng cao tiềm lực quốc gia, tiềm lực của lực lượng lao động trong bối cảnh mới và chúng ta cần phải tận dụng triệt để các cơ hội bằng cách “hoà mình” vào dòng chảy của xu thế mới.
- Khi áp dụng chính sách tiền lương mới vào năm 2021, điều Phó thủ tướng kỳ vọng nhất là gì?
- Tôi kỳ vọng mức lương mới bảo đảm được đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.
Thêm vào đó, chính sách sẽ góp phần kéo giảm tình trạng tham nhũng, kể cả "tham nhũng vặt" trong hệ thống cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp hiện nay.
- Xin cảm ơn Phó thủ tướng!