Sau 1,5 ngày làm việc và thảo luận, trưa 31/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương.
Ông nhấn mạnh đây là hội nghị có quy mô rất lớn với sự tham dự của 15 Uỷ viên Bộ Chính trị, hàng chục Bí thư Trung ương Đảng, 60 Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ và chủ tịch các địa phương...
Theo đó, đã có 36 kiến nghị trực tiếp qua phát biểu và 366 kiến nghị bằng văn bản. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng, phải trả lời tất cả kiến nghị của địa phương.
Ô nhiễm văn hóa độc hại không kém ô nhiễm không khí
Nhắc đến bối cảnh chung, Thủ tướng cho biết tình hình kinh tế - xã hội phát triển đáng mừng, cao hơn năm 2018 dù bối cảnh quốc tế, khu vực còn nhiều khó khăn, thách thức.
“Tiềm lực đất nước đã được khơi dậy. Chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ như thế. Đó là kết quả phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các bộ, ngành, địa phương phải năng động hơn và phải có khát vọng phát triển. Ảnh: Quang Hiếu. |
Ghi nhận nhiều địa phương, cơ sở có những cách làm tốt, Thủ tướng kêu gọi các nơi khác phải năng động hơn, biến thành khát vọng phát triển.
“Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói chúng ta phải có khát vọng phát triển. Ta mới chỉ làm được một số việc chứ không phải tất cả”, Thủ tướng lưu ý.
Dẫn chứng ngay trong Lễ ghi nhận thành quả xuất nhập khẩu đạt trên 500 tỷ USD, Thủ tướng chưa hài lòng khi dịch vụ logistic còn cao, một quả xoài mà tốn kém đến 50% giá dịch vụ. Vì thế, phải khắc phục được khâu yếu này.
Hay câu chuyện điện lực, người đứng đầu Chính phủ quán triệt Bộ Công Thương phải có chủ trương, chính sách để chủ động trong cung cấp điện.
“Tìm ra vấn đề rồi thì phải khắc phục chứ không phải cứ biết rồi, để đó và nói mãi. Vai trò của bộ trưởng là phải khắc phục bất cập”, Thủ tướng nói.
Theo ông, chúng ta nói khát vọng đổi mới, sáng tạo nhưng đồng thời phải khắc phục được tồn tại, yếu kém, bất cập chứ không phải cứ nói chung chung và hành động còn nhiều vấn đề.
Ngoài những thành tích được nhân dân ghi nhận, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng phải thấy những tồn tại như chậm giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN chậm trễ, ô nhiễm không khí, rác thải và nhiều vấn đề bức xúc của xã hội như ma túy, văn hóa xứng xử…
Đặc biệt, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng bổ sung thông điệp “không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh của xã hội lấy kinh tế”.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta cần xây dựng định hướng này vì đây là nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng nói, môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém gì ô nhiễm không khí.
Nhấn mạnh quan điểm “có thực mới vực được đạo”, song ông lưu ý cần quan tâm môi trường sống và văn minh xã hội. Theo Thủ tướng, đạo đức xuống cấp thời gian qua làm ta đau lòng nên ta phải chuyển hướng mạnh mẽ, không thể chỉ nói về kinh tế.
Không thể sống trên dư luận được đâu!
“Kinh tế xã hội phát triển thì phải gắn với truyền thống tốt đẹp. Hành vi ứng xử của công dân phải nhân văn. Phát triển kinh tế phải làm sao hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn và tuân thủ pháp luật. Kinh doanh nhưng phải có khát vọng phát triển đất nước, gắn với vấn đề xã hội chứ không chỉ lo cho bản thân mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông quán triệt không để “người nghèo cứ nghèo, người giàu cứ giàu”, đó là vấn đề đáng lo ngại.
Cho rằng người dân cần nhiều mặt chứ không chỉ là kinh tế đơn thuần, Thủ tướng nhắc lại mục tiêu phát triển ba trong một về kinh tế - xã hội - môi trường.
Ông cũng nhắc đến 4 bài học, 5 kinh nghiệm mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập.
Trước hết, phải kế thừa và phát huy những thành tựu có ý nghĩa từ đầu nhiệm kỳ đến nay. “Nếu dừng lại và thỏa mãn thì không thể thành công, ta phải phát huy, mạnh mẽ lên”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của toàn dân, toàn quân. “Quyết tâm này còn thấp, trong một bộ phận khí thế, trách nhiệm chưa phải cao lắm. Chỉ từ đoàn kết mới có quyết tâm, tâm huyết mới sáng tạo được”, Thủ tướng nhắc nhở.
Đặc biệt, ông cho rằng phải biết tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống. “Phải lắng nghe, không thể sống trên dư luận và bỏ qua dư luận được đâu”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Phiên họp của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Quang Hiếu. |
Ông cũng nhắc nhiệm vụ đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để kinh tế tư nhân cùng với kinh tế Nhà nước trở thành lực lượng nòng cốt. Làm sao đầu tư xã hội phải cao hơn, tốt hơn những năm qua, đó là động lực quan trọng để phát triển đất nước.
“Khi đầu tư công nhiều bất cập thì phải huy động nguồn lực, còn nếu chỉ lo ba đồng vốn Nhà nước thì không đủ được”, Thủ tướng nói.
Đặc biệt, Thủ tướng nhắc “tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được”, vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
“GDP cao hơn năm 2018 là điều đáng mừng nhưng phải nhìn lên, nhìn xuống xem các nước đạt bao nhiêu, tại sao ta chỉ được thế”, Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị lãnh đạo bộ ngành, địa phương cùng các thành viên Chính phủ không chủ quan, đừng coi ta đã có nhiều thành tích.
Không để thiếu thịt lợn dịp Tết
Người đứng đầu Chính phủ nêu ra nhiều quan điểm chỉ đạo cho năm mới.
Đó là không ngừng đổi mới tư duy, tập trung tháo gỡ khó khăn, vuớng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ông đề nghị hoàn thiện chính sách pháp luật phải nói rõ sửa điều nào, khoản nào gây kìm hãm phát triển chứ không thể nói chung chung.
Để phát triển, Thủ tướng cũng lưu ý phải khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo sự phát triển mạnh mẽ ở các ngành, các lĩnh vực.
“Nguồn lực của đất nước còn rất lớn. Chúng ta phát triển thế là tốt nhưng còn dưới tiềm năng. Muốn làm tốt phải tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển. Đừng nghĩ cái gì không làm được thì quản lý làm kìm hãm sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng yêu cầu.
Nhắc đến chính sách chuyển đổi mạnh mẽ, ứng dụng KHCN và nâng cao chất lượng nguồn lực, Thủ tướng nói về câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp và cho rằng, nếu theo bài học truyền thống “con trâu đi trước, cái cày đi sau” thì không thể tái cơ cấu nông nghiệp được.
Trong nhiệm vụ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, Thủ tướng đề nghị nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và có chế tài xử nghiêm vi phạm.
Ông thẳng thắn đánh giá ở một số bộ, ngành, địa phương giữ kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, chủ trương rất nhiều nhưng “không thấm”. “Văn bản gửi xuống bộ, địa phương dăm ba tháng không xử lý, đẩy qua đẩy lại, bức bối nhiều thứ nên cần chế tài xử lý vi phạm”, Thủ tướng quán triệt và lưu ý có những vi phạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.
Một điều quan trọng khác được Thủ tướng lưu ý là phải khơi dậy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, về ý chí tự lực tự cường, xây dựng đất nước vững mạnh và hùng cường.
Nhấn mạnh cán bộ ở vùng nào cũng đều phải có khát vọng vươn lên, Thủ tướng nói nếu "sáng cắp ô đi tối cắp về" thì không thể truyền đạt khát vọng này.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh từng bộ phải có chương trình hành động, kịp thời xử lý các vấn đề bức xúc. “Điểm tên” Bộ GTVT, Thủ tướng yêu cầu đơn vị này tập trung xử lý những nút thắt về công trình giao thông trọng điểm, thực hiện lời hứa về thu phí không dừng chứ không thể “anh hứa trước Quốc hội rồi mà anh không làm”.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2020, Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành không để thiếu hàng Tết, kể cả thịt lợn, không được đẩy giá lên làm ảnh hưởng đến lạm phát của quý I/2020.
Đặc biệt, không được tranh thủ dịp Tết để cấp dưới biếu quà cấp trên. “Các địa phương cũng không ùn ùn xe cộ ra nhà lãnh đạo để chúc Tết. Đó không phải là nêu gương”, theo người đứng đầu Chính phủ.