Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 của Chính phủ để trình Quốc hội xem xét.
Tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị cho dự án này là gần 111.700 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD).
Công trình giao thông hàng không này được xác định là cấp đặc biệt, sẽ được đầu tư bằng vốn doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật trong thời gian từ 2020-2025.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành. |
Chính phủ xác định quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường băng cất hạ cánh, 1 nhà ga với công suất đón 25 triệu hành khách mỗi năm với tổng diện tích 373.000 m2, nhà ga hàng hóa tiếp nhận 1,2 triệu tấn hàng mỗi năm và các hạng mục phụ trợ.
Ngoài ra còn có hệ thống giao thông kết nối trực tiếp với sân bay gồm: Tuyến số 1 nối sân bay với quốc lộ 51 có quy mô 6 làn xe; Tuyến số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe.
Với 4 hạng mục đầu tư quan trọng, Chính phủ đưa ra phương án đề xuất giao ACV thực hiện 3 hạng mục.
Cụ thể, hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giao ACV là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê.
Hạng mục các công trình thiết yếu của cảng hàng không dự kiến giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục các công trình dịch vụ đề xuất giao nhà đầu tư, khai thác cảng (ACV) hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.
Riêng các công trình phục vụ quản lý bay sẽ giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Chính phủ nhấn mạnh VATM là doanh nghiệp Nhà nước và là doanh nghiệp duy nhất được cung cấp dịch vụ công ích quản lý, điều hành hoạt động bay tại Việt Nam. Do vậy, việc đề xuất giao VATM đầu tư các hạng mục liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động bay bằng vốn của doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ quản lý, điều hành bay cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là phù hợp.
Với việc giao nhiều hạng mục cho ACV, Chính phủ lập luận dự án có thể sử dụng phần vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp. Do vậy, việc giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng trực tiếp đầu tư 3 hạng mục bằng vốn của doanh nghiệp là có thể xem xét chấp nhận được.
Tuy nhiên, đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Do vậy, việc giao ACV làm nhà đầu tư, khai thác cảng cần phải được Quốc hội thông qua.
Về phương án huy động vốn của ACV, Chính phủ cho biết đơn vị này cần huy động là 4,194 tỷ USD, tương đương 98.014 tỷ đồng.
Trong đó, vốn chủ sở hữu ACV đã bố trí được là 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư, đơn vị này phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD.
“Với năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án”, Chính phủ nhận định.