Chiều 4/11, Hiệp hội taxi TP.HCM đã gửi kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan, đề nghị xem xét tính pháp lý, tính cạnh tranh và nghĩa vụ thuế của phần mềm ứng dụng Uber tại Việt Nam, tiến tới cấm loại hình này.
Theo ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, Uber đang hoạt động phi pháp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp taxi. “Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô ở Việt Nam thì Uber hoạt động không theo quy định nào. Chúng ta cần xác định Uber là cò, môi giới vận tải, hay đang thực sự điều hành hoạt động vận tải hành khách bằng taxi, tức taxi mù cao cấp”, ông Hỷ nói.
Hiệp hội taxi TP.HCM cho rằng, nếu được cho cơ chế hoạt động như Uber hiện tại thì giá cước của taxi sẽ cạnh tranh hơn cả Uber. |
Lý giải của hiệp hội này, nếu môi giới, cò thì Uber chỉ có nhiệm vụ duy nhất là giới thiệu và chờ nhận tiền cò (hoa hồng). Nhưng với những hoạt động hiện tại thì có thể khẳng định, Uber đang điều hành trọn vẹn một quy trình phục vụ hành khách, giống như hoạt động của một hãng taxi thực sự. Từ tiếp nhận yêu cầu của khách, cung cấp thông tin 2 chiều cho lái xe và khách, điều xe và quyết định hành trình chạy xe, giá cước, giám sát hành trình, thu tiền cước khi kết thúc hành trình, thực hiện việc ăn chia với chủ xe …
Ngoài ra, Uber còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, quy định chế tài xử phạt khi lái xe có lỗi, phạt hành khách (5.000đồng/lần) nếu kêu xe mà bỏ cuộc… Song lại không chịu mọi trách nhiệm pháp lý cho chủ xe, hành khách, không đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước.
Cũng theo hiệp hội, một vấn đề cần quan tâm nữa là các công ty cho thuê xe, chủ xe và lái xe được Uber điều động tham gia hành trình phục vụ khách đều không có chức năng kinh doanh taxi như pháp luật quy định. Xe không logo, hộp đèn, không có đồng hồ tính tiền, không bộ đàm, lái xe không cần mặc đồng phục…
“Trái ngược với 'nhiều không' của Uber, các các hãng taxi và lái xe taxi truyền thống ngày càng có xu hướng được quản lý chặt chẽ hơn. Đây là điều bất bình đẳng, trái với quy định”, ông Hỷ nói thêm.
Trong kiến nghị gửi các bộ ngành, Hiệp hội taxi TP.HCM cũng cho rằng, các hãng taxi truyền thống ngoài việc phải đầu tư phương tiện, phải chịu rất nhiều loại thuế phí, trong đó riêng thuế VAT đã là 10%, phải tham gia đóng bảo hiểm xe, bảo hiểm khách hàng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… “Nếu các hãng taxi truyền thống được ưu đãi như Uber chúng tôi cũng có thể xây dựng mức giá cước như giá Uber đang áp dụng hiện nay”, một đại diện khác khẳng định.
Ngoài ra, trước khi gửi kiến nghị này, Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết đã nghiên cứu, thăm dò ý kiến của doanh nghiệp, khách hàng về hoạt động của Uber. Và nhận được nhiều phản hồi trái chiều, nhưng đa phần cho rằng, cần thận trọng đón nhận loại hình mới mẽ này. Do vậy, ý kiến chung của các đơn vị vận tải là cần có chính sách và cơ chế bảo hộ - hỗ trợ cho taxi truyền thống; có thời gian, lộ trình để các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng mới, hiện đại hóa hình phương tiện….
"Chắc chắn một điều là các hãng taxi truyền thống phải cải tiến quy trình công nghệ, nhưng không thể làm ngay trong một sớm một chiều. Trên cơ sở nguyên tắc này, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải nên quyết định chấm dứt hoạt động của Uber tại Việt Nam cho đến khi có quy định mới phù hợp", người đứng đầu Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết.