Tham gia thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 9/11, nói về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho biết đến cuối tháng 10, địa phương này có hơn 430.000 người nhiễm và khoảng 16.600 người tử vong vì Covid-19. TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh khi chiếm tới 47% số ca nhiễm và 75% số ca tử vong của cả nước.
Thời gian giãn cách xã hội, ông Nhân cho biết toàn TP chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động (0,7% tổng số doanh nghiệp của TP). “Tức là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm, mất thu nhập trong hơn 3 tháng”, ông Nhân nói và cho biết dự báo năm 2021 TP.HCM tăng trưởng âm 5%.
Kiến nghị dành 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp
Đại biểu Nhân nêu 4 giải pháp TP.HCM cần tập trung triển khai, trong đó có tổng kết sâu sắc việc chống dịch trong 2 năm qua để thực hiện đồng bộ, kiểm soát hiệu quả hơn nữa; phấn đấu đưa mức người nhiễm từ 1.000/ngày xuống 500/ngày theo khuyến cáo của WHO.
TP.HCM cần hỗ trợ cho 430.000 người đã nhiễm bệnh và gia đình của 16.600 người đã chết, để họ phục hồi sức khỏe, tinh thần tiếp tục mưu sinh, lao động; hỗ trợ, thu hút trở lại 300.000 lao động phải về quê do dịch bệnh, hoặc sớm tìm nguồn bổ sung và cuối cùng là hỗ trợ doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh.
“Mặc dù kinh tế TP năm nay dự kiến tăng trưởng âm 5%, các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế TP vẫn còn nguyên vẹn. Thiết bị, công nghệ, máy móc của 288.000 doanh nghiệp; hệ thống đường giao thông cung cấp điện, nước, thông tin; các hợp đồng quan hệ kinh tế cơ bản còn nguyên…”, đại biểu TP.HCM cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM). Ảnh: Quốc hội. |
Theo ông Nhân, doanh nghiệp không có thu nhập để mua nguyên liệu vật tư cho giai đoạn sản xuất sắp tới, trả lương cho người lao động, trả tiền điện nước, vận tải.
“Đoàn tàu kinh tế TP.HCM còn nguyên đầu tàu và các toa tàu, đường ray, trưởng tàu, trưởng toa và 92% nhân viên các toa tàu, chúng ta cần kinh phí để có thể mua dầu thì đoàn tàu sẽ chạy trở lại. Khi tàu trở lại, bán được vé sẽ có tiền chi trả được nợ vay”, ông Nhân so sánh.
Vị đại biểu dự báo 20% doanh nghiệp trên địa bàn TP có thể tự khởi động lại không cần hỗ trợ, còn lại cần khoảng 440.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ lưu động thì mới có thể khởi động lại hầu hết doanh nghiệp này, với mức vay của doanh nghiệp là 5 tỷ đồng, hộ kinh doanh cá thể là 25 triệu đồng.
Với cả nước, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị dành 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đã chi hơn 100.00 tỷ đồng, dự kiến còn 100.000 tỷ, thiếu 100.000 tỷ đồng. Số tiền thiếu này có sẵn trong đầu tư công do chúng ta chưa dùng hết hơn 100.000 tỷ năm nay.
Đề nghị huy động 3 triệu tỷ vốn đầu tư trong xã hội
Về điều hành kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) kiến nghị cần kiểm soát giá cả, không để đầu cơ, tích trữ hàng hóa, nếu để lạm phát cao sẽ phá vỡ các kế hoạch đề ra.
Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ông Ngân thông tin đến nay cả nước mới giải ngân khoảng 65% tổng nguồn vốn, còn trên 160.000 tỷ cần giải ngân tạo đà phát triển cho giai đoạn tới. Đặc biệt, năm 2022 kế hoạch vốn đầu tư công cả nước là 560.100 tỷ đồng vừa là cơ hội vừa là thử thách lớn, cần tập trung vào khu vực trọng điểm, có tính động lực lan tỏa.
Giãn cách xã hội ở một số địa phương gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Để GDP tăng 6-6,5%, ông Trần Hoàng Ngân cho biết cần huy động vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong dân là gần 2 triệu tỷ đồng. Muốn vậy, cần gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp 2-3% và kéo dài trong 2 năm, sẽ cần 40.000-60.000 tỷ, nguồn này có thể lấy từ đầu tư công mà chưa phân bổ.
Đối với dịch Covid-19, ông Ngân đánh giá vẫn diễn biến phức tạp và rất đáng quan ngại. Nhưng nhìn về tương lai, ông cho rằng còn nhiều tiềm năng, cơ hội để nước ta phát triển cao và tăng tốc.
Về kiểm soát dịch Covid-19, ông Ngân tán thành với ý kiến của nhiều đại biểu về việc tăng cường y tế tuyến cơ sở, y tế dự phòng tuy nhiên nhấn mạnh thêm việc tự chủ vaccine, tạo điều kiện chủ động nguồn cung vaccine trong nước. Đồng thời, cần chú ý thêm về nguồn thuốc đặc trị Covid-19.
Vị đại biểu TP.HCM cho rằng cần tăng cường công tác dự báo vì giúp chúng ta xây dựng được các kịch bản phòng thủ từ sớm, tránh bị động như thời gian vừa qua với biến chủng Delta.