Trao đổi với Zing, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung xác nhận các địa phương từ Đà Nẵng ra đến Quảng Bình đều sử dụng loại cột điện bê tông cốt thép ly tâm (hay còn gọi là cột ly tâm dự ứng lực). Vừa qua, gần 500 cột điện loại này bị gãy, đổ khi các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 5.
Dư luận đang đặt câu hỏi vì sao các cột điện này được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 với ứng suất chịu được gió giật cấp 12 lại bị gãy khi bão số 5 chỉ cấp 8-9, giật cấp 11.
Sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết từ năm 2016, Hội Bê tông Việt Nam biên soạn Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5847:2016 về cột điện bê tông cốt thép ly tâm. Sau đó, Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Xây dựng) thẩm định bộ tiêu chuẩn này.
Khi Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, EVN khuyến khích các đơn vị thành viên sử dụng cột bê tông cốt thép ly tâm thay cho trụ điện truyền thống.
Cột điện bị gãy trên đường Phan Châu Trinh, TP Huế. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5847:2016, tùy mục đích sử dụng, trạng thái ứng suất, kích thước, tải trọng và mô men uốn thiết kế, cột điện bê tông được phân thành hai nhóm I và II. Cột nhóm I được sử dụng để truyền dẫn, phân phối điện. Còn cột nhóm II được sử dụng cấp điện cho các tuyến đường sắt, xe điện...
Cột bê tông cốt thép ly tâm thuộc nhóm I có dạng côn cụt rỗng, với chiều dài 6-22 m, mặt cắt tròn độ côn bằng 1,11% và 1,33% theo chiều dài cột. Cột nhóm II có dạng hình trụ rỗng, chiều dài từ 8-14 m. Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, những cột điện bị gãy trong cơn bão số 5 vừa qua thuộc nhóm I.
Cũng theo TCVN 5847:2016, vật liệu để sản xuất cột điện gồm xi măng, nước, phụ gia, bê tông... Tất cả vật liệu này phải đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng.
Để sản xuất cột điện bê tông cốt thép ly tâm có thể sử dụng xi măng poóc lăng (loại vật liệu được sử dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới, nó là thành phần cơ bản của bê tông, vữa, hồ) phù hợp với TCVN 2682:2009 hoặc TCVN 6260:2009.
Cận cảnh cột điện bị gãy. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Đối với khu vực môi trường xâm thực có thể dùng xi măng poóc lăng bền sun phát phù hợp với TCVN 6067:2004 (hoặc phù hợp với TCVN 7711:2013).
Ngoài ra, TCVN cũng cho phép nhà sản xuất sử dụng các loại xi măng poóc lăng khác kết hợp với phụ gia hoạt tính, đáp ứng yêu cầu về khả năng chống xâm thực.
Tạm dừng sử dụng cột ly tâm dự ứng lực
Ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, khẳng định ngành điện không tự ý soạn thảo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5847:2016 và cũng không sản xuất cột điện bê tông cốt thép ly tâm để sử dụng.
Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền thí nghiệm đạt tiêu chuẩn, ngành điện chọn đơn vị trúng thầu để cung ứng cột điện. "Quá trình sản xuất, lắp đặt cột điện cũng được các cơ quan chuyên môn, ngành điện lực giám sát theo quy trình nghiêm ngặt", ông Long nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Đại Phúc, Phó giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, nói các cột điện được đưa vào sử dụng cho công trình đều tuân thủ quy định hiện hành.
"Trước khi cột điện được xuất xưởng, cơ quan chức năng đã tiến hành 2 thử nghiệm chịu lực và phá hủy. Hai thử nghiệm này nếu đạt mới được dán tem chứng nhận chất lượng xuất xưởng", ông Phúc cho chia sẻ.
Lãnh đạo Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết sau bão số 5, EVN đã yêu cầu cơ quan chuyên môn, ngành điện kiểm tra, đánh giá lại điều kiện tự nhiên của khu vực miền Trung, nơi có khí hậu khắc nghiệt, biến đổi bất thường để làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến các cột điện bị gãy.
Cơ quan chức năng dán tem (phải) chứng nhận chất lượng nhưng hàng trăm cột điện vẫn bị gãy khi bão số 5 đổ bộ. Ảnh: Điền Quang. |
Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực miền Trung cũng giao các đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính phù hợp của loại cột ly tâm trong điều kiện cụ thể như diễn biến của đợt thiên tai vừa qua.
"Khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, ngành điện sẽ tạm dừng sử dụng các cột ly tâm dự ứng lực", ông Phúc cho biết.
Trao đổi với Zing, một kỹ sư xây dựng ở Đà Nẵng cho biết quy định về thiết kế cột điện rất nghiêm ngặt nhưng thực tế đơn vị sản xuất có làm theo đúng TCVN hay không thì cần có một đơn vị chuyên môn độc lập kiểm tra, giám sát.
Vị chuyên gia này chưa thể khẳng định hàng trăm cột điện bị gãy có đảm bảo chất lượng hay không nhưng qua cơn bão số 5 thì lộ ra một số dấu hiệu bất thường. Theo thiết kế, cột điện chịu được gió giật trên cấp 12. Khi bão số 5 gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 đổ bộ, hàng trăm cột điện bị hư hỏng.
"Để không xảy ra hậu quả đáng tiếc, các cơ quan Trung ương cần thành lập hội đồng khoa học để đánh giá. Nếu chất lượng cột điện không đảm bảo theo tiêu chuẩn thì phải dừng sử dụng, xử lý những đơn vị liên quan", vị kỹ sư này nói.
Bình luận