Bão số 5 với gió mạnh cấp 7-8 đã khiến 408 cột điện tại Thừa Thiên - Huế gãy ngang, 68 trụ cũng bị nghiêng, sắp đổ. Thiệt hại này khiến Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế Hà Thanh Long "rất bất ngờ". Theo ông, đây là lần đầu ngành điện bị thiệt hại nghiêm trọng đến vậy. Ước tính tổn thất lên đến khoảng 12 tỷ đồng.
3 ngày sau cơn bão số 5, ngành điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa khắc phục xong sự cố. Ông Long cho rằng điều không thể chấp nhận được là cột điện được thiết kế để chịu đựng sức gió giật trên cấp 12 lại gãy đổ khi gió mới ở cấp 7-8.
Zing đã có cuộc trao đổi với ông Long để làm rõ những nghi vấn của người dân xung quanh chất lượng cột điện.
Hơn 400 cột điện bị gãy
- Thưa ông, bão số 5 đã gây thiệt hại thế nào đối với ngành điện tỉnh Thừa Thiên - Huế?
- Bão số 5 đã làm 408 cột điện các loại bị gãy đổ, ảnh hưởng hơn 280.000 khách hàng và 2.050 trạm biến áp... Những cột điện bị gãy, đổ đã được nhân viên Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế dọn vào lề đường để chờ cơ quan chức năng kiểm đếm, xác định nguyên nhân hư hỏng.
Ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Bão đi qua, công ty đã huy động gần 500 kỹ sư, công nhân và hơn 100 phương tiện làm việc cả ngày lẫn đêm để khắc phục sự cố.
Đơn vị đã dựng lại 68 cột điện bị nghiêng để đấu nối nguồn điện. Tại các vị trí cột gãy đổ, chúng tôi phải móc dây tạm vào các cây ven đường để đảm bảo cung cấp điện kịp thời cho người dân.
Giải pháp này chỉ là tạm thời còn việc khắc phục hoàn toàn lưới điện thì phải đến cuối năm.
- Bão không lớn nhưng tại sao có nhiều cột điện bị gãy như vậy?
- Tôi cũng bất ngờ vì lần đầu tiên, ngành điện bị thiệt hại nghiêm trọng như vậy. Cơn bão này có gió cấp 7-8, giật khoảng cấp 10 nhưng số cột điện bị hư hỏng rất nhiều. Đây là điều chưa từng xảy ra trong vòng 10 năm qua.
Điều đáng nói, theo thiết kế thì cột điện ly tâm dự ứng lực chịu được sức gió giật trên cấp 12. Theo thiết kế, loại cột này có khả năng chịu gấp đôi lực dự kiến tác động thực tế. Tuy nhiên, cơn bão vừa qua gió giật chưa đến cấp 12 nhưng nó vẫn bị gãy.
Cận cảnh cột điện bị gãy ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2 loại cột điện gồm: Cột thép đúc truyền thống và ly tâm dự ứng lực. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, cột điện ly tâm dự ứng lực chịu lực tốt, nhưng có đặc tính giòn. Trong khi đó, cột đúc truyền thống có đặc tính dẻo.
Khi bị tác động ngoại lực mạnh, cột ly tâm dự ứng lực sẽ đứt gãy lìa. Còn cột điện truyền thống được thiết kế có lõi sắt cỡ lớn nên khi bị tác động của ngoại lực nó sẽ cong oằn, ít gãy đứt lìa.
Đập vỡ cột điện để chứng minh có lõi sắt
- Ông lý giải thế nào về việc người dân phát hiện có nhiều cột điện bị gãy không có lõi thép bên trong?
- Cột dự ứng lực được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 và TCVN 6284-997. Trước khi xuất xưởng, sản phẩm này đã qua thí nghiệm về lực ứng xuất, thí nghiệm chịu đựng, phá hủy và được đóng dấu Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).
Với những đặc tính trên và giá thành rẻ hơn từ 5-10% nên từ năm 2016, theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hầu hết tỉnh, thành đều sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực.
Cột thép đúc truyền thống hay ly tâm dự ứng lực cũng có lõi thép cả. Tuy nhiên, loại ly tâm dự ứng lực có các sợi thép chịu lực được kéo giãn khi đúc tại nhà máy.
Khi có lực tác động lớn làm gãy cột thì các sợi thép có xu hướng tụt vào bên trong khoảng 1 cm nên người dân không thấy. Nhiều người thắc mắc, tôi đã cho anh em dùng búa đập vỡ ra để chứng minh là bên trong có lõi sắt.
Nhân viên đang khắc phục sự cố mạng lưới điện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Điền Bá Quang. |
- Dù vậy, nhiều người dân vẫn nghi ngờ cột điện bị gãy là do không đảm bảo chất lượng. Xin ông giải thích rõ hơn về vấn đề này?
- Trước khi đưa cột điện dự ứng lực vào sử dụng đại trà, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã nghiên cứu, đánh giá chất lượng đảm bảo. Việc chọn nhà sản xuất cũng được thực hiện qua việc đấu thầu công khai. Quá trình lắp đặt cũng đúng theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, bão số 5 có gió mạnh cấp 7-8 làm gãy cột điện là không thể chấp nhận được. Người dân nghi ngờ về chất lượng cũng có lý của họ. Chúng ta cần phải có sự đánh giá lại của hội đồng khoa học thì mới chính xác. Công ty điện lực cũng chỉ là đơn vị sử dụng chứ không sản xuất cột điện.
Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, đánh giá lại việc sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực. Trước mắt, ngành điện lực sẽ dừng sử dụng loại cột này để các nhà khoa học đánh giá lại xem việc sử dụng nó có phù hợp ở khu vực thường xuyên có bão như các tỉnh miền Trung.
Bình luận