Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đã kiến nghị xử lý hơn 22.000 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: Quốc hội. |
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Kiểm toán Nhà nước hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng, trong đó có chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19". Cơ quan này đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit xét nghiệm có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra, để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong số 8 vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra, có 7 vụ được phát hiện qua kiểm toán chuyên đề quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại thành phố Hải Phòng, 7 công ty lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.
Một vụ việc có dấu hiệu trốn thuế của Công ty CP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh trong việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu.
Đến ngày 31/8, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 724 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền, để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết thêm đơn vị đã xây dựng xong đề án quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, để phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng dự thảo đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Đề cập đến kế hoạch năm 2023, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề, trong đó có một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng, như chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, nhằm đánh giá việc triển khai, thực hiện các chính sách của Nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế...
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm. Điển hình là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án đường ven biển…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu nâng cao hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực kiểm tra tài chính Nhà nước và tài sản công. Ông lưu ý công tác kiểm toán hàng năm cần có trọng tâm, trọng điểm, không quá lan man, tập trung vào những vấn đề lớn và “làm đến đâu ra đến đấy”.