Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Nội vụ nói về 'con số lịch sử' khi giảm được 8 huyện, 561 xã

“Giai đoạn từ 1986 đến 2015 chúng ta tăng 25 tỉnh, 183 đơn vị huyện, 1.505 xã. Trong xu thế tăng mà phải quay ngược để giảm là vấn đề lớn về tư tưởng", Bộ trưởng Nội vụ nói.

Kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 được báo cáo chi tiết để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 12/9.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp là việc mới, khó và rất vất vả, bởi trong suốt lịch sử phát triển 30 năm qua, số đơn vị hành chính chỉ tăng, không giảm.

"Ngược xu thế là việc khó"

“Giai đoạn 1986-2015, chúng ta có từ 38 tỉnh lên 63 tỉnh (tăng 25 tỉnh), từ 530 huyện lên tới 713 đơn vị (tăng 183 đơn vị), ở cấp xã từ 9.657 đơn vị tăng tới 11.162 (tăng 1.505 đơn vị). Như vậy, chỉ có chặng đường 30 năm mà đơn vị hành chính các cấp của chúng ta tăng như vậy”, Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Bởi thế, bà cho rằng khi đang trong xu thế tăng mà nay phải “quay ngược”, sắp xếp lại để giảm thì đây thực sự vấn đề lớn về tư tưởng. Không giải phóng được tư tưởng thì rất khó thực hiện.

giam nhieu huyen,  xa anh 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Phạm Thắng.

“Khó nhất là giải phóng được tư tưởng, tạo đồng thuận trong cán bộ, nhân dân”, bà Trà nói.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp do chưa có tiền lệ, lại được triển khai đồng loạt nên có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh không thể lường hết.

Việc sắp xếp thực hiện trong giai đoạn 3 năm 2019-2021, song theo Bộ trưởng Nội vụ, thực chất quỹ thời gian rất ngắn, chưa đầy một năm. Đó là sức ép rất lớn cho địa phương và bộ, ngành, có những cái thậm chí “không kịp trở tay”.

Bên cạnh khó khăn đó, người đứng đầu ngành nội vụ cũng nhắc đến nhiều thuận lợi.

Bộ trưởng Nội vụ đánh giá “đạt được mục tiêu tinh gọn”. Bà minh chứng bằng loạt con số sau sắp xếp, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. “Đây cũng là những con số có thể nói mang tính lịch sử”, theo lời nữ Bộ trưởng.

Bà cho biết việc sắp xếp cũng giúp giảm gần 450 cơ quan tổ chức hành chính cấp huyện với 12% biên chế công chức; giảm 3.437 cơ quan tổ chức ở cấp xã với 32,6% biên chế công chức.

"Đặc biệt, việc sắp xếp giúp giảm chi ngân sách Nhà nước trên 2.000 tỷ đồng", Bộ trưởng Trà nói và nhấn mạnh bài toán lớn nhất hiện nay là tập trung giải quyết chế độ chính sách với số lượng cán bộ dôi dư, tạo động lực cho việc sắp xếp giai đoạn tới.

Dôi dư hơn 700 công chức cấp huyện

Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy trong cả giai đoạn, cả nước giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện.

Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 đơn vị hành chính cùng cấp được sắp xếp là 2.411 người, trong đó, 1.705 người được bố trí đúng quy định, còn số dôi dư là 706.

Ở cấp xã, số cán bộ dôi dư là gần 10.000 người, tương đương với số cán bộ được sắp xếp đúng quy định (10.712 người).

Theo đoàn giám sát của Quốc hội, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 đã thành công. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện trên quy mô toàn quốc như giai đoạn vừa qua.

Việc này không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách mà còn mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển bền vững.

Bên cạnh kết quả, đoàn giám sát nhận định việc sắp xếp còn một số khó khăn, vướng mắc.

Công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do thực hiện còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều.

Nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp chậm.

Đáng nói, trong giai đoạn đầu sau khi thực hiện sắp xếp, đời sống sinh hoạt của nhân dân ở một số địa phương chịu tác động, ảnh hưởng nhất định do phải điều chỉnh thông tin, thay đổi địa chỉ...

Nữ Bộ trưởng chia sẻ về việc lần đầu vượt mục tiêu tinh giản biên chế

Tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Đây là lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế Bộ Chính trị đề ra.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm