Cho ý kiến về kết quả giám sát thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 tại phiên họp sáng 12/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập trường hợp cụ thể của TP Thủ Đức (TP.HCM).
Theo ông Huệ, hiện nay TP.HCM đang đề nghị cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức vì “chiếc áo chật quá”. Rồi Hà Nội cũng tính thành lập “thành phố trong thành phố”, vậy thì căn cứ pháp luật, tiêu chí, tiêu chuẩn thế nào.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Phạm Thắng. |
“Lúc lập thành phố Thủ Đức ý nói đây là cấp quận thôi, rồi có người nói là ‘trên quận, dưới thành phố’. Vậy TP Thủ Đức là gì trong hệ thống của chúng ta?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay TP Thủ Đức là mô hình mới “thành phố trong thành phố”, quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
“TP Thủ Đức rõ ràng là cấp huyện, không thể nói đây là cấp tỉnh, nhưng cần tính đến những cơ chế, chính sách đặc thù về phân cấp, phân quyền”, theo lời ông Thăng.
Qua thực tiễn và trao đổi với TP.HCM, lãnh đạo Bộ Nội vụ thừa nhận “đúng là năng lực đội ngũ của cán bộ và quản trị trên địa bàn này cần phải xem xét, tiếp tục củng cố”.
Về vấn đề phân cấp, phân quyền ở TP Thủ Đức, Thứ trưởng Thăng cho biết Bộ Nội vụ đã được giao xây dựng đề án để báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội theo mô hình đô thị dưới cấp tỉnh. Theo ông Thăng, tới đây sẽ phải tiếp tục hoàn thiện thể chế và TP.HCM cũng đang tính sửa Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố, trong đó có một nội dung riêng đối với TP Thủ Đức.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nói rõ thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận. Việc thực hiện sáp nhập này thực hiện theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đánh giá theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại các văn bản đó.
Quá trình thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đã nêu ý kiến với Chính phủ, UBND TP.HCM trong việc đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức, để phát huy được những tiềm năng, lợi thế như trong đề án.
Tuy nhiên, những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của chính quyền thành phố trực thuộc thành phố đã được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể quy định trái luật được.
Hơn nữa, ở thời điểm đó, Chính phủ và chính quyền TP.HCM chưa kịp chuẩn bị những cơ chế, chính sách đặc thù một cách kỹ lưỡng để có thể đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, mới chỉ quyết định thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể kèm theo.
“Chúng tôi được biết Chính phủ đang chỉ đạo UBND TP. HCM nghiên cứu để sắp tới có thể đề xuất những chính sách đặc thù nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của TP Thủ Đức và sẽ phải báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm về vấn đề này”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.
Cuối năm 2020, TP.HCM công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức.
Việc thành lập TP Thủ Đức được thực hiện trên cơ sở sáp nhập 3 quận gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Sau khi hình thành, TP Thủ Đức có tổng diện tích 211,56 km2 và dân số là hơn 1 triệu người.
TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM, có tổng cộng 34 phường; vị trí địa lý giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh (TP.HCM) và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.