Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kịch bản nếu Việt Nam tạo ra ngành công nghiệp hoa hậu

Nhiều công ty, đơn vị trong nước tham vọng tạo ra ngành công nghiệp hoa hậu. Tuy nhiên, hướng đi này liệu có đúng trong bối cảnh hiện tại.

nganh cong nghiep hoa hau o Viet Nam anh 1

Trong buổi họp báo vào đầu tháng 7, bà Phạm Kim Dung - Giám đốc công ty Sen Vàng - đơn vị nắm bản quyền nhiều cuộc thi sắc đẹp uy tín trong nước - chia sẻ về tham vọng tạo ra một ngành công nghiệp hoa hậu ở Việt Nam.

Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam nói rằng bà cùng công ty đang lên kế hoạch để mở những công ty đào tạo hoa hậu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tương lai về một ngành công nghiệp hoa hậu sẽ thế nào trong bối cảnh Việt Nam tràn lan những cuộc thi chất lượng giảm sút về thí sinh, khâu tổ chức.

Hoa hậu ra đời từ các lò đào tạo

Ngành công nghiệp hoa hậu là khái niệm được nhắc đến tại các quốc gia cuồng sắc đẹp như Venezuela, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines... vài thập kỷ trước. Tại các nước này, hàng loạt trung tâm, học viện đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp được mở ra để đáp ứng giấc mơ đổi đời của nhiều cô gái trẻ.

Ở Venezuela, một đứa trẻ mới trên 6 tuổi thậm chí cũng được cha mẹ gửi vào các "lò" đào tạo sắc đẹp. Nơi đây, các bé đang ở độ tuổi học chữ đã được dạy cách catwalk, trình diễn trên những đôi giày cao gót, kỹ năng diễn thuyết, trang điểm, làm tóc...

Miss Venezuela Organization - trung tâm đào tạo hoa hậu của ông trùm Osmel Sousa - là học viện lâu đời nhất tại quốc gia này. Những cô gái lọt vào "mắt xanh" của Sousa bước vào quá trình huấn luyện khắc nghiệt với các bài tập, chế độ ăn đặc biệt để hoàn thiện số đo hình thể. Mặt khác, những khuyết điểm trên cơ thể của các người đẹp sẽ được khắc phục bởi bác sĩ thẩm mỹ để tạo ra vẻ đẹp hoàn hảo, theo Brooklyn Rail.

Tương tự, ở Philippines, những trung tâm đào tạo hoa hậu nổi tiếng nhất ở nước này đều tiến hành săn người đẹp ở nhiều địa phương khác nhau trước khi một cuộc thi hoa hậu khởi động khoảng 6 tháng. Sau đó, những cô gái sẽ được huấn luyện về cách đi đứng, tạo dáng, cư xử, trả lời phỏng vấn sao cho giống một nữ hoàng sắc đẹp. Họ cũng được dạy về cách giữ gìn hình ảnh, phát ngôn nếu may mắn đăng quang hoa hậu.

"Ông trùm" hoa hậu Gaffud chia sẻ trên CNN rằng dựa trên vẻ đẹp tự nhiên của mỗi cô gái, các huấn luyện viên sẽ định hướng cho họ xây dựng hình ảnh ngọt ngào hay sexy, quyến rũ.

Kết quả của công cuộc đào tạo hoa hậu ở Venezuela hay Philippines là tạo ra hàng chục cô gái "ẵm" vương miện tại đấu trường sắc đẹp lớn nhất thế giới như Miss Universe, Miss World, Miss International... Trong hàng chục năm, Venezuela vẫn là đất nước nổi danh với tên gọi "quốc gia sản sinh hoa hậu".

Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có một công thức đào tạo hoa hậu khác nhau. Và để tiến tới kết quả mỹ mãn kể trên đòi hỏi một lộ trình chuyên nghiệp, bài bản từ những công ty, tổ chức kèm với chính sách quản lý của các cơ quan ban ngành.

Bài toán về ngành công nghiệp hoa hậu ở Việt Nam

Phát triển sau hàng chục năm, lĩnh vực đào tạo sắc đẹp non trẻ của Việt Nam mới bắt đầu manh nha khái niệm "công nghiệp hoa hậu" trong vài tháng gần đây.

Những thí sinh sau khi tham gia cuộc thi hoa hậu sẽ gắn bó với công ty quản lý theo các giai đoạn, thông thường là cột mốc hai năm đương nhiệm và hai năm sau đương nhiệm.

Trong đó, quãng thời gian đương nhiệm được xem là quan trọng nhất. Các người đẹp đồng hành với những hoạt động thiện nguyện của công ty, học cách đối diện áp lực, trách nhiệm của người đội đầu vương miện. Tiếp đó, họ được đào tạo để rèn luyện các kỹ năng phục vụ cho việc thi quốc tế cùng hoạt động thương mại.

Những thí sinh sau khi trở về từ các cuộc thi quốc tế đã trở thành talent của công ty. Họ được định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển lĩnh vực sở trường như MC, ca sĩ… để quay lại phục vụ công ty.

Dẫn chứng, Hoa hậu Lương Thùy Linh, Đỗ Mỹ Linh trở thành MC, Á hậu Kiều Loan góp mặt với vai trò ca sĩ trình diễn trong các chương trình của công ty Sen Vàng. Đồng thời, các người đẹp này luôn có mặt tại các sự kiện của công ty để tăng thêm mức độ thu hút, nổi tiếng.

Tuy nhiên, công tác quản lý, đào tạo hoa hậu mới được chú trọng sau đăng quang. Còn vấn đề quan trọng nhất của một ngành công nghiệp hoa hậu là hình thành các trung tâm đào tạo trước khi thi hoa hậu vẫn còn nằm trong dự định.

Tính đến hiện tại, phần lớn các người đẹp Việt Nam vẫn tự mình đăng ký dự thi những sân chơi nhan sắc dựa trên sự phù hợp.

Không ít thí sinh phải trải qua 5-7 cuộc thi để có thể đạt đến đích cuối cùng là vương miện hoa hậu. Số khác tự mình tìm đến những lớp dạy catwalk, học kỹ năng tiếng Anh, giao tiếp và thuyết trình... trước khi góp mặt ở một đấu trường sắc đẹp.

Thiếu định hướng, đào tạo, nhiều người đẹp còn gặp bỡ ngỡ trong lần đầu dự thi các cuộc thi hoa hậu. Họ gặp không ít sự cố ở các phần thi như catwalk kém, phát ngôn thiếu hiểu biết hay không biết cách tự trang điểm, chọn trang phục ở những vòng ngoài. Nhiều cô gái sau đăng quang còn vướng lùm xùm về đời tư như cặp đại gia có vợ, sử dụng bóng cười hoặc chụp ảnh nhạy cảm.

Một người đẹp lọt vào top 5 của cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia cũng có thể khiến khán giả ngã ngửa vì ứng xử hạn chế, để lộ lỗ hổng về kiến thức, thậm chí trả lời lạc đề với nội dung câu hỏi từ giám khảo.

Đơn cử, tại chung kết Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022, màn ứng xử của top 5, thí sinh Nguyễn Thị Giáng Tiên nhận được câu hỏi: "Nếu trực tiếp chứng kiến một người bị miệt thị ngoại hình, bạn sẽ làm gì để giúp họ?".

Cô trả lời: "Nếu em gặp một người bị miệt thị ngoại hình, điều đầu tiên em làm là sẽ mỉm cười và tinh thần năng lượng bên trong chính con người em sẽ giúp cho bạn ấy có năng lượng tích cực hơn. Sau đó, em sẽ nói với bạn ấy rằng hãy tự tin vào bản thân mình. Bởi khi chúng ta sinh ra đã là món quà quý báu cho cuộc đời này và bạn rất may mắn khi được lành lặn. Bạn sẽ chiến thắng bản thân mình, vì mỗi con người, mỗi trái tim đều có một vẻ đẹp riêng và mỗi cá nhân sẽ hoàn thiện mình hơn nữa".

Phần trả lời ở vế đầu tiên của Giáng Tiên sau đó trở nên viral trên mạng xã hội. Khán giả tỏ ra thất vọng với màn ứng xử từ người đẹp quê Bình Thuận.

Tương lai

Trong bối cảnh cuộc thi sắc đẹp ở quy mô cấp quốc gia và địa phương được tổ chức tràn lan trên cả nước, nhiều sân chơi sắc đẹp được nhận xét thí sinh hạn chế, công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Từ thực trạng kể trên, câu hỏi đặt ra về con đường đến ngành công nghiệp hoa hậu ở Việt Nam có trở nên khả dĩ hay không.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO của Unicorp, đơn vị nắm bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - nói với Zing rằng khán giả không nên quá lo lắng khi chứng kiến hàng loạt sân chơi sắc đẹp ra đời.

Ông Bảo Hoàng nêu quan điểm: "Chuyện nhiều hay ít cuộc thi sắc đẹp không quan trọng. Quan trọng là nếu đặt các cuộc thi hoa hậu như một ngành kinh tế thì khán giả sẽ là người đào thải. Họ sẽ quyết định cuộc thi nào ở lại sau cùng dựa trên mức độ quan tâm. Vài năm tới đây, tôi dự đoán các cuộc thi sắc đẹp giảm lại. Bởi những cuộc thi kém chất lượng bị đào thải hoặc không đủ tiềm lực để mở tiếp. Lúc này, những sân chơi sắc đẹp uy tín, có chất lượng tiếp tục được khán giả theo dõi".

Bà Trương Ngọc Ánh - trưởng ban tổ chức Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam - cho hay hoa hậu cũng là một ngành công nghiệp. Những cuộc thi càng lớn, uy tín thì lượng khán giả theo dõi càng đông. Và ngược lại, các sân chơi sắc đẹp kém chất lượng sẽ bị đào thải theo quy luật thị trường.

Nhận định về thị trường hoa hậu ở Việt Nam hiện tại, ông Trần Việt Bảo Hoàng đánh giá không thể so sánh với các cường quốc như Venezuela, Ấn Độ, Nhật Bản hay Philippines. Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển và cần một quá trình dài để thúc đẩy nền công nghiệp hoa hậu.

Theo ông, một nền công nghiệp hoa hậu sẽ cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của 4 yếu tố. Đầu tiên là cơ sở hạ tầng và thể chế, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện, hỗ trợ, có chính sách phù hợp để phát triển các trung tâm, công ty đào tạo hoa hậu. Tiếp theo là các công ty kinh doanh thương mại, giải trí giữ vai trò đào tạo, phát triển hoa hậu. Nhóm thứ ba là talent, tức các hoa hậu, á hậu. Khán giả, người hâm mộ là yếu tố thứ 4 đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy sự hoàn thiện và tạo động lực cho các talent.

"Cả 4 yếu tố kể trên phải phối hợp, chung hướng phát triển mới tạo ra một ngành công nghiệp có sự liên kết. Khi đưa các thí sinh của mình ra đấu trường sắc đẹp thế giới, tôi cảm nhận được rằng nhan sắc Việt Nam vẫn chưa đặt được đúng chỗ, xứng đáng với giá trị vốn có. Tôi khuyến khích việc các cô gái tham gia nhiều cuộc thi sắc đẹp vì thông qua đó, họ được thử sức và tìm ra bến đỗ phù hợp", anh nói.

Tai tiếng của Lê Bống và tranh cãi ở Hoa hậu Thể thao 2022

Tân hoa hậu vướng ồn ào đời tư, thí sinh kém chất lượng, công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp... là những điểm trừ của cuộc thi Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022.

Cách kiếm tiền từ cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam

Thu hút nhãn hàng tài trợ, bán vé đêm chung kết, biến hoa hậu, á hậu trở thành talent… là cách các công ty, đơn vị tổ chức hoa hậu ở Việt Nam đang làm sau mỗi cuộc thi.

Jack khong moi hinh anh

Jack không mới

0

Dẫu cho không còn giữ được sức nóng như giai đoạn 4-5 năm trước, mỗi sản phẩm Jack cho ra mắt vẫn nhận được sự chú ý từ cả người hâm mộ lẫn khán giả nói chung.

Tâm An

Bạn có thể quan tâm